Sổ tay

“Rát mặt” với kiện

Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, hiện có tới 42 vụ kiện bảo đảm công bằng trong thương mại quốc tế (Trade Remedies) đã được thực hiện đối với nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng năm 2009 - năm kỷ lục về số lượng hàng hóa VN bị điều tra phòng vệ thương mại với 7 vụ tại 6 thị trường (gồm các mặt hàng giày, giày và đế giày cao su, túi nhựa PE, đĩa ghi DVD, máy điều hòa, thép cuộn). Trong đó, lần đầu tiên một sản phẩm của VN là túi nhựa PE bị vướng phải một vụ kiện “đúp”– bị kiện chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp cùng lúc tại thị trường Mỹ.

Đáng lưu ý, hầu hết các sản phẩm bị điều tra phòng vệ thương mại trong năm 2009 của VN đều là các vụ kiện lần đầu các DN vướng phải, vì vậy đã có không ít lúng túng, bất cập trong quá trình kháng kiện.

Hậu quả để lại từ một số vụ kiện rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và khả năng cạnh tranh của từng ngành có sản phẩm bị kiện. Đối với các DN liên quan, phải mất một thời gian khá dài mới có thể hồi phục được. Từ các vụ kiện trên cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đã bắt đầu “lọt vào tầm ngắm” của các đối thủ cạnh tranh, cùng sản xuất các ngành hàng tương tự tại một số thị trường xuất khẩu lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với hàng hóa xuất khẩu của VN đã bắt đầu có uy tín trên thị trường và có khả năng cạnh tranh cao.

Thực tế cho thấy, gia nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ giúp các DN có thể tận dụng được nhiều cơ hội để phát triển, song nếu không cẩn thận sẽ bị “chìm” trong biển lớn. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn, xuất khẩu bị co lại, để bảo hộ sản xuất trong nước, các quốc gia đã dựng lên vô số những hàng rào kỹ thuật trong thương mại ngày càng tinh vi hơn.

Tại thị trường Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ đang triển khai Dự luật Nông nghiệp 2008 (Farmbill), Đạo luật Lacey của Mỹ bắt đầu có hiệu lực sẽ thắt chặt hơn việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm gỗ. Tại EU đã ban hành Hiệp định tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ… sẽ gây nhiều cản ngại cho DN nước ta.

Thế nhưng trên thực tế nhiều DN và hiệp hội chưa có sự chuẩn bị nào về các nguồn lực cho việc theo kiện (bao gồm cả nhân lực và vật lực), do vậy các hoạt động kháng kiện đôi khi không đạt được hiệu quả mong muốn. Cụ thể, trong vụ kiện túi nhựa PE, các DN đã mất quá nhiều thời gian để huy động nguồn lực và quyết định thuê luật sư tư vấn quá muộn nên bỏ lỡ một số thủ tục quan trọng, còn luật sư cũng không có đủ thời gian để có chiến lược kháng kiện kịp thời.

Mặt khác, điểm yếu lớn nhất của các DN có hàng hóa xuất khẩu hiện nay thường có thói quen “bỏ trứng vào một giỏ”. Tức thị trường nào, nước nào “hút” hàng là chỉ tập trung xuất ngay vào thị trường ấy, chưa chú trọng đến việc “chia trứng ra nhiều giỏ” khác nhau, đề phòng khi bất trắc. Vấn đề này cần phải được khắc phục càng sớm, càng tốt!

Theo TS Peter Koenig, thành viên Tổ tư vấn của Quốc hội Mỹ, về lâu dài, các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh ngưng đọng hàng hóa một khi có vụ kiện bán phá giá xảy ra. Để làm được việc này, các DN cần có chiến lược đầu tư vào từng thị trường một cách bài bản. Công tác kế toán, kiểm toán phải áp dụng một cách khoa học theo chuẩn quốc tế nhằm minh bạch hóa hoạt động của DN là hết sức cần thiết trong tiến trình toàn cầu hóa nền kinh tế hiện nay.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục