Rác là một vấn nạn lớn đối với các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Mỗi ngày, mỗi người dân TPHCM thải ra khoảng 1 - 1,2kg rác thì tổng lượng rác tính trên 13 triệu dân sẽ trên 10.000 tấn rác - một con số khổng lồ. Nhưng công nghệ xử lý rác vẫn lạc hậu như thời xa xưa. Đó là chôn lấp, đốt rác sau khi gom rác bằng xe thô sơ từ các nhà dân. Tới đây TPHCM sẽ phải hiện đại hóa công nghệ xử lý rác bằng cách nhập khẩu từ nước ngoài phương pháp đốt kín, cung cấp nhiệt và điện. Tuy nhiên, một thứ không thể nào nhập khẩu được, là ý thức tự giác của người dân.
Trong tầm mắt của chúng ta lúc nào cũng nhìn thấy rác ở một chỗ nào đó. Không phải tất cả, nhưng có nhiều người dân tiện đâu xả rác đấy. Người bán hàng rong xả rác vô tội vạ là một lẽ. Nhưng người ngồi trong xe hơi sang trọng vất vỏ trái cây, chai nước uống hết xuống đường cũng rất thường thấy. Chúng ta có đô thị tương đối hiện đại, nhưng chưa có công dân đô thị văn minh.
Muốn có được một thành phố trật tự, xanh - sạch - đẹp thì phải có được một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, ổn định và hợp lý. Đó chính là cơ sở để các cơ quan công quyền thực thi và mỗi công dân tự biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình tới đâu.
Singapore nổi tiếng thế giới là thành phố không rác, vì nhờ một hệ thống luật mạnh và rất nghiêm minh. Luật bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị của Singapore nổi tiếng là cụ thể và hình thức chế tài nghiêm khắc. Lần giở lại lịch sử Singapore mới thấy được cuộc đấu tranh cho trật tự đô thị ở đảo quốc này thật khó khăn. Ông Lý Quang Diệu bắt đầu cho một thành phố văn minh tương lai từ việc cấm khạc nhổ trên đường phố vào năm 1963 (lúc này Singapore vẫn còn là một bang tự trị thuộc Liên bang Malaysia). Đây là cuộc đấu tranh gay go vì người Hoa có thói quen khạc nhổ (hơn 60% cư dân Singapore là người Hoa). Tiếp sau cuộc chiến chống khạc nhổ thành công, bộ máy cầm quyền của ông Lý Quang Diệu tiếp tục tiến đến cấm bò đi rông trên đường phố vào năm 1964. Cuộc đấu tranh này làm ông Lý Quang Diệu suýt mất chức vì hơn 30% dân số còn lại là người Malaysia và Ấn Độ theo đạo Hồi, và với họ thì bò là một con vật linh thiêng. Đỉnh điểm của sự phản kháng dữ dội này là khi cảnh sát bắt và giết 53 con bò vào tháng 2-1965, tức là sau 1 năm vận động, thuyết phục.
Cùng với những hành động kiên quyết trên, Singapore cấm bán hàng rong trên đường phố. Điều luật này cũng bị phản ứng dữ dội vì thói quen ăn vặt, nhưng cuối cùng thì 5.000 người bán hàng rong phải chuyển đến những địa điểm dành riêng cho họ theo một quy hoạch và thiết kế sẵn sau nhiều lần bị phạt rất nặng. Năm 1970 Chính phủ Singapore ra lệnh cấm đốt pháo, cấm gây tiếng ồn từ loa phóng thanh, vô tuyến truyền hình. Năm 1975 Singapore ban hành luật cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, trên xe buýt, tàu điện ngầm. Năm 1983, Singapore lại cấm bán và ăn kẹo cao su và bị các nước phương Tây, nhất là Mỹ (nơi sản xuất kẹo cao su nhiều nhất thế giới) phản đối quyết liệt.
