Rừng Tây Nguyên bị tàn phá và cần phải bảo vệ, đó không phải là vấn đề mới, nhưng vẫn mang tính cấp bách phải giải quyết bằng những hành động cụ thể, quyết liệt và lâu dài. Sau chỉ đạo “đóng cửa rừng tự nhiên” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, công tác quản lý bảo vệ rừng đáng ghi nhận với sự chuyển biến của các bộ, ngành và địa phương trong khu vực Tây Nguyên. Ngoài việc xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các đơn vị đã có những hành động cụ thể và kết quả bước đầu. Đó là những đợt truy quét, đột nhập vào những điểm nóng phá rừng quy mô lớn. Nhiều “trùm” gỗ lậu bị bắt; nhiều doanh nghiệp bị “sờ gáy” vì thuê rừng hoặc nhận bảo vệ rừng nhưng để rừng bị mất; nhiều cán bộ bảo vệ rừng bị kỷ luật vì để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn mình quản lý…
Tuy nhiên, những hành động “bề nổi” mang tính sự vụ nói trên chưa thể bịt hết những lỗ hổng trong công tác quản lý bảo vệ rừng vốn còn nhiều yếu kém nhiều năm qua. Mới đây, Cục Kiểm lâm thẳng thắn thừa nhận, trong 5 năm qua, Tây Nguyên luôn là điểm nóng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Có thể kể đến một số vụ vi phạm lớn trong thời gian qua như: vụ cất giữ, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép tại huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông); vụ tập kết gỗ trái phép tại Ea Súp (Đắk Lắk); vụ cất giữ, buôn bán lâm sản tại Ngọc Hồi (Kon Tum) và gần đây nhất là vụ trùm lâm tặc Hà “đen” cùng đồng bọn phá rừng quy mô lớn tại khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5 (tỉnh Lâm Đồng).
Trong đó, có nhiều “điểm nóng” về phá rừng không khó để phát hiện, nhưng vẫn tồn tại một thời gian dài, chỉ đến khi lực lượng từ Trung ương vào cuộc thì mới bị phanh phui. Cùng với tình trạng phá rừng, thì việc chuyển đổi rừng ồ ạt sang trồng cây công nghiệp và cho xây dựng hàng loạt thủy điện… cũng đã khiến hơn 273.000ha rừng tự nhiên bị “bốc hơi” chỉ trong vòng 5 năm.
Cũng tại hội nghị nói trên, hàng loạt hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng được nêu ra để mổ xẻ, phân tích và rút kinh nghiệm.
Ngoài một số nguyên nhân khách quan, còn có nhiều lỗi chủ quan từ sự yếu kém về chuyên môn, buông lỏng quản lý hoặc chưa làm hết trách nhiệm trong bố trí lực lượng bảo vệ rừng cũng như thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng. Cùng với đó là việc thực thi các chính sách về quản lý bảo vệ rừng chưa thực sự hiệu quả.
Những hạn chế, yếu kém đã được thẳng thắn chỉ ra, vì vậy, để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từng bước khôi phục, trả lại màu xanh cho Tây Nguyên, thì không còn cách nào khác là phải nghiêm túc khắc phục. Không chỉ lực lượng kiểm lâm, mà cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành, địa phương; cần phân cấp quản lý và giao trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Một trong những cách làm hay mà tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thời gian qua là yêu cầu lãnh đạo từ cấp tỉnh, mà cao nhất là Chủ tịch UBND tỉnh, đến cấp huyện, xã phải trực tiếp vào rừng kiểm tra, chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, mỗi tháng một, hai lần hoặc nhiều hơn. Ở các địa phương khác như Gia Lai, Đắk Nông, lãnh đạo cấp tỉnh cũng đã có những phản ứng nhanh, vào cuộc kiểm tra và chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại rừng.
Bên cạnh đó, để bảo vệ rừng một cách bền vững, cần thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan công tác bảo vệ rừng. Ngoài các chính sách hiện hành, dự thảo “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025” cũng đề xuất thêm các chính sách mới. Trong đó, tâm điểm là chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên, hình thành hệ thống quản lý rừng theo hình thức lâm nghiệp cộng đồng trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất, ổn định đời sống, gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; xem xét cơ chế liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp với hộ gia đình để phát triển rừng… Những chính sách mới này kỳ vọng sẽ tiếp tục giải quyết tốt hơn sinh kế cho cộng đồng dân cư sống gần rừng - là yếu tố rất quan trọng để bảo vệ rừng bền vững.
Giữ rừng xưa nay vẫn được xem là “cuộc chiến” gian nan, nhưng nói vậy không có nghĩa là không thể làm được, nhất là khi đã có chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ. Điều quan trọng là quyết tâm phải chuyển thành hành động và thực hiện dài lâu, chứ không chỉ làm theo phong trào.
NAM VIÊN