* 99,81% cử tri TPHCM đi bầu cử
Đúng 7 giờ sáng 22-5, 91.438 khu vực bỏ phiếu tại 63 tỉnh, TP trong cả nước đã long trọng tổ chức lễ chào cờ và các thủ tục cần thiết, mở đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Trong cuộc bầu cử này, cả nước có hơn 62 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu, bầu ra 500 ĐBQH và trên 300.000 đại biểu HĐND các cấp.
Tây Nguyên: Đồng bào các dân tộc náo nức đi bỏ phiếu
Sáng 22-5, cùng với cả nước, tất cả 1.653 tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đồng loạt tiếp đón khoảng 850.000 cử tri ở địa phương nô nức đi bầu cử ĐBQH khóa 13 và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016.
Cụ Lê Tiên năm nay 81 tuổi, là cử tri bỏ lá phiếu đầu tiên ở tổ bầu cử số 3, phường Yên Đổ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, nói: “Với trách nhiệm của một công dân, một cử tri, tôi nghiên cứu rất kỹ để chọn những người xứng đáng”. Hòa trong không khí hân hoan của ngày hội non sông, đồng bào các dân tộc ở Gia Lai như: Jarai, Bana trong trang phục thổ cẩm, nô nức đi bỏ phiếu, chọn lựa những đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Dọc tuyến biên giới tỉnh Gia Lai, dài hơn 90km, có 58 tổ bầu cử thuộc lực lượng Biên phòng. Cán bộ, chiến sĩ ở đây vừa vững chắc tay súng bảo vệ phên dậu Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ công dân. Ở một số tổ đã hoàn thành 100%, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục xuống tận các thôn, làng dọc tuyến biên giới, giúp nhân dân hoàn thành quyền lợi và nghĩa vụ bầu cử.
Cùng lúc, trên 277.000 cử tri tỉnh Kon Tum đã nô nức đi bầu, thực hiện quyền công dân tại 704 tổ bầu cử (ngày 21-5 đã có 17.406 cử tri tại 91 tổ bầu cử của 12 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh đã đi bầu cử sớm 1 ngày với kết quả đạt 100% số cử tri đi bầu). Mặc dù vào rạng sáng 22-5 trên địa bàn tỉnh Kon Tum bỗng dưng đổ mưa lớn, kèm sấm chớp liên hồi… Nhưng chỉ kéo dài từ 5 giờ 30 đến hơn 6 giờ thì tạnh hẳn, trời trong xanh và nắng chói chang phố núi Kon Tum! Già làng Đăk Kia (xã Đoàn Kết, TP Kon Tum), ông A Níu, cũng là Tổ trưởng Tổ bầu cử của làng, nói trong niềm phấn khởi: “Dân làng mình vui cái bụng lắm. Đảng và Nhà nước không phân biệt người bệnh tật, người nghèo. Ai cũng được quyền đi bầu cử cả!”.
Tại làng Plei Tơ Nghia, Tổ bầu cử số 8, phường Quang Trung, TP Kon Tum, người dân Ba Na tập trung đông đủ vào lúc 7 giờ để làm lễ chào cờ, sau đó lần lượt vào Nhà Rông để thực hiện quyền công dân của mình. Tổ bầu cử số 8, làng Plei Tơ Nghia có 1.182 cử tri đi bầu, trong đó trên 50% cử tri là đồng bào Ba Na. Đến trưa, khoảng 60%-70% số cử tri trong toàn tỉnh đã thực hiện xong quyền công dân của mình.
Ngày 22-5, trên 824.000 cử tri tỉnh Lâm Đồng (trong đó tỷ lệ cử tri dân tộc thiểu số chiếm 22%) đã nô nức đi bầu tại 1.117 điểm bỏ phiếu. Đáng chú ý, tại tổ bầu cử số 25 (phường 3, TP Đà Lạt), 267 cử tri là tăng ni Thiền viện Trúc Lâm được bầu cử ngay tại thiền viện.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Lâm Đồng, do đặc thù theo giới luật Phật giáo, trong mùa An Cư Kiết Hạ, tăng ni không ra khỏi thiền viện nên Ủy ban Bầu cử tỉnh đã đưa thùng phiếu phụ đến tận nơi để tăng ni tại Thiền viện Trúc Lâm thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Hòa cùng không khí hân hoan của ngày hội lớn toàn dân tộc, hơn 307.000 cử tri tỉnh Đắc Nông đã hăng hái đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân ở 697 tổ bầu cử. Đến 17 giờ chiều 22-5, 100% số cử tri Đắc Lắc đã hoàn thành việc bỏ phiếu ở 1.783 tổ bầu cử.
Miền Trung: Tổ chức tốt cho ngư dân đi bỏ phiếu
Sáng 22-5, vượt gần 100km, phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại một số xã miền núi thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để ghi nhận không khí bầu cử tại đây.
Khánh Bình, một trong những xã miền núi, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chỉ chưa đầy 6 giờ sáng nhưng hàng trăm người dân các dân tộc thiểu sống trên đại bàn xã đã hội tụ về các điểm bầu cử để bỏ phiếu.
Cử tri Cao Là Nháy, dân tộc Rắc Lây, thôn Ba Dùi, cho biết: “Mình dậy từ rất sớm. Tuy bận việc làm rẫy, nhưng mình gác lại để đi bầu cử vì đây là ngày rất trọng đại của cả nước và của mỗi công dân. Mình được chọn ra những người tin cậy nhất, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của người dân... Mấy năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống dân mình thay đổi từng ngày. Dân không còn đói nữa, mình mong nhiệm kỳ này, các ứng viên trúng cử sẽ làm được nhiều việc hơn nữa cho làng xã”.
Xuôi về miền biển, những ngày này, số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nằm bờ nhiều hơn. Có mặt tại cảng cá Hòn Rớ, (xã Phước Đồng, Nha Trang), ngư dân Đinh Văn Mạnh tâm sự: “Tôi vừa cho tàu cập cảng, đáng ra chuyến biển này kéo dài vài ngày nữa, nhưng vì hôm nay là ngày bầu cử, ngày trọng đại của đất nước nên tôi cùng một số bạn biển khác đã vượt sóng, kịp về đất liền trước ngày bầu cử để làm nghĩa vụ công dân”.
Cùng thời điểm sáng 22-5, 3 tổ bầu cử trên đất liền tại huyện đảo Trường Sa cũng đã tiến hành bầu cử; trước đó, huyện đảo Trường Sa đã tổ chức bầu cử sớm một tuần so với cả nước, các điểm bầu cử còn lại trên đất liền vẫn diễn ra bình thường.
Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), cho biết, tính đến chiều tối 22-5, công tác bỏ phiếu trên địa bàn huyện đảo đã hoàn thành 100%. Kỳ bầu cử lần này, toàn huyện có 20 tổ bầu cử, với hơn 17.000 cử tri tham gia bỏ phiếu. Phú Quý có hơn 90% dân số sinh sống bằng nghề biển, trong đó có nhiều tàu cá đánh bắt khơi xa tận vùng biển quần đảo Trường Sa và cũng là ngư trường thường xuyên có nhiều tàu cá ở nơi khác đến đánh bắt, do vậy, bảo đảm cho các cử tri là ngư dân thực hiện quyền bầu cử là vấn đề quan tâm của Phú Quý. Đến chiều ngày 22-5, toàn tỉnh Bình Thuận đã có gần 90% cử tri đi bỏ phiếu, trong đó có một số điểm bầu cử đã hoàn thành 100%.
Ngay từ 6 giờ sáng, trên khắp nẻo đường ở làng Sen, làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), các cử tri đã đến 9 điểm bầu cử trên địa bàn xã để thực hiện quyền công dân của mình.
Do thời tiết rất đẹp, trong lành, mát dịu, ngay từ sáng sớm hàng ngàn cử tri trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã nô nức có mặt tại 1.710 khu vực bầu cử. Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày, 80 cử tri đồng bào dân tộc của bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện miền núi Hương Khê) đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình.
Ở Thừa Thiên - Huế, cử tri TP Huế, các huyện vùng ven và thị xã Hương Thủy đã đến 998 điểm bỏ phiếu bầu những đại biểu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Riêng huyện miền núi A Lưới, nơi có 5 dân tộc thiểu số mang họ Hồ gồm Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Pa Hy và Cơ Tu sinh sống, đến 12 giờ trưa 22-5 đã có 27.807 cử tri tham gia bầu cử, đạt tỷ lệ 98,24%. Trong khi đó, tại phường Trường An, TP Huế, 247 cử tri là tu sĩ Phật giáo đến từ các chùa, tịnh xá, tịnh thất như Từ Đàm, Lam Sơn, Thiên Minh, Từ Vân, Diệu Đức... đều đã đi bầu cử ngay từ sáng sớm.
Tại Quảng Nam, từ tờ mờ sáng, ở các huyện miền núi Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My…, chưa tới 6 giờ sáng nhưng đồng bào dân tộc thiểu số đã kéo nhau về các điểm bầu cử để chờ bỏ phiếu. Hơn 2.300 cử tri là công nhân của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện Phước Sơn, trong đó hơn 1.300 cử tri là công nhân đang thi công trên công trình thủy điện Đắc My 4 (Phước Sơn) và 400 công nhân đang thi công công trình thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) đã hoàn thành công việc bỏ phiếu ngay trong buổi sáng.
Hơn 1.098.333 cử tri trên địa bàn tỉnh Bình Định tham gia bỏ phiếu tại 1.252 điểm bầu cử. Từ xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) cho đến các khu vực đồng bằng hay những bản làng xa xôi ở các huyện miền núi đồng bào người Kinh, người Ba Na, Chăm Hroi, H’re… đều hăng hái cùng nhau đi bỏ phiếu chọn người hiền tài làm đại diện cho quyền lợi của mình. Trong không khí lễ hội, hơn 20.000 cư tri huyện Vĩnh Thạnh, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đã bỏ phiếu trên nền nhạc cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng.
Nhóm PV
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Người dân thực hiện quyền tổng tuyển cử trọn vẹn
Đúng 7 giờ sáng 22-5, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến khu vực bầu cử số 3 đặt tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Cùng với cử tri Đỗ Văn Tiên (87 tuổi) và cử tri lần đầu đi bầu cử Nguyễn Thị Hồng Hạnh (18 tuổi), đồng chí Nguyễn Phú Trọng là 1 trong 3 cử tri đầu tiên của phường Nguyễn Du thực hiện quyền bầu cử.
Trả lời phỏng vấn của báo chí sau khi bỏ phiếu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ý nghĩa lớn lao của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016: “Lần đầu tiên kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, chúng ta tiến hành việc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp vào cùng một thời điểm. Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với trên 62 triệu cử tri toàn quốc. Có thể nói trong lần bầu cử này, người dân được thực hiện quyền tổng tuyển cử một cách trọn vẹn, từ cấp trung ương đến địa phương”. Tổng Bí thư nhận định, việc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp diễn ra sau 25 năm đổi mới, vừa hoàn thành nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006-2010, bước vào giai đoạn phát triển mới, tạo nền tảng để năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XI, cuộc bầu cử sẽ giúp xây dựng hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, triển khai nhanh chóng nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo nền tảng quan trọng, củng cố nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân và vì dân...
Tính đến 18 giờ ngày 22-5, Hà Nội đã có 4.624.126 cử tri đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 98,23%. Đáng lưu ý, tại nhiều khu vực bỏ phiếu ở thủ đô, các tổ bầu cử đã mang hòm phiếu phụ đến tận nhà những cử tri già yếu cũng như bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền công dân. Tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, hòm phiếu phụ đã được mang đến phục vụ 67 bệnh nhân đủ điều kiện được bầu cử tại bệnh viện. Tại một số đơn vị bầu cử khác của Hà Nội, thực hiện đúng quy định của Luật Bầu cử, tổ bầu cử đã mang hòm phiếu đến tận phòng tạm giam để những cử tri ở đây được bỏ phiếu khi chưa có kết luận về việc vi phạm pháp luật của họ.
Sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình tại khu vực bầu cử số 3 thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Thủ tướng tin tưởng cử tri sẽ hăng hái, nô nức tham gia ngày hội bầu cử và lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân, đảm đương việc nước, tham gia xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Nhóm PV
99,81% cử tri TPHCM đi bầu cử
Tại TPHCM, cử tri nô nức đến các điểm bỏ phiếu từ rất sớm chờ đợi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Tại khu vực bỏ phiếu số 39 (phường 9, quận 3), đúng 7 giờ 10 phút, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bỏ lá phiếu đầu tiên.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu: “Cũng như hàng triệu cử tri của cả nước, tôi rất tự hào và phấn khởi khi thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Trước khi đến đây bỏ phiếu, ở nhà tôi đã suy nghĩ rất kỹ việc chọn những người đại biểu có uy tín, có tài, có đức để xây dựng địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước”.
Lúc 7 giờ 15 phút, tại điểm bầu cử số 7 (phường Tân Định, quận 1), Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã hoàn tất việc bỏ lá phiếu đầu tiên tại điểm bỏ phiếu này. Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Hôm nay là sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, là ngày hội lớn của toàn dân, đây cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Những nguyện vọng đó phải được hiện thực hóa. Muốn như vậy, một trong những việc phải làm là kiện toàn cơ quan nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh của dân, do dân, vì dân”.
Tại điểm bầu cử số 31 (phường 7, quận 3), đúng 7 giờ 20 phút Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cũng hoàn tất việc bỏ lá phiếu đầu tiên. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng bỏ phiếu tại đây. Đồng chí Lê Thanh Hải gửi gắm: “Tôi thật sự hạnh phúc khi thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của một công dân. Tôi tin rằng cử tri TP sẽ chọn được người có đức, có tài, có uy tín xứng đáng là người đại điện cho ý chí, quyền lợi chính đáng và nguyện vọng của nhân dân”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một công dân, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vui mừng phát biểu: “Bầu cử lần này trùng với dịp cả nước nói chung, TPHCM nói riêng kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nên nhân dân TP rất nô nức và tự hào…”. Trong niềm vui chung ấy, ông tin tưởng công tác bầu cử của cả nước sẽ thành công tốt đẹp.
Đồng bào các tôn giáo đi bầu rất sớm
Tại Tổ bầu cử số 51 và 52 thuộc đơn vị bầu cử ĐBQH số 1 (phường 12, quận 3), ngay từ sáng sớm, linh mục Phan Khắc Từ, ứng cử viên ĐBQH đơn vị bầu cử số 9 (Hóc Môn và Củ Chi), Cha xứ Giáo xứ Vườn Xoài, là người bỏ lá phiếu đầu tiên. Ông vui vẻ nói: “Giáo dân trong giáo xứ rất tin tưởng vào lá phiếu của mình sẽ chọn được người có đủ đức, tài”.
Tại tổ bầu cử số 67 (phường 17, quận Phú Nhuận), đông đảo cử tri người dân tộc Chăm theo đạo Hồi, cũng đi bầu cử từ rất sớm. Anh Y Sa, nhà ở 111/23 Cao Thắng, nói: “Cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi chúng tôi hôm nay rất vui khi cầm lá phiếu bầu người đại biểu của mình, trong đó lần đầu tiên có đại diện cộng đồng Hồi giáo tham gia ứng cử vào Quốc hội”. Tại điểm bầu cử ở phường 1, quận 5, khá đông cử tri là tín đồ Cao Đài họ đạo Sài Gòn đi bầu cử.
Mặc dù nhà ở quận 8, song Giáo hữu Thái Thọ Thanh đã có mặt từ rất sớm tại Thánh thất Sài Gòn để vận động các cử tri đi bầu đông đủ ngay trong những giờ đầu tiên. Ông vui vẻ nói: “Họ đạo Sài Gòn chúng tôi có hơn 5.000 tín đồ, mặc dù ở rải rác khắp các quận huyện trong TP, song các thánh thất, các dòng họ đã tham gia rất tích cực vào công tác tuyên truyền, tiếp xúc và mạn đàm tiểu sử các ứng cử viên. Chính vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng đồng đạo trong họ đạo chúng tôi sẽ bầu chọn được người đại diện xứng đáng cho mình, qua đó phản ánh tiếng nói của đông đảo tín đồ theo các tôn giáo nói chung và đạo Cao Đài nói riêng”.
Còn tại quận 5 - địa bàn có 125.790 cử tri, trong đó tỷ lệ người Hoa sinh sống chiếm hơn 35% dân số quận, ngay từ sớm, người dân đã háo hức đến các điểm bỏ phiếu thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Cô Lý Xu Oanh, người Hoa, ngụ 105 lô D lầu 1 chung cư Nguyễn Trãi phường 8, quận 5, hồ hởi cho biết: “Tôi đã bỏ phiếu xong và còn tham gia hướng dẫn mấy bà, cô người Hoa lớn tuổi trong chung cư cách thức bỏ phiếu như thế nào cho đúng quy định. Tôi rất hy vọng đồng bào người Hoa ở quận 5 nói riêng và người dân TP nói chung sẽ bầu được những đại biểu xứng đáng nhất - những người có thể đưa ra các quyết sách đúng đắn góp phần phát triển TP, phát triển đất nước”.
Đưa cử tri đến điểm bỏ phiếu bằng tàu, ghe
Là huyện ngoại thành, Hóc Môn có 268.618 cử tri tham gia bầu cử, cùng lúc phải bầu 4 cấp, song do công tác chuẩn bị khá tốt, nên đã xử lý được các tình huống phát sinh. Địa bàn rộng, đi lại khó khăn, song huyện Củ Chi (cũng bầu 4 cấp như Hóc Môn) đã bố trí 191 khu vực bỏ phiếu cho 248.807 cử tri vừa sản xuất, vừa đi bầu. Công tác bầu cử tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ đã diễn ra tốt đẹp trong điều kiện thuận lợi. Do là địa bàn có nhiều sông nước, đường giao thông còn cách trở… nên trước ngày bầu cử, chính quyền địa phương đã chủ động chuẩn bị phương tiện để đưa người dân đến điểm bỏ phiếu. Cử tri ở doi Mỹ Khánh, xã Bình Khánh đến điểm bầu cử ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh bằng 3 chuyến ghe tàu do chính quyền hỗ trợ; người dân ở khu vực Dần Xây, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa cách xa điểm bỏ phiếu khoảng 10 cây số sẽ được chính quyền bố trí 3 chiếc xe buýt đưa đón…
Vào lúc 6 giờ 45 ngày 22-5, hàng chục người dân thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang tái định cư tại chung cư Bình Trưng (phường Bình Trưng Đông, quận 2), đã hào hứng đi bầu cử. Bà Lê Thị Hồng, 62 tuổi, ngụ 395A, lô A, chung cư Bình Trưng, phấn khởi nói: “Cuộc sống ở nơi mới rất tốt, bà con khu phố rất hòa đồng, thân thiện. Dù không phải là lần đầu tiên trong đời cầm lá phiếu nhưng là lần đầu tại nơi ở mới nên tôi xúc động lắm”. Tại ký túc xá Trường Đại học Nông Lâm TP (Thủ Đức), Nguyễn Thanh Hưng, 19 tuổi, quê Bình Thuận, sinh viên lớp TK10, Khoa Tài nguyên môi trường hào hứng: “Cũng như 3.500 sinh viên của trường, hầu hết lần đầu tiên đi bỏ phiếu, tôi rất hạnh phúc, tự hào. Đây là cơ hội để lớp trẻ chúng tôi thể hiện tình yêu, trách nhiệm với đất nước”.
>> Video bầu cử HĐND các cấp và ĐBQH sáng 22-5 tại TPHCM:
Nhóm PV
- Bầu cử ở địa đầu Tổ quốc
Tại Hà Giang, hòa chung với không khí tưng bừng ngày hội lớn của cả nước, hôm qua, 455.144 cử tri trong tỉnh đã nô nức đi bầu cử. Tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, bà con mặc những bộ váy sặc sỡ, phấn khởi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Đây là nơi có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 87%.
Theo ông Hoàng Đức Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang, Ủy viên Thư ký Ủy ban Bầu cử tỉnh: “Ở tất cả các điểm, tổ bầu cử trong toàn tỉnh mọi công tác bầu cử đều diễn ra suôn sẻ. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh luôn được đảm bảo, ổn định”. Các huyện vùng cao phía Bắc trên cao nguyên đá Đồng Văn đã hoàn tất công tác bầu cử sớm.
Tại Điện Biên, lúc 7 giờ sáng qua, 974 điểm bầu cử trên địa bàn tỉnh đồng loạt đón cử tri đi bầu, một số điểm tại huyện Mường Nhé khai mạc từ lúc 6 giờ 30. Ông Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết toàn huyện có 154 khu vực bỏ phiếu với 29.132 cử tri. Các đơn vị, các xã chuẩn bị hòm phiếu, hòm phiếu phụ; niêm yết danh sách đại biểu ứng cử, danh sách cử tri và tạo thuận lợi cho cử tri tiếp cận với các ứng cử viên để hiểu và chọn ra những đại biểu ưu tú bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tại suối Huổi Noóng, bản Huổi Khon, một chiếc cầu phao được lắp để tiện cho cử tri đi bầu. “Bà con phấn khởi lắm, nô nức đi bầu cử. Ai cũng tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước”, ông Thanh cho biết. Với 70% người dân ở Mường Nhé là dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc khác, do các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhiều bà con không biết tiếng Kinh, nên ở các tổ bầu cử, huyện đã bố trí 3 thành viên trong tổ bầu cử biết tiếng dân tộc để giúp bà con nắm rõ nhất các thông tin về ứng cử viên trước khi bỏ phiếu.
M.Huệ
- Nô nức Lý Sơn
Ngày 22-5, đất đảo Lý Sơn dường như chật chội hơn. Bởi “gần như 100% các ngư dân đánh bắt tại các vùng biển trên cả nước hôm nay đều ở nhà để đi bỏ phiếu”- ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết. Sáng tinh mơ, huyện đảo Lý Sơn như thức dậy sớm hơn mọi ngày bởi tiếng cười nói râm ran, tiếng máy nổ bơm nước vang vọng trên những cánh đồng. Ai cũng tranh thủ hoàn thành công việc gia đình để kịp đi bầu cử. Chỉ trong khoảng hơn một giờ, mọi công việc bỏ phiếu trên đảo Lý Sơn gần như đã hoàn thành với hơn 14.000 cử tri bỏ phiếu tại 18 điểm bầu cử.
Cử tri Phạm Văn Pháp cho biết đây là lần đầu tiên ông đi bầu cử. trước đây thời gian này, ông đều ở ngoài khơi đánh cá, nên phải nhờ người nhà đi bỏ phiếu thay. Nhờ sự tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền nên kỳ này ông đã về để kịp tham gia bầu cử. Bỏ phiếu xong ông Pháp giong thuyền ra Hoàng Sa, ngư trường quen thuộc để khai thác hải sản. Còn ngư dân Bùi Thượng, mái tóc đã sạm màu gió biển, vừa từ Hoàng Sa về chiều tối 21-5, cho biết ông mong muốn các đại biểu trúng cử quan tâm hơn, đề xuất nhiều chính sách giữ gìn, bảo vệ bờ cõi, lãnh hải của Tổ quốc và đảm bảo sự an toàn cho bà con đánh bắt hải sản. Nhiều cử tri trên đảo cũng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến những người trúng cử lần này quan tâm đầu tư để Lý Sơn ngày càng phát triển hơn, xứng đáng là một trong những tiền đồn vững chắc cho quần đảo Hoàng Sa.
H.Minh
- Người K’Ho dưới chân núi Langbian đi bầu
Ngày 22-5, cùng với cử tri cả nước, hàng ngàn cử tri là đồng bào dân tộc Lạch và Cil (hai nhánh của dân tộc K’Ho) sinh sống dưới chân núi Langbian (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã nô nức đi thực hiện quyền công dân.
Có mặt rất sớm tại điểm bầu cử số 8, xã Lát, cử tri Cil Krè (64 tuổi, già làng thôn Boner B) phấn khởi cho biết: “Bình thường, giờ này già đang đi lễ nhà thờ, nhưng hôm nay sắp xếp đi lễ sớm để kịp dự lễ khai mạc bầu cử, bỏ phiếu bầu chọn người xứng đáng đại diện nêu tâm tư nguyện vọng của dân”. Cùng với việc thực hiện quyền công dân của bản thân, già làng Cil Krè còn vận động đồng bào trong thôn tích cực đi bầu.
6 giờ 30 phút, hàng trăm cử tri đã tề tựu tại điểm bầu cử số 8, xã Lát. Cử tri K’Dok Bôn Yô (61 tuổi, ở thôn Boner B) phấn khởi cho biết: “Tôi rất quan tâm đến kỳ bầu cử và cả 9 người đủ tuổi công dân trong gia đình cùng đi bầu. Mong muốn của tôi là những người được bầu phát huy trách nhiệm người đại biểu nhân dân, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn”.
Cử tri Liêng Hót Thùy Linh (22 tuổi, ở thôn Boner B) không giấu được tâm trạng hồi hộp vì đây là lần đầu tiên đi bầu cử. Chị tâm sự: “Trước khi đi bầu, mình đã được tuyên truyền, giới thiệu kỹ về quy định bầu cử và tiểu sử các ứng cử viên. Lần đầu đi bầu, mình thấy hồi hộp lắm, sẽ cố gắng lựa chọn người tiêu biểu đại diện cho dân”.
Ông Cil N’Ri, Tổ phó Tổ bầu cử số 8, xã Lát, cho biết, tổ bầu cử số 8 có 464 cử tri, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc K’Ho. Hầu hết đồng bào đều theo đạo, vì vậy, chính quyền địa phương đã làm việc với nhà thờ sắp xếp thời gian tổ chức lễ chính hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dân đi bầu cử. Đến 15 giờ cùng ngày, 100% số cử tri tại điểm bầu cử này đã hoàn thành việc bỏ phiếu.
N.Viên
- ĐBSCL: Nông dân kỳ vọng vào những người được bầu
Tại TP Cần Thơ, từ sáng sớm ngày 22-5, nhiều tổ bầu cử ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đã đón cử tri đi bầu. Cử tri Nguyễn Thanh Long, phường Phú Thứ quận Cái Răng, gửi gắm: Mong các đại biểu trúng cử tập trung quan tâm nhiều hơn về đời sống, công ăn việc làm, học hành; đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vùng bị giải tỏa…
Sáng 22-5, hơn 1.300 tổ bầu cử ở tỉnh Sóc Trăng cũng đón hơn 937.000 cử tri đến bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng đều “tụ hội” vào bờ để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Tại Bến Tre, không khí bỏ phiếu ở 1.421 tổ bầu cử diễn ra tưng bừng, hối hả. Các cử tri cao tuổi, sức khỏe yếu được cán bộ phụ trách tổ bầu cử đặc biệt quan tâm hỗ trợ để cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình. Tại các tổ bầu cử đều có trang bị thùng phiếu phụ để thành viên tổ bầu cử mang đến nhà dân, cơ sở y tế phục vụ cho các cử tri cao tuổi, bệnh tật, cử tri đang điều trị bệnh.
Ở Kiên Giang, từ sáng sớm, cử tri xã biên giới Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, đã có mặt đông đủ tại các điểm bầu cử, chờ giây phút thực hiện bầu chọn hiền tài. Các vấn đề như tạo nhiều việc làm ổn định cho cư dân biên giới để đẩy nhanh việc xóa nghèo bền vững, tiến đến chấm dứt tình trạng vận chuyển hàng lậu; phủ kín việc cung cấp điện, nước sạch, giao thông nông thôn… là mong muốn của cử tri gởi gắm đến các đại biểu trúng cử trong nhiệm kỳ mới.
Trong khi đó, tại xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang (cách đất liền hơn 120km) việc bầu cử diễn ra cũng rất khẩn trương. Đến 11 giờ 45 phút, toàn bộ 2.236 cử tri của xã đảo đã hoàn thành việc bỏ phiếu tại 5 tổ bầu cử. “Là một xả đảo xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Người dân mong muốn được quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ theo hướng tiết giảm nhiên liệu, chi phí, nâng cao hiệu quả” - Bí thư Đảng ủy xã đảo Lê Minh Công phản ánh.
- Đồng bào Khmer háo hức thực hiện quyền công dân
Cùng với cử tri cả nước, 5 giờ 30 sáng 22-5, gần 766.000 cử tri tỉnh Trà Vinh đi bầu cử. Các điểm bỏ phiếu ở vùng sâu, vùng dân tộc Khmer tại các xã Nhị Trường, Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, cử tri đi bầu nhộn nhịp từ sáng sớm.
Sư Thạch Rây, cả nhì chùa Cũ, xã Kim Hòa phấn khởi nói: “Hôm nay là ngày bầu cử, sư rất vui mừng chọn người có đức, có tài chăm lo đời sống nhân dân, chăm lo đời sống người dân tộc Khmer. Mấy năm vừa qua thấy đời sống đồng bào dân tộc thay đổi rất nhiều, nhà nước cho vay vốn, đường sá rất tốt đi lại dễ dàng, trường, trạm khang trang. Mong các vị đắc cử chăm lo tốt hơn nữa đời sống nhân dân như cho vay vốn, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp tập trung ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”.
Nhiều cử tri mong muốn khi đắc cử, ứng cử viên thực hiện đúng theo chương trình hành động của mình, quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội như xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vùng nông thôn, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc Khmer, xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh…
Đ.Cảnh
- Những lá phiếu kỳ vọng nơi Đất Mũi
Ngày 22-5, ở xóm Mũi, chóp đất cuối cùng trên bản đồ Việt Nam như bừng tỉnh sớm hơn thường lệ. Trên tuyến lộ nối trung tâm xã Đất Mũi về cột mốc tọa độ và dưới dòng sông Rạch Mũi, hàng trăm trái tim háo hức hướng về những lá phiếu bầu chở nặng những kỳ vọng tương lai. Nhiều ngư dân dù đang say sưa với mùa nghêu mới hồi sinh cũng quay trở về bờ để tự tay mình bầu chọn ra những người có tài, có đức. Các bậc cao niên nghiền ngẫm tiểu sử của các ứng cử viên lần cuối để có thể quyết định lá phiếu.
Trong niềm vui khi vừa hoàn thành quyền và nghĩa vụ công dân, cử tri Trần Văn Giám xúc động nói: “Tài nguyên biển càng ngày càng ít, thiên tai càng ngày càng nhiều, nguyện vọng của chúng tôi là mong các đại biểu trúng cử quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay”.
Theo ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban bầu cử xã Đất Mũi, toàn xã có 10.908 cử tri. Địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, nghề nghiệp của ngư dân rất đặc thù nên đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác vận động cử tri đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, sau khi xóm Mũi khai mạc bầu cử đầy phấn khởi, bầu cử đã trở thành ngày hội rộn ràng ở vùng cuối đất.
P.Nguyên