Việc thiếu cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm khiến số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản vô cùng ít ỏi. Trong khi với những đề tài nghiên cứu có đối tượng là con người lại gặp rào cản lớn do bị hạn chế bởi những vấn đề y đức. Trăn trở này được hầu hết các bác sĩ, nhà khoa học đồng tình tại Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả thực tiễn của các đề tài nghiên cứu khoa học Chương trình Y tế TPHCM giai đoạn 2015-2020, do Sở KH-CN TPHCM tổ chức.
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, những năm qua, sở đã cấp kinh phí thực hiện nhiều nghiên cứu thuộc chương trình y tế của thành phố. Nhiều đề tài đã đi sâu, đi sát vào thực tiễn cuộc sống và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, xác định các mục tiêu khả thi, thiết thực… với tỷ lệ ứng dụng vào đời sống lên đến 90%, là một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong 90% đó, ông Phùng thừa nhận không quá “hoan hỉ” bởi tổng số đề tài thực hiện vẫn còn quá ít. “Hàng năm, số lượng đề tài đăng ký xin thẩm định tại sở khá nhiều, nhưng tỷ lệ hồ sơ đạt rất khiêm tốn. Cụ thể, trong năm 2012, tỷ lệ đạt chỉ là 27% trên tổng số 29 đề tài, năm 2013 tỷ lệ đạt 50% trên 30 đề tài và năm 2014 tỷ lệ đạt 31% trên 31 đề tài xin thẩm định”, ông Phùng dẫn chứng.
Chưa hết, hầu hết các nhà khoa học đều phải làm song song giữa công tác chuyên môn và công tác nghiên cứu, khiến thời gian nghiệm thu kết quả các đề tài, dự án đa phần đều bị trễ hạn. Đặc biệt, thực tế thiếu cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm khiến số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản vô cùng ít. Trong khi với những đề tài nghiên cứu có đối tượng là con người, lại gặp rào cản lớn do bị hạn chế bởi những đạo đức trong lĩnh vực y sinh. Những nghiên cứu có giá trị cao và thời gian kéo dài lại khiến nhiều người bỏ cuộc hoặc ngại thực hiện do gặp khó khăn trong việc thành lập các hội đồng đạo đức y khoa với những thủ tục rườm rà, phức tạp.
Trước thực tế này, không ít các nhà khoa học, đồng thời cũng là y, bác sĩ tại các bệnh viện cho rằng cần phải có sự thay đổi, chí ít cũng có vài cơ chế mới để hỗ trợ các nhà khoa học. PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, nhấn mạnh rằng: “Ung thư phổi đang là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, chủ yếu vẫn là do hút thuốc lá. Muốn giải quyết vấn đề này phải có phương án làm sao người dân bỏ thuốc lá. Như vậy, một mình Sở KH-CN không giải quyết được. Cần thiết phải sự phối hợp giữa nhiều đơn vị khác nhau, thời gian nghiên cứu cũng nên kéo dài hơn, bởi có những đề tài cần có thời gian dài mới ra kết quả”.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học y tế, thừa nhận muốn có nhiều hơn các phương pháp chữa bệnh mới, cần phải tháo gỡ từng rào cản một. Có những đề tài cần được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tối đa, nhưng cũng có những đề tài nên tìm hướng xã hội hóa hay hợp tác quốc tế, giảm một phần gánh nặng cho quốc gia. Nhà khoa học chỉ có thể làm tốt công tác chuyên môn khi không bị chi phối bởi các yếu tố nặng gánh khác.
TƯỜNG HÂN