Kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT-DL về bản quyền truyền hình do VFF ký với AVG, như dự đoán, cũng sẽ là một cái “cớ” để bên khiếu nại sẽ tiếp tục khiếu nại. Cho đến thời điểm này, về mặt pháp lý, chưa phát hiện VFF có bước đi nào sai trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình các giải bóng đá do mình quản lý. Còn VPF thì vẫn cho rằng mình… đúng nên sẽ khiếu nại tiếp. Có điều, thông tin mà các ông bầu nằm trong VPF đưa ra mới nhất cho thấy phạm vi vấn đề đem đi khiếu nại đã được thu gọn hơn trước, chỉ tập trung vào việc vì sao thời gian nhượng quyền đến 20 năm. Kết luận sau cùng sẽ do cơ quan có trách nhiệm đưa ra, nhưng trong thời gian chờ đợi, dư luận và người hâm mộ chắc chắn sẽ tiếp tục phải nghe, phải thấy những câu nói, những hành vi chói tai, nhức mắt như đã diễn ra của bên khiếu nại, thậm chí của cả bên bị khiếu nại.
Nhiều người không bị diễn biến vụ việc cuốn theo một cách bị động thì nhận ra rằng đây không đơn thuần chỉ là “cuộc chiến” bản quyền truyền hình. Một quan chức vốn kín tiếng của VFF nói với nhà báo rằng ông không nghĩ đây là “cuộc chiến” bởi từ đầu đến cuối chỉ có… một bên tham gia. Trong cuộc họp công bố kết luận thanh tra, người ta lại nghe các vị tham gia cuộc tranh cãi này phát ngôn những lời khá đẹp đẽ kèm theo “dọa dẫm”, rồi sau đó là điệp khúc “không chịu thua”, “tiếp tục làm cho ra lẽ”… Đến nước này, dù có thừa nhận hay không thì một số người cũng đã nâng vụ việc lên thành “cuộc chiến” thực sự. Có thể sự tự ái, tâm lý cạnh tranh không khoan nhượng… trong lĩnh vực kinh doanh đã được người ta vận dụng vào lĩnh vực thể thao mà kết quả mang lại càng làm rối rắm thêm đến sự phát triển nền bóng đá nước nhà. Nhiều người cũng không ngần ngại nhận định, vụ việc cứ bị cố tình dây dưa nâng lên đẩy xuống để dư luận quên đi một thực tế bóng đá nước nhà hiện nay bí bét.
Ở cấp độ cao trong quản lý và đội tuyển quốc gia, hai tháng qua VFF khuyết ghế tổng thư ký, còn đội tuyển thì không có huấn luyện viên trưởng. Đây là hai vấn đề quan trọng nhất mà có lẽ ít nền bóng đá nào dám để cho khiếm khuyết trong thời gian dài như vậy. Có lẽ, VFF đã “quên” luôn mọi kế hoạch đã vạch ra, mục tiêu của đội tuyển trong năm nay và các năm kế tiếp để tập trung vào vấn đề bản quyền, có liên quan đến tiền. Ở cấp độ câu lạc bộ, qua 5 vòng đấu mà cái tên giải vẫn… chưa ai chịu ai, rốt cuộc ai gọi tên gì thì gọi! Bạo lực trên sân không chấm dứt, vi phạm quy chế ngày càng nhiều từ cầu thủ đến các ông bầu… Và trong bối cảnh đó, những người có trách nhiệm của VPF cũng dường như quên luôn công tác quản lý giải đấu mà chỉ để tập trung vào khâu… đấu.
Dưới góc độ người hâm mộ, xem trực tiếp một trận bóng đá trước đây dễ dàng hơn là khi có cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình diễn ra. Người ta không phải chứng kiến nhà đài này vô sân bằng văn bản của ông này, nhà đài kia chen vô sân bằng văn bản của ông nọ. Vì vậy, không ai dám chắc tương lai sẽ ra sao, nhưng với diễn biến này thì chắc một điều là người hâm mộ tiếp tục bị các bên đem ra làm mục tiêu để mà công kích nhau. Ai cũng tuyên bố vì người hâm mộ, vì chất lượng giải đấu, vậy mà có trận khán giả truyền hình chỉ xem được khúc đầu, trận thì chờ mãi mới xem được đoạn cuối!
Hãy để bóng đá là bóng đá, cũng như đừng làm cho thể thao mất đi vẻ đẹp của nó. Dư luận có thể có lúc ngã theo bên này hay ủng hộ bên kia nhưng cũng đều xuất phát từ mong muốn đưa nền bóng đá Việt Nam phát triển. Vì vậy, dư luận cũng đòi hỏi trách nhiệm của những ai khiến cho bóng đá và những vấn đề liên quan đến bóng đá ngày càng tuột dốc, rối rắm.
QUANG DIỆU