Chỉ cần hai nét, người Trung Hoa đã viết nên chữ Nhân - con người. Hai nét đó thể hiện một con người đầy đủ: biết đứng thẳng và tiến về phía trước. Để có được điều đó, con người phải hội đủ hai yếu tố: trí lực và thể lực, hay nói rộng hơn là đủ Đức và Tài.
Một dân tộc đã nhanh chóng trở nên hùng cường, đứng thứ hai thế giới về phát triển kinh tế là nhờ họ có những con người đầy lòng tự trọng, biết vượt qua chính mình, biết đứng thẳng - đó là đất nước Nhật Bản. Một dân tộc biết đứng lên, vượt qua chiến tranh, bước qua lịch sử với hàng chục vạn xác giặc xâm lược khi chỉ có trong tay một lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Dân tộc đó đã dựng nên những tượng đài vĩ đại về lòng quả cảm, hy sinh vì Tổ quốc; hình mẫu bất diệt về Mẹ anh hùng - những con người mà nhắc đến thế giới còn run sợ, kính phục.
Thế tại sao dân tộc đó vẫn chưa “sánh vai với các cường quốc năm châu”? Tại sao vẫn cứ lình xình, chòi đạp, cố vượt ra khỏi nhóm các nước nghèo, lạc hậu của thế giới? Tại sao trí thông minh của người Việt được đánh giá nằm trong tốp 5 nhân loại mà các cử nhân Việt lại cạnh tranh không nổi với nhân lực nước ngoài?
Và tại sao tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm cứ diễn ra phức tạp và tinh vi? Tại sao lại có tình trạng bảo mẫu “hành xác” trẻ em, người nhà học sinh vây đánh thầy giáo, người đi đường thờ ơ với người gặp nạn, ngoảnh mặt với kẻ cướp lộng hành, rồi lại còn xúm vào “hôi bia”? Đâu là lẽ đúng - điều sai mà nhiều người dửng dưng như không phân biệt được hoặc nhắm mắt cho qua?
Nói gay gắt như nhiều nhà xã hội học, đó là do chuẩn mực xã hội xuống cấp, nhưng tựu trung chính là nền tảng đạo đức bị buông thả, môn giáo dục công dân trong nhà trường không đảm đương nổi việc hình thành nhân cách công dân cho học sinh. Gia đình không nhận thức được là tế bào sống, tích cực để giáo dục, uốn nắn con trẻ thành người tốt, có ích. Một chàng trai, thiếu nữ cầm trong tay giấy chứng minh nhân dân bước vào giảng đường đại học vẫn chưa nhận thức được điều đúng, chưa rõ con đường mình chọn lựa thì làm sao ra trường có thể giúp ích cho đất nước. Chữ “Nhân” chưa được dạy kỹ; học sinh chưa vững “Tiên học lễ, hậu học văn”, làm sao có thể hội nhập toàn cầu, đủ sức tiếp thu, phát triển khoa học kỹ thuật, văn minh nhân loại.
Chính trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” này, một nghị quyết - theo tôi - chứa đựng đầy đủ nhất ý nghĩa chữ “Nhân” ra đời: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết nêu rõ: Phát triển giáo dục, đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Điều đáng mừng hơn hết là nghị quyết xác định bậc học quan trọng, tập trung đầu tư trước tiên là giáo dục mầm non. Với bậc học này, nghị quyết cho rằng mục tiêu là giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách. Đối với giáo dục phổ thông, cần tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.
Để phát triển đúng nghĩa chữ Nhân trong nguồn nhân lực, theo nghị quyết, từng bậc học, chuyên ngành đào tạo phải có mục tiêu, coi đó là cam kết đảm bảo chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục và đào tạo. Đổi mới chương trình phải nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức - trí - thể - mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc; tinh hoa của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Để có Con Người hoàn thiện, Bác Hồ đã nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trong bức thư cuối cùng gửi ngành giáo dục, Người đã dặn: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng. Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”.
PHƯỚC BÌNH