Ở Stade de France, lần thứ 18 trong sự nghiệp Cristiano Ronaldo và Antoine Griezmann có dịp cùng so tài với nhau. Cuộc chiến của hai “số 7” này sẽ quyết định vương miện châu Âu.
Ronaldo và Griezmann đã đối đầu với nhau từ xứ Basque, Madrid, Lisbon, Paris cho đến Milano. Ở Paris đêm nay, sẽ là cuộc chiến của cả sự nghiệp.
Quá khứ thuộc về Ronaldo
Mùa hè 2009, Ronaldo phá vỡ mọi kỷ lục về chuyển nhượng, khi rời Man United để cập bến Real Madrid với giá 94 triệu EUR. Ronaldo chính là bước đi quan trọng nhất của Floretino Perez, khi ông trở lại cương vị chủ tịch ở sân Santiago Bernabeu. Khi ấy, bên cạnh Ronaldo là những siêu hợp đồng khác với các ngôi sao Kaka, Xabi Alonso, Karim Benzema… Mùa hè sôi động khiến Real tốn khoản ngân sách 250 triệu EUR.
Cùng thời điểm đó, ở Zubieta, một trung tâm huấn luyện hiện đại của xứ Basque nhưng khiêm tốn trong hệ thống bóng đá Tây Ban Nha, Sociedad đưa Griezmann vào biên chế. Khi ấy, gần như không ai dành sự quan tâm đến Griezmann, chàng trai mới 18 tuổi và có thể hình thấp bé được đưa lên từ đội trẻ. “Grizzi” - biệt danh mà người xứ Basque đặt cho Griezmann và được dùng cho đến nay, thi đấu khá nổi bật trong đội trẻ, nhưng đội hình một là câu chuyện khác. Khi ấy, Sociedad có những khó khăn về tài chính và phải đưa Griezmann vào biên chế chính thức.
Ngày 18-9-2010, khi Sociedad vừa trở lại La Liga, chàng trai trẻ Griezmann lần đầu tiên đối mặt cùng siêu sao Ronaldo. Sociedad thua 1-2 trên sân nhà Anoeta, nhưng “Grizzi” đã để lại dấu ấn không nhỏ. Anh đã kiến tạo cơ hội để Tamudo ghi bàn gỡ hòa 1-1. Ronaldo đáp lễ, khi tạo cơ hội cho Pepe ấn định thắng lợi 2-1 (Di Maria mở tỉ số).
Kể từ đó, sau những cuộc đối đầu ở xứ Basque là derby Madrid, khi Griezmann chuyển sang Atletico, trở thành hàng xóm của Ronaldo. Đã có 15 cuộc so tài giữa 2 người trong màu áo CLB, mới nhất là chung kết Champions League ở San Siro, Milano, nơi Real vượt qua Atletico trên chấm luân lưu. Ngoài ra, còn 2 lần đối đầu khác, khi Bồ Đào Nha đá giao hữu với Pháp.
Trong 17 cuộc gặp, Ronaldo là người nổi bật hơn. Đội bóng của anh giành 7 trận thắng (chỉ tính thời gian thi đấu chính thức). Các đội của “Grizzi” thắng 5 trận. Có 5 trận kết thúc với tỉ số hòa. Ronaldo ghi 11 bàn thắng. Trong khi đó, Griezmann khiêm tốn hơn. Chỉ có 3 lần anh ghi bàn vào đội bóng của Ronaldo, trong các trận mà CR7 hiện diện. Điều này cũng dể hiểu, khi mà Sociedad chỉ là đội bóng trung bình, và Atletico cũng chỉ mạnh lên thời gian gần đây.

Hiệu suất của Ronaldo (trái) và Griezmann sẽ quyết định trận chung kết.
Trận so tài của cuộc đời
Ronaldo là người hùng đưa Bồ Đào Nha vào chung kết sau 12 năm chờ đợi, khi góp công vào 2 bàn trong trận bán kết thắng Xứ Wales 2-0. Tính đến nay, Ronaldo đã có 3 bàn thắng ở EURO 2016, được anh thực hiện trong 2 trận khác nhau. CR7 cũng thực hiện 3 pha kiến tạo thành bàn.
Tuy vậy, “Grizzi” đang là người nổi bật hơn. “Số 7” của Pháp đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới, với 6 bàn thắng. Griezmann không chỉ có gấp đôi số bàn của Ronaldo, mà hiệu suất của anh còn ấn tượng hơn rất nhiều. Ronaldo ghi 3 bàn trong 600 phút trên sân, nghĩa là 200 phút/bàn. Griezmann có 6 bàn chỉ sau 435 phút thi đấu cùng Pháp (72,5 phút/bàn). Hơn nữa, trong khi CR7 thực hiện 47 cú sút, thì “Grizzi” mới tung ra 23 lần dứt điểm về khung thành đối thủ.
Griezmann là cầu thủ duy nhất ghi bàn trong cả 3 trận đấu thuộc vòng knock-out. Ngoài ra, anh còn có 2 pha kiến tạo. Như vậy, “Grizzi” tham gia vào 8 bàn thắng, thành tích cao nhất mà một cầu thủ đạt được ở một VCK EURO, kể từ sau huyền thoại Michel Platini năm 1984. Khi ấy, Platini tham gia vào 10 bàn, với 9 pha trực tiếp lập công, cùng 1 đường kiến tạo thành bàn.
Tất nhiên, trận chung kết là phạm trù hoàn toàn khác những gì đã diễn ra. Đây là cuộc chiến của bản lĩnh và cả tâm lý, cần đến giá trị của đẳng cấp. Ở Stade de France, Ronaldo và Griezmann sẽ bước vào trận so tài của cả cuộc đời. Một trận chiến của danh dự và vinh quang.
Kim Ngọc
***
Đế vương và gã giang hồ
Người ta bảo Didier Deschamps là “bảo vật” của bóng đá Pháp. Những gì anh ta chạm vào, đều có thể trở thành vàng. Nói văn hoa, Deschamps là một gã có chân mệnh đế vương. Từ Marseille đến Juventus, từ Monaco đến Les Blues, từ khu giữa sân cho đến băng ghế huấn luyện, Deschamps đã có tất cả…
Và nếu chiến thắng trong trận chung kết EURO 2016 sẽ biến Deschamps thành một tượng đài của bóng đá thế giới, một “bảo vật" thực thụ không chỉ trong bóng đá mà cả đời sống của nước Pháp. Bản thân Deschamp đã là lịch sử. Ông có mặt trong đội hình Marseille vô địch cúp C1/Champions League đầu tiên của bóng đá Pháp. Ông cùng đội tuyển vô địch World Cup 1998 và EURO 2000. Ông đưa Monaco vào trận chung kết Champions League 2003, đó là CLB duy nhất chơi trận chung kết kể từ sau Marseille. Và bây giờ, là một trận chung kết khác, lớn hơn để Deschamps "vĩ đại một cách hoàn hảo”.
Những gì Fernando Sanatos "chạm” vào, có nguy cơ khiến người khác… bật ngửa. Trước khi làm HLV, Santos đã là trưởng bộ phận điện trong một khách sạn. Trái ngược với Deschamps, vẻ ngoài của Santos đích thực là một anh công nhân chỉ quan tâm dến hiệu quả công việc. Santos từng nói: “Căn bản tôi là một gã xấu từ trong ra ngoài, thế nên tôi chẳng quan tâm đến những gì người khác nghĩ, kể cả có xấu hơn thì cũng thế”. Thế nhưng, vị HLV có phong cách như một gã giang hồ hết thời ấy đã từng cầm quân tại 3 đội bóng hàng đầu của Bồ Đào Nha cũng như tại Hy Lạp. Trên cương vị HLV của đội tuyển 2 quốc gia nói trên, cho đến thời điểm này, Santos là người có thành tích tốt nhất nếu đừng tính đến trận chung kết EURO 2004. Riêng ở chi tiết này, nếu Santos đưa Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016, chỗ đứng của ông trong lịch sử và tại Bồ Đào Nha, vòi vọi kém gì Deschamps.
***
Đây đã là trận chung kết, nơi mà mọi yếu tố của quá khứ không có nhiều ý nghĩa, nơi mà người thắng sẽ có tất cả. Và ở đó, chúng ta không thể nói là "đế vương” hay "gã giang hồ” ai hơn ai.
Deschamps khá may mắn khi ông ta có những cầu thủ tốt nhất trên từng vị trí. Chỉ tính riêng ở hàng tiền vệ, với Pogba, Matuidi, Kante, ông có thể xây dựng nhiều cách chơi, sửa chữa những sai lầm trong hiệp 1 bằng việc thay người đầu hiệp 2. Để giành chiến thắng, Pháp có những "người hùng” thay nhau xuất hiện như Payet, Giroud, Griezmann.
Trong khi đó, kể từ khi nhận chức, Santos gần như vét sạch những gì còn sót lại của bóng đá