
Bình thường thì cư dân khu ổ chuột Lakshmi Nagar ở Delhi (thuộc địa phận thủ đô New Dehli của Ấn Độ) sẽ không quan tâm nhiều đến việc thành phố của họ sẽ tổ chức Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung 2010 (Commonwealth Games). Nhưng cũng vì sự kiện thể thao này, nhà của họ dọc sông Yamuna River đều thuộc diện giải tỏa.
- Hoang mang chuyện tái định cư

Bà Parvati 40 tuổi nói: “Chúng tôi được cho biết sẽ có nhiều tòa nhà mọc lên để tiếp khách nước ngoài, chúng tôi phải chuyển đi nơi khác. Chúng tôi chỉ được thông báo trước hai giờ. Đó là những gì chúng tôi biết về đại hội thể thao. Vì chúng tôi nghèo và không có tầm ảnh hưởng, họ chỉ cần thông báo với chúng tôi như thế”.
Ở khu đất tái định cư Savda Gevra ở một vùng ngoại vi Delhi, cư dân khu ổ chuột này đang tự tay xây dần nhà mới. Khu đất hoang này chưa được lắp đặt hệ thống điện nước, nên người dân còn phải kiếm tiền mua nước từ xe bồn. Khu vực hẻo lánh nên không có nhiều việc làm, cư dân phải mất khoảng 4 giờ đồng hồ/ngày để vào trung tâm Delhi kiếm việc ở các xí nghiệp nhỏ, quán trà, làm phục vụ tiếp tân hoặc bán hàng rong.
Tình trạng thất nghiệp xảy ra khi sống xa thành phố nên nhiều người khó có thể kiếm ăn qua ngày. Đàn ông thất nghiệp ngồi đánh bài suốt ngày để giải sầu. Bà Parvati nói: “Chúng tôi có thể sống trong rừng, nhưng chúng tôi cần việc làm. Ở gần đây chẳng có xí nghiệp nào, nên chúng tôi cũng chẳng thể nuôi con. Bây giờ mỗi khi nấu ăn tôi phải đổ thêm nhiều nước để tăng số lượng”. Delhi là tấm gương phản ánh sự thay đổi nhanh chóng tại Ấn, trong quá trình chuyển hóa và lãnh đạo, chính quyền thành phố tranh thủ đại hội thể thao để “bơm” sự khẩn trương trong việc tái quy hoạch đô thị. Mục tiêu là biến thủ đô thành một đô thị tầm cỡ thế giới. Với những con đường nhiều ổ gà, tình trạng thiếu nước sinh hoạt triền miên và thường bị cúp điện, thành phố đối diện những thử thách đáng kể.
- Thành phố Delhi sẽ mang đẳng cấp thế giới?
Hướng chủ đạo trong chương trình tái quy hoạch đô thị của chính quyền Dehli là giải tỏa các khu ổ chuột kịp thời hạn hoặc ngay sau khi đại hội thể thao kết thúc. Nữ thị trưởng Sheila Dikshit trả lời phỏng vấn: “Chúng tôi không muốn có một thành phố có khu ổ chuột. Chúng tôi phấn đấu tới mục tiêu ấy, một số việc đã đạt được trên yếu tố nhân văn và vì tính mỹ quan của thành phố. Cuộc sống của cư dân khu ổ chuột rất cơ cực, họ sống trong những điều kiện phi vệ sinh.
Việc này không thể có ngay như từ phép lạ. Phải mất nhiều thời gian, nhưng vì Commonwealth Games, chúng tôi phải làm việc khẩn trương”. Tính khẩn trương ấy làm cư dân Lakshmi Nagar buồn phiền. Shyammati (42 tuổi) nói: “Sau khi họ gõ cửa nhà chúng tôi, khoảng 500 người chúng tôi phải sống ngoài đường trong thời tiết nóng bức của mùa hè, rất tội nghiệp cho lũ trẻ con. Hầu hết tất cả chẳng muốn di dời”.
Bà thị trưởng Dikshit nhận định có khoảng 3 triệu cư dân sống tại các khu ổ chuột của thành phố. Chính quyền cho biết sẽ xây thêm 150.000 ngôi nhà mới trong 3 năm tới, để đền bù cho một số cư dân khu ổ chuột bị giải tỏa khi Dehli nâng cấp đường sá, mở rộng hệ thống xe điện ngầm và xây dựng những khách sạn mới. Nhưng các tổ chức ủng hộ người dân khu ổ chuột thì lại cho rằng số nhà mới xây sẽ chẳng đáp ứng được gì cả, nếu Delhi tiếp tục mục tiêu xóa bỏ toàn bộ những ngôi nhà xây dựng trái phép.
Tiến sĩ Kiran Martin, một nhà sư phạm và là người sáng lập Asha - một tổ chức giúp cư dân khu ổ chuột - nói: “Chính quyền nói chuyện này từ 20 năm qua, nhưng họ không thành công vì họ chỉ nói chứ không làm”. Bà đặt dấu hỏi về mục tiêu chuyển đổi Delhi thành một thành phố văn minh hiện đại kịp thời hạn tổ chức đại hội thể thao và cho rằng chính quyền “xây dựng thành phố chỉ để dành cho người giàu”.
Bà cũng bực vì Asha phải “vận động hành lang” với lãnh đạo đảng Quốc Đại thì chính quyền Delhi mới thực hiện chủ trương cung cấp nhà ở cho người bị giải tỏa. Bà nói chính quyền thành phố chọn sai mục tiêu hành động: “Nếu muốn đây sẽ là một thành phố đẳng cấp thế giới, bạn cần phải giải quyết được việc chăm sóc y tế yếu kém, hệ thống giáo dục yếu kém mà người nghèo đang trông nhờ vào. Nếu Delhi thật sự trở thành một thành phố đẳng cấp cao, bạn cần phải chấm dứt được tình trạng trẻ em tử vong vì tiêu chảy”.
Trần Trí (Theo New York Times)