Tuy nhiên, bằng một tinh thần thép và sự kiên nhẫn của bộ máy công quyền, các đạo luật bảo vệ môi trường của Singapore dần hoàn chỉnh và được thực thi dưới các hình thức chế tài rất nghiêm khắc.
Cho dù hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, cơ quan hành pháp mạnh nhưng kết quả sẽ hạn chế nếu người dân không nhận thấy việc bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc thành phố không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm tự hào, sự hạnh phúc. Nếu người dân chỉ thực hiện các quy tắc ở đô thị theo tinh thần “phải” nếu không sẽ bị “phạt” thì cuộc sống rất nặng nề và khó chịu. Thực tế không phải lúc nào và chỗ nào cũng có cảnh sát hay các nhân viên công lực. Do vậy ý thức tự giác chấp hành luật pháp của người dân là cực kỳ quan trọng. Một thành phố sẽ đẹp đẽ hơn, ngăn nắp hơn khi mà các quy tắc sống trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày. Ngược lại, việc xả rác bừa bãi ra đường miễn sao “sạch nhà mình” là thói quen phổ biến của người dân Việt Nam. Thực sự, người dân Việt Nam chưa có thói quen hành động theo pháp luật. Để cho ý thức pháp luật trở thành thường trực trong mỗi người dân và cộng đồng còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, như: trình độ dân trí, sự ảnh hưởng lâu dài của văn hóa truyền thống, sức mạnh của giáo dục, sự điều chỉnh của cộng đồng bằng dư luận xã hội và sự đóng góp của các tổ chức xã hội. Chúng ta đều sinh ra và lớn lên trong một xã hội nông nghiệp lạc hậu, do vậy văn hóa tiểu nông với đặc tính tự do, tùy tiện, vô tổ chức, khó hợp tác là di sản văn hóa trong hành trang của mỗi chúng ta khi bước vào xã hội hiện đại. Chính đó là một trong số những trở ngại để tạo dựng nên một xã hội trật tự, kỷ cương.
Một số người cho rằng lối sống văn minh, thói quen văn hóa đô thị chỉ hình thành trên cơ sở của nền tảng vật chất - kỹ thuật đô thị hiện đại. Điều đó có một phần đúng, nhưng hình thành một lối sống, thói quen cho cả một xã hội thì phải trải qua nhiều thế hệ. Do vậy, chúng ta không thể ngồi chờ đợi có được đô thị văn minh mới xây dựng lối sống văn minh, mà phải xây dựng nó ngay từ khi đô thị còn ở trình độ phát triển thấp. Lịch sử cho thấy các nước châu Âu có được lối sống văn minh như ngày nay phải mất hơn 200 năm, tuy nhiên các nước đi sau có thể rút ngắn được tiến trình này như đã diễn ra ở Singapore, Malaysia, Dubai.
TPHCM phát động phong trào vận động người dân không xả rác, là một động thái cần thiết. Nhưng điều quan trọng nhất là làm sao duy trì được việc không xả rác một cách lâu dài và bền vững để nó trở thành ý thức tự thân và thói quen thường trực. Nếu chỉ là một phong trào thì trước sau rồi cũng xẹp. Các trường học, cơ quan, hiệp hội, khu phố và mỗi gia đình đều phải vào cuộc. TPHCM là căn nhà chung của tất cả chúng ta, nếu dơ bẩn quá, chẳng ai muốn tới. Khi đó mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa, du lịch sẽ thất bại.
Trong cuốn sách rất nổi tiếng “Bí quyết hóa rồng”, ông Lý Quang Diệu đã viết: “Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn là chúng tôi có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn. Chúng tôi không được coi là xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể. Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau đó, chúng tôi thuyết phục và lôi kéo số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này khiến cho Singapore trở thành một xã hội sống thú vị hơn” .
Những suy nghĩ này rất đáng để cho chúng ta tiếp thu và suy gẫm!