Rèn chữ viết cho người lớn

Rèn chữ viết cho người lớn

Một người bạn mách nước “giữa lòng thành phố Đà Nẵng, có một cô giáo dạy viết chữ đẹp hay lắm!” và rủ tôi đi... luyện chữ đẹp. Trong tưởng tượng, cô giáo dạy chữ đẹp phải là một người lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm. Nhưng thật bất ngờ, cô lại còn quá trẻ. Cô là Hà Thị Như Ý, 24 tuổi, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ chữ đẹp miền Trung...

  • Như một sự tình cờ...
Rèn chữ viết cho người lớn ảnh 1
Cô giáo Như Ý đang viết mẫu cho học viên của mình

Cô giáo Như Ý đến với nghề dạy chữ đẹp thật tình cờ. Năm 2004, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Tiểu học tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Ra trường, không tìm được việc làm, cô sinh viên xứ Quảng bèn lên đường ra Hà Nội “tầm sư học đạo” để “đổi gió” cuộc đời. Qua báo chí, Như Ý đến “lò” luyện chữ đẹp do thầy Phạm Thế Vinh giảng dạy để “luyện công”. Có chút năng khiếu viết chữ đẹp từ nhỏ cộng với sự truyền đạt phương pháp viết khoa học của thầy, chỉ một thời gian ngắn, Như Ý được thầy khuyến khích về quê mở “lò” luyện chữ. “Khi còn học Sư phạm, trong chương trình mình cũng được luyện chữ. Đến khi ra Hà Nội học, mình lên tay nhanh chóng. Trong lúc thất nghiệp, mình nghĩ tại sao không mở lò luyện chữ để kiếm sống. Thế là mình về lại Đà Nẵng” – Như Ý tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, Như Ý bảo: “Em có được ngày hôm nay là nhờ công lớn ở ông nội”. Ông nội của Ý năm nay gần 80 tuổi, ngày xưa ông học Pháp văn, viết theo mẫu chữ nghiêng, nét dài - mà bây giờ đang được áp dụng cho các lớp học sinh từ khóa 2000. Khi Ý còn là đứa bé, ông đã rèn cho cô viết theo kiểu chữ của ông nên đến khi đi học, Ý có chữ viết đẹp hơn bạn bè cùng trang lứa. Ngoài ra, ông còn dạy cách viết chữ hoa “cách điệu”. Đến nay, khi đã trở thành giám đốc trung tâm luyện chữ đẹp, Ý vẫn còn giữ rất nhiều “chữ kiểu” theo lối viết của ông nội.

  • Có việc làm nhờ viết chữ đẹp

Trung tâm ban đầu chỉ là một căn phòng nhỏ, chỉ có chiếc bảng đen và vài cái bàn, nằm khuất trên đường Yên Bái, TP Đà Nẵng. Như Ý chỉ nhận dạy những em học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở, nhưng sau một thời gian, thấy con em mình tiến bộ nhanh nên một số phụ huynh cũng... đăng ký học luôn. Một lần, Như Ý thấy một cụ già ngoài 60 tuổi đến gặp, trong đầu cứ nghĩ là cụ đăng ký cho cháu. Ai ngờ cụ... đăng ký cho mình. “Lúc đó thấy ngại lắm vì mình thì nhỏ làm sao dám dạy cho các cụ được, song sau này vì nhiều người đến và có quyết tâm học như thế nên tôi dần thấy bình thường” - Như Ý kể.

Một thời gian sau, trung tâm trên đường Yên Bái trở nên “quá tải” vì lượng học viên đăng ký học quá đông, Như Ý dời về số 32 Trần Kế Xương, Đà Nẵng để hoạt động. “Tiếng lành đồn xa”, Như Ý được một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn mời về bồi dưỡng chữ đẹp cho đội ngũ giáo viên. Trong số đó, Như Ý được cô Vương Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, một người cũng có tài viết chữ đẹp - “mến” tài viết chữ đẹp nên nhận Ý về hợp đồng giảng dạy, tham gia bồi dưỡng học sinh viết vở sạch chữ đẹp tại trường.

 “Trong lúc người ta ra trường chạy ngược xuôi tìm việc thì tự nhiên mình lại được nhận vào dạy nên mừng lắm” - Như Ý tâm sự.

Đến nay, trung tâm của Ý nhận dạy học viên từ 6 tuổi đến... ngoài 60 tuổi với đủ ngành nghề. Đặc biệt, học viên chỉ đóng học phí 1 lần cho đến khi nào viết được chữ đẹp mới... hết học phí. Có lần, Như Ý nhận “luyện chữ” cho cả 3 mẹ con một lúc. Không những vậy, Như Ý còn được một số công ty ở Đà Nẵng mời dạy luyện chữ đẹp cho nhân viên ở các vị trí kế toán, văn phòng...

Đầu năm 2007, các thầy cô ở Sở Giáo dục - Đào tạo TP Đà Nẵng chỉ bảo và động viên, Như Ý quyết định thành lập “Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ chữ đẹp miền Trung” trực thuộc Sở GD-ĐT, do cô làm giám đốc. Với số lượng học viên ngày càng nhiều, một mình không kham nổi công việc, Ý tìm những bạn bè thời cùng học Sư phạm vốn có tài viết chữ đẹp nhưng chưa có việc làm về mở lớp “bồi dưỡng” ngắn hạn về nghiệp vụ chữ đẹp, sau đó cùng Ý điều hành trung tâm và giảng dạy. Đến nay, trung tâm của Ý có 4 giáo viên đều là bạn cùng lớp Sư phạm và một cô sinh viên Trường Cao đẳng Đông Du có tài viết chữ đẹp cũng được Như Ý trưng dụng.

Như Ý “bật mí”, khi thành lập trung tâm này, các thầy trên Sở GD-ĐT có ý định sẽ giao trung tâm bồi dưỡng chữ đẹp cho các giáo viên bậc tiểu học và THCS trên toàn thành phố trong thời gian đến.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục