Theo kế hoạch, hôm nay (7-9), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức hội nghị toàn ngành tại Hà Nội để triển khai các giải pháp mới về chính sách tiền tệ tới các ngân hàng thương mại. Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực trên thị trường tiền tệ, thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay xuống 17% - 19%/năm ngay từ giữa tháng 9 và ổn định thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm.
Trên thực tế, một số chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành để cụ thể hóa thông điệp hỗ trợ giảm lãi suất của mình. Đó là việc ban hành Thông tư 22 bãi bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động (theo quy định của Thông tư 13), giúp các ngân hàng có thể sử dụng thêm nguồn vốn đang cất trong kho để cung ứng cho nền kinh tế. Theo tính toán của một số chuyên gia, với quy định mới của Thông tư 22, từ đầu tháng 9-2011 lượng tiền trong hệ thống ngân hàng được giải tỏa lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Với thanh khoản đang dồi dào, cộng với lượng vốn mới được giải tỏa, nhiều người kỳ vọng mong muốn giảm lãi suất sẽ sớm thành hiện thực.
Hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, liên tiếp trong những ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại đã công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay.
Với các tín hiệu đó, người lạc quan có thể tin tưởng rằng lãi suất đã thực sự giảm. Nhưng với nhiều doanh nghiệp đã từng có mối quan hệ tín dụng với ngân hàng thì chưa thể thở phào. Thực tế trước đây đã có rất nhiều gói tín dụng ưu đãi được công bố trong bối cảnh tương đồng, nhưng thông tin kiểm chứng khả năng tiếp cận của khách hàng, về thực tế giải ngân như thế nào gần như không được công bố. Mặt khác, các gói tín dụng ưu đãi 2.000 - 3.000 tỷ đồng liệu đã đủ để đại diện được cho cả hệ thống tín dụng hàng trăm ngàn tỷ đồng, thậm chí có thể cả triệu tỷ đồng đang chịu lãi suất rất cao? Theo các chuyên gia, những tín hiệu giảm lãi suất trên có tiếp tục được mở rộng để đưa mặt bằng lãi suất thực giảm hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không phải ngẫu nhiên đại diện một số ngân hàng thương mại khi được hỏi đều cho rằng việc giảm lãi suất cho vay chỉ có thể thực hiện dần dần và phải mất một thời gian mới có thể đạt được mặt bằng 17% - 19%/năm như mong muốn. Các gói tín dụng ưu đãi nhiều ngân hàng công bố thời gian qua, đều đi kèm với điều kiện, áp dụng với khoản vay ngắn hạn cũng cho thấy chưa nên quá vội mừng trước tín hiệu giảm lãi suất.
Dù nguồn vốn đã dồi dào, nhưng một yếu tố quan trọng, lãi suất đầu vào hiện vẫn ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước đã phát đi yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm, nhưng thực tế theo khảo sát của phóng viên SGGP ở một ngân hàng thương mại lớn vào ngày 6-9, lãi suất thực trả cho người gửi tiền vẫn ở mức 16,5%/năm. Với mức lãi suất này thì việc đưa lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay xuống mức 17% - 19%/năm là rất khó. Người ta đang chờ những động thái mạnh hơn từ phía cơ quan quản lý để có thể thiết lập lại kỷ cương trong vấn đề này.
Mặt khác, một yếu tố khách quan nhưng có tác động lớn tới lãi suất là lạm phát. Nếu chỉ số CPI trong tháng 9 và những tháng cuối năm không theo chiều hướng giảm thì dù có ép bằng cách nào, dùng biện pháp hành chính hay kinh tế, lãi suất cũng khó giảm. Đó là chưa kể đến bên cạnh chi phí huy động cao, các ngân hàng vẫn phải dự phòng khả năng biến động những tháng cuối năm và gối đầu cho năm tới. Theo quy luật, những tháng cuối năm là mùa cao điểm lạm phát, cao điểm nhu cầu thanh toán và cầu vốn. Thanh khoản và lãi suất có thể lại chịu sức ép khiến định hướng giảm lãi suất hiện nay khó bền vững.
Cơ hội giảm lãi suất đã mở ra, nhưng rõ ràng vẫn còn đó những rào cản cần được tính toán để tháo gỡ. Cuộc họp hôm nay giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại sẽ là cơ hội bàn bạc, thống nhất để triển khai một cách khả thi nhất các giải pháp giảm lãi suất đang được thị trường chờ đợi.
BẢO MINH