Roi và phấn

Đến hôm nay, 24-5, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bước sang ngày thứ năm triển khai vào thực tế. Chỉ sau vài ngày áp dụng mức xử lý nghiêm khắc hơn, tình hình đã được cải thiện đáng kể, trật tự giao thông trong cả nước diễn biến khả quan hơn (đặc biệt là khu vực nội thành của TP Hà Nội và TPHCM - nơi những hành vi vi phạm bị phạt cao hơn 40% - 200% so với ở những khu vực khác).

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 20-5, Liên hiệp quốc cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là quy định bắt buộc trẻ em trên 6 tuổi phải đội nón bảo hiểm nhằm góp phần bảo vệ tính mạng trẻ em.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, tính tự giác của một bộ phận dân chúng vẫn chưa được nâng cao. Tại nhiều tuyến đường, khi có bóng dáng cảnh sát giao thông (CSGT), người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Nhưng CSGT vừa đi khỏi thì tình trạng lưu thông sai tuyến, vượt đèn đỏ, tranh thủ chạy lên lề, người đi bộ băng ngang dải phân cách lại… tái diễn. Nghĩa là, người dân chỉ sợ khoản tiền phạt cao, lo lắng nếu bị CSGT tạm giữ giấy phép lái xe chứ chưa thật sự ý thức rằng phải tự nguyện chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ.

Để tăng hiệu quả và tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc triển khai Nghị định 34/2010, duy trì tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội. Bởi lẽ, trật tự an toàn giao thông là biểu hiện của xã hội văn minh, không thể thực hiện bằng phong trào nhất thời theo kiểu đánh trống bỏ dùi. Thực tế xử phạt việc không đội nón bảo hiểm trước đây cho thấy, chỉ khi các cơ quan chức năng cương quyết thực hiện đến cùng thì ý thức của người dân mới thay đổi.

Song song với biện pháp xử phạt, công tác tuyên truyền Nghị định 34 đến người dân cũng cần được chú trọng, đặc biệt đối với những người dân ở vùng sâu, vùng xa và những người tuy sống tại thành phố lớn nhưng ít có điều kiện xem truyền hình, đọc báo, nghe đài. Đã có trường hợp khi bị xử phạt, người vi phạm mới biết lối đi đứng theo kiểu tùy hứng lâu nay của mình là phạm luật. Vì thế, cơ quan báo chí, cơ quan tư pháp và đoàn thể quần chúng cần nâng cao vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức hiệu quả hơn.

Tăng mức phạt, hình thức phạt của Nghị định 34 là cần, nhưng việc đưa nghị định đến người dân để họ tự giác chấp hành còn quan trọng hơn. Để làm điều đó, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện thật nghiêm túc đồng thời hai giải pháp: tuyên truyền, giáo dục ý thức và nghiêm khắc xử phạt các đối tượng vi phạm.

Để xây dựng văn hóa giao thông, người ta cần cả “cây roi” và “viên phấn”.

Ái Chân

Tin cùng chuyên mục