Chiều 28-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và chương trình xây dựng pháp luật của QH năm 2013.
ĐBQH chuyên trách: Tăng chất trước khi tăng lượng
Đó là ý kiến của nhiều ĐBQH TPHCM tại phiên họp chiều qua. ĐB Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn cho rằng, hoạt động của ĐBQH chuyên trách hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Có những sự kiện lớn xảy ra chẳng thấy tiếng nói của ĐBQH chuyên trách đâu. Đơn cử như vụ Tiên Lãng, Hải Phòng. Các ĐBQH chuyên trách cũng là công chức, hết nhiệm kỳ ĐB quay về công việc cũ thì cũng khó nói mạnh tại nghị trường! ĐB Trần Du Lịch tán thành quan điểm này: “ĐBQH chuyên trách là công chức cao cấp; lương cao nhưng trách nhiệm không rõ. Nếu “bới” việc ra thì rất nhiều việc, không thì thôi”.
ĐB Võ Thị Dung đánh giá cao nhiều cải tiến trong hoạt động của QH và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) gần đây, rõ nhất là việc UBTVQH tổ chức chất vấn Bộ trưởng, tổ chức hội nghị trực tuyến… Hình thức trực tuyến tiết kiệm được nhiều chi phí nhưng vừa qua cũng bộc lộ một số nhược điểm, chẳng hạn như các ĐBQH không thể phát biểu nhiều, phát biểu hết ý. Cần nghĩ cách để khắc phục. Hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các UB của QH cần được tăng cường.
Tại tổ ĐBQH Hà Nội, ĐB Nguyễn Đức Chung cũng có cùng quan điểm phải tăng thêm thời lượng chất vấn, ở cả kỳ họp QH và các phiên họp của UBTVQH, đẩy mạnh hoạt động giải trình ở các ủy ban. “Các vấn đề nóng trong đời sống cần được chất vấn ngay, chứ không phải đợi đến khi tổ chức kỳ họp QH mới thực hiện”. Mỗi quý nên tổ chức một lần chất vấn tại UBTVQH cùng với 2 kỳ chất vấn tại kỳ họp QH.
Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu, phê chuẩn cũng là nội dung được các ĐBQH quan tâm cho ý kiến. Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhận định, không cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm 2 lần không đạt mới bị miễn nhiệm mà chỉ cần 1 lần. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đồng tình: “Nếu tỷ lệ tín nhiệm quá thấp, ví dụ chỉ 10% thì nên cho thôi nhiệm vụ ngay”. Ủy viên Thường trực UB Pháp luật ĐB Ngô Văn Minh thận trọng: “Bỏ phiếu tín nhiệm theo tôi phải tiếp tục nghiên cứu, chưa đưa ra tại kỳ họp tới. Phải xem Hiến pháp, Luật Tổ chức QH đã quy định nhưng tại sao bao nhiêu năm không làm được”.
Làm luật không thể thiếu tranh luận!
Từng là ĐBQH khóa IX, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhớ lại, khi thảo luận về một dự án luật, cơ quan soạn thảo phải đối thoại với ĐBQH. Nếu có 2 phương án khác nhau, QH biểu quyết luôn chọn phương án nào để ban soạn thảo tiếp thu. Còn bây giờ ông soạn thảo “khỏe re”, có khi dự thảo lần thứ 15 cũng chẳng khác lần 1. Cho nên muốn luật có chất lượng thì phải làm như vậy và làm mạnh mẽ hơn nữa.
Ở đa số nước, luật cũng là do chính phủ trình nhưng QH phải quyết đề bài chứ không thụ động chờ đợi. ĐB Trần Du Lịch bức xúc: “Tôi đề nghị 2 luật, đã làm hết khả năng có thể nhưng nay vẫn chưa được đưa vào chương trình chính thức. Một là Luật Quản lý vốn nhà nước. Bao nhiêu vụ tiêu cực Vinashin, Vinalines bày ra đó mà chưa có luật để điều chỉnh. Rồi Luật Đô thị cũng tương tự… Ta đang làm luật trên cơ sở những gì được trình chứ không phải những gì mà đất nước đang cần”.
Băn khoăn của ĐB Trần Du Lịch được nhiều ĐB khác chia sẻ. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đề nghị: “Chương trình xây dựng pháp luật phải ưu tiên cho những luật quan trọng, giải quyết nhu cầu bức xúc của cử tri. Như Luật Đất đai, càng trì hoãn càng làm cho xã hội bất ổn”. ĐB Trương Thị Ánh lại quan tâm đến việc luật ban hành không đi được vào cuộc sống ngay do chậm có các hướng dẫn cần thiết. Tính đến tháng 3-2012 có 16 luật, pháp lệnh vẫn bị nợ văn bản hướng dẫn.
Anh Thư
Lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết
Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (QH) đề cập đến việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn được QH thảo luận tại tổ chiều qua. Trao đổi với PV Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết, nhưng triển khai như thế nào phải tính.
- Phóng viên: Bộ trưởng thuộc diện phải lấy tín nhiệm. Bộ trưởng có ủng hộ các quy định về vấn đề này?
Bộ trưởng PHẠM BÌNH MINH: Quy định lấy phiếu tín nhiệm từng được quy định trong Luật Giám sát 2003. Nhưng từ trước tới nay chưa thực hiện được. Việc thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm là đúng để thực hiện đúng luật, cũng như để các thành viên thuộc diện QH bầu cử, phê chuẩn thấy được tín nhiệm của mình đến đâu, mình phải cố gắng lên để làm, để hoàn thành trách nhiệm.
- Quy định đưa ra đã rõ ràng chưa thưa ông?
Để chuyển từ tín nhiệm sang bất tín nhiệm là khác nhau, cần có quy định rõ ràng. Ở các nước họ không bỏ phiếu tín nhiệm mà là bất tín nhiệm, thường thì 2/3 bỏ phiếu anh sẽ bị bất tín nhiệm. Lấy phiếu bất tín nhiệm là để phế truất, mà chúng ta thường nói là cách chức.
Còn chúng ta quy định tỷ lệ phiếu tín nhiệm là 50/50, tức là anh đạt tỷ lệ trên 50% là được tín nhiệm. Điều này rất khác với các nước (khi đã đưa ra QH để lấy phiếu bất tín nhiệm, bao giờ quy định tỷ lệ cũng là 2/3). Với những trường hợp dưới 50%, theo tôi để bất tín nhiệm họ cần phải có lần bỏ phiếu thứ 2 với quy định tỷ lệ là 2/3. Vì vậy tôi cho rằng, lấy tín nhiệm rồi, nhưng để bất tín nhiệm phải thêm một lần bỏ phiếu, phải quy định tỷ lệ 2/3 số phiếu bất tín nhiệm mới bị bất tín nhiệm. Rõ ràng phải có quy định về bỏ phiếu bất tín nhiệm, vì tín nhiệm và bất tín nhiệm là khác nhau, thể hiện rõ uy tín của cán bộ.
- Có nên lấy tín nhiệm với tất cả các chức danh do QH bầu và phê chuẩn?
Điều này còn phải bàn. Hiện còn nhiều quan điểm khác nhau. Trong quy định của chúng ta, các chức danh do QH bầu đều thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm. Từ trước đến nay, việc bỏ phiếu tín nhiệm đều được các cơ quan Nhà nước làm hàng năm để đánh giá cán bộ. Nếu anh bị tín nhiệm dưới 50% sẽ bị xem xét, đánh giá đủ khả năng làm việc hay không, đồng thời cơ quan cũng sẽ có cơ chế để sử dụng cán bộ.
- Tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm cũng chưa rõ ràng?
Cũng cần bàn thêm. Còn nếu chỉ để bỏ phiếu, bỏ điểm cũng là một hình thức từ trước đến nay đã làm. Đây là đề án, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Cần xác định lấy phiếu tín nhiệm là đúng, là làm theo quy định.
Lâm Nguyên
Có thể đề nghị Bộ GTVT giải trình
Nhận định “ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines đã được bổ nhiệm đúng quy trình”, trở thành chủ đề được bàn thảo khá sôi nổi bên lề kỳ họp QH đang diễn ra hôm qua. ĐBQH Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của QH, cho biết: Nói rằng trong lúc chuẩn bị có kết luận thanh tra, nên chưa biết, vẫn bổ nhiệm là không hợp tình hợp lý. Dự thảo kết luận thanh tra luôn được đưa cho người đứng đầu cơ quan xem trước, mọi việc rõ ràng, lúc đó hãy bổ nhiệm! Đúng là chúng ta chưa có quy định rằng trong quá trình thanh tra thì không được bổ nhiệm, nhưng việc bổ nhiệm cán bộ phải xem xét một cách toàn diện tất cả các khía cạnh của vấn đề, quan hệ ngang quan hệ dọc thế nào… Nếu có một dư luận nào đó, ta phải thẩm tra, xác minh để khẳng định xem chuyện đó có hay không có.
Từ năm 2008 đến 2010 Vinalines liên tục lỗ cũng là vấn đề phải xem xét rõ ràng khi cất nhắc cán bộ. Tôi cho rằng sẽ có ĐBQH đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ giải trình về việc này. Còn một việc nữa cũng rất đáng quan tâm là sự việc đang diễn ra như thế thì ông Dương Chí Dũng lại bỏ trốn. Chuyện này không đơn giản thế được, cán bộ này đang có vấn đề, quản lý thế nào để vị ấy bỏ chạy mất…
Xung quanh vụ “nhà vườn trăm tỷ”:
Cơ quan chức năng sớm vào cuộc
Chiều 28-5, ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, Ủy viên Thường trực UB Tư pháp của QH, đã có cuộc trao đổi bên lề kỳ họp QH với phóng viên Báo SGGP về vụ “nhà vườn trăm tỷ”.
- Phóng viên: Những ngày gần đây, ông có theo dõi những thông tin về “nhà vườn trăm tỷ” của con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương? Ông có cho rằng việc thực hiện kê khai tài sản của các đối tượng cán bộ theo quy định là quá chậm?
Ông ĐỖ VĂN ĐƯƠNG: Việc này tôi cũng được biết qua công luận và trên báo chí thôi, chưa biết chính xác giá trị đến đâu. Nhưng nếu nhìn ảnh chụp thì dinh thự đó thực sự quá hoành tráng! Không rõ sau lũy tre làng ở đó những người dân đã từng hy sinh cho hai cuộc chiến tranh và hiện nay đời sống vẫn còn rất vất vả nghĩ gì! Vì sao con dân thì nghèo thế mà con cán bộ làm gì ra mà giàu như vậy? Còn về việc kê khai tài sản, chậm thì không chậm, đã thực hiện mấy năm rồi. Vấn đề là chưa thực chất. Cũng có cái khó là tài sản thường bị lẩn đi, không do những quan chức đó đứng tên, mà do vợ con, thậm chí bạn bè thân thiết... Đó cũng chính là một hình thức rửa tiền.
- Hiện tượng này, theo ông có phổ biến không?
Chắc chắn là không ít!
- Vậy trường hợp cụ thể này nên thế nào?
Hiện tại chưa đủ cơ sở để kết luận. Nhưng dưới góc độ nhận thức của một ĐBQH, một người dân, tôi cho rằng cơ quan chức năng phải kiểm tra. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, dân đã có ý kiến như vậy, công luận đã lên tiếng như vậy thì phải kiểm tra, rồi sự việc đến đâu mới có cơ sở xử lý. Như thế cũng không để tiếng oan cho cán bộ.
- Việc liên quan đến ĐBQH, cơ quan nào có trách nhiệm xác minh?
Theo Luật Tổ chức QH, việc liên quan đến ĐBQH phải do Ban Công tác đại biểu, đoàn ĐBQH có trách nhiệm. Và vượt quá khuôn khổ ĐBQH thì Chính phủ và các cơ quan Đảng, như Ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc.
- Với nhiều cách né tránh, rửa tiền như ông nói thì việc công khai tài sản một cách thực chất xem ra quá khó?
Tôi cho là đơn giản. Hãy xem các vị Khâm sai đại thần của triều đình thời xưa, họ không liên quan gì đến chính quyền địa phương và điều tra rất độc lập, thế thì sẽ rõ. Khối tài sản lớn chứ có phải cây kim, sợi chỉ đâu. Và chúng ta có tai mắt của nhân dân.
- Cũng liên quan đến vấn đề này, báo cáo mới đây của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng đã được gửi đến các ĐBQH. Ông có nhận xét gì?
Báo cáo cần phải cụ thể hóa hơn nữa, chỉ rõ trong từng lĩnh vực như đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước; tài nguyên quốc gia; rồi quản lý đất đai tình trạng ra sao. Phải có danh sách và con số cụ thể. Nếu chỉ nêu chung chung, chỉ đề cập đến những vụ được đưa ra truy tố xét xử thôi thì rất ít, chưa thấm vào đâu so với thực tế. Chính vì nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới ban hành Nghị quyết Trung ương 4.
Theo nhận thức của tôi thì tình hình là nghiêm trọng. Tại sao doanh nghiệp nhà nước được đầu tư rất lớn, bao cấp nhiều mà thua lỗ lớn như vậy? Chủ yếu là do con người. Có phần do năng lực quản lý yếu kém, nhưng chủ yếu là tiêu cực. Vậy thì nên mạnh dạn cắt bỏ bộ phận lãnh đạo hại dân ấy - dù chỉ là số ít - hay chữa bằng đông y chầm chậm kéo dài? Chữa kiểu đông y thì loại ung thư này không thể khỏi được, không thể gỡ đúng chỗ rối, nối đúng chỗ đứt để yên dân được.
| |
Anh Thư thực hiện