Rõ người, rõ việc “lọc trong” không khí

Ô nhiễm không khí, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM trong những năm gần đây, không còn là chuyện lạ. Điều đáng nói là gần đây, tình trạng ô nhiễm đã chạm mức nhất nhì thế giới và biến thiên không theo quy luật, tăng mạnh vào ban đêm. 

Chẳng hạn, lúc 23 giờ 30 ngày 7-6, Hà Nội có chỉ số ô nhiễm không khí AQI là 193, cao nhất thế giới, trong khi xếp sau Hà Nội là Jakarta (Indonesia) có chỉ số AQI 158.

Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 này về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, thực sự là một cơ hội tốt để hoàn thiện các quy định pháp luật, góp phần cải thiện chất lượng không khí (CLKK) một cách bền vững.

Được thông qua lần đầu vào năm 1993 và được sửa đổi 2 lần vào các năm 2005, 2014, Luật BVMT 2014 (hiện hành) đã thể chế hóa tương đối đầy đủ các quy định BVMT về nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… Nhưng, quy định về quản lý CLKK lại hầu như chưa có, nhất là trách nhiệm quản lý CLKK giữa Trung ương và địa phương, giữa các ngành chưa được phân định rõ ràng. 

Theo PGS-TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ TN-MT được Chính phủ giao thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có môi trường không khí, nhưng trong các quyết định liên quan của Thủ tướng, nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện CLKK đô thị lại được giao cho Bộ GTVT. Những năm gần đây, nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã xuất hiện, song việc kiểm kê các nguồn phát thải để xác định những giải pháp ưu tiên vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân quan trọng là “chẳng rõ việc của ai”, không làm cũng không có chế tài xử lý!

Theo dự thảo Luật BVMT sửa đổi vừa được trình Quốc hội, Bộ TN-MT là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý CLKK. UBND cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý CLKK của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện. Khi xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh phải có biện pháp ban bố tình trạng khẩn cấp. Thủ tướng có trách nhiệm ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý CLKK và chỉ đạo Bộ TN-MT chủ trì tổ chức thực hiện. Do đặc thù của ô nhiễm không khí là mang tính liên tỉnh, thậm chí liên vùng, Thủ tướng có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp CLKK bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng. 

Mặc dù ghi nhận đây là những quy định mới, hứa hẹn sẽ đem lại chuyển biến tích cực, song các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rằng, trong trường hợp xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng, dự thảo luật mới chỉ quy định địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp, mà chưa nêu rõ các giải pháp mang tính khẩn cấp cần phải triển khai. Thể hiện nội dung này trong dự thảo luật hay giao cho Chính phủ nghiên cứu, thiết kế trong nghị định hướng dẫn thi hành, là vấn đề cần được tiếp tục cân nhắc.

Bên cạnh đó, liên quan đến trách nhiệm kiểm kê nguồn thải, quy định tiêu chuẩn chất lượng khí thải của phương tiện giao thông - vốn “đóng góp” rất lớn vào hàm lượng các chất gây ô nhiễm không khí, thì việc xác định trách nhiệm chính, hay phối hợp giữa Bộ TN-MT và các bộ cần sớm được hoàn thiện, bổ sung vào luật. Cũng phải nói thêm, việc bổ sung, chỉnh lý khung khổ pháp lý mới chỉ là giải pháp cần, mà chưa đủ. Tại Hà Nội, những ngày qua, tiếp tục tái diễn tình trạng người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, góp phần vào nguồn gây ô nhiễm không khí. Đây là bất cập đã được biết đến từ lâu, song vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Nếu không có giải pháp hợp lý, rất khó để động viên họ chấm dứt việc đốt rơm rạ chỉ bằng những động viên, khuyến cáo, hay thậm chí xử phạt. 

Cuối cùng, ô nhiễm không khí là vấn đề mang tính tích hợp, cộng hưởng giữa nhiều nguồn. Và, muốn triệt để “lọc trong” không khí thì khi xây dựng tiêu chuẩn CLKK cần dựa trên yếu tố sức khỏe người dân và tiêu chuẩn thải phải dựa trên công nghệ tốt nhất hiện có, cùng với đó là trách nhiệm của chủ thải với cộng đồng và môi trường nếu để xảy ra ô nhiễm.

Tin cùng chuyên mục