Robot “thông cống” giá rẻ

Các đường ống nước thải ở các đô thị lớn ở Việt Nam có khá nhiều loại rác, vật thải. Trong khi đó, việc nạo vét cống ngầm, thoát nước ở ta vẫn chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Xuất phát từ thực trạng này, một nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã thiết kế và chế tạo thành công robot giám sát, vệ sinh đường ống nước thải, giúp thay thế được sức người và tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Các đường ống nước thải ở các đô thị lớn ở Việt Nam có khá nhiều loại rác, vật thải. Trong khi đó, việc nạo vét cống ngầm, thoát nước ở ta vẫn chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Xuất phát từ thực trạng này, một nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã thiết kế và chế tạo thành công robot giám sát, vệ sinh đường ống nước thải, giúp thay thế được sức người và tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Trần Phương Nam cùng nhóm bạn nhận thấy lượng rác thải không chỉ là rác hữu cơ mà còn có nhiều loại như xà bần, cát đất, vỏ hộp thức ăn cũng như các vật thải khó di chuyển. Đây là yếu tố gây cản trở việc ứng dụng các robot của nước ngoài vào Việt Nam.

Từ đó, dưới sự giúp sức của TS. Nguyễn Trường Thịnh, Giám đốc Trung tâm chế tạo thử, khoa cơ khí - chế tạo máy của trường, Nam cùng nhóm bạn của mình bắt tay xây dựng bản vẽ, thiết kế robot cho phù hợp với hệ thống cống ngầm ở nước ta. Robot nặng hơn 30kg, được thiết kế các vật liệu như thép, inox và kim loại cứng, được trang bị hệ thống camera với đèn LED phát sáng và đèn hồng ngoại hỗ trợ.

Ngoài ra, do phải hoạt động trong môi trường nước ngập hoàn toàn nên hệ thống điện cũng được nhóm tính toán kỹ lưỡng. Ngoài việc chống thấm, robot còn được nối với bên ngoài bởi một dây cáp để cung cấp năng lượng, truyền các lệnh từ người điều khiển thiết bị, đồng thời truyền dữ liệu trở lại người điều khiển. Bên cạnh đó, ngoài dây cáp còn có dây an toàn dùng để kéo robot trong trường hợp robot bị mắc kẹt trong đường ống.

Bắt đầu thực hiện từ tháng 6-2011, dựa trên đơn đặt hàng của Công ty Xây dựng DVD, song phần lớn các trang thiết bị và kinh phí chế tạo cả nhóm phải tự bỏ tiền túi. Do vậy, nhiều bộ phận của robot được làm từ những chất liệu không như ý muốn, gây khó khăn trong quá trình thử nghiệm. Hiện tại, mô hình robot đầu tiên đã gần như hoàn chỉnh và bước đầu được đưa xuống lòng cống để đánh giá hiệu suất làm việc.

“Một khó khăn nho nhỏ mà nhóm đang vấp phải chính là việc chưa đánh giá được động cơ truyền động cho lưỡi dao cắt có phù hợp hay chưa. Dù được trang bị bộ biến tần, có thể tăng hoặc giảm tốc cho động cơ, tuy nhiên, gặp phải những ống cống có nhiều vật khó di chuyển, cần động cơ có công suất lớn hơn nhưng phải đảm bảo được kích thước. Khi đó, phải đặt mua ở nước nước ngoài”, Phương Nam chia sẻ.

TS. Nguyễn Trường Thịnh cho biết: “Nhận thấy nhu cầu của các công ty xây dựng và nạo vét cống thoát nước, chúng tôi chủ động đề xuất ý tưởng và nhanh chóng được nhiều đơn vị đón nhận. Ở nước ta, hiện đã có 5 đơn vị cho nhập loại robot từ nước ngoài, tuy nhiên, độ thích nghi với điều kiện ống cống ở nước ta là rất thấp, khi hư hỏng phải vận chuyển sang nước bạn để sửa chữa. Hơn nữa, mỗi con robot như vậy có giá không hề rẻ, lên đến 4-4,5 tỷ đồng. Còn robot chúng tôi chế tạo chỉ dao động trên dưới 100 triệu đồng nhưng chất lượng tương đương”. Dự kiến, sau khi hoàn thành, robot sẽ được chuyển giao cho các đơn vị xây dựng hoặc các công ty vệ sinh môi trường có nhu cầu.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục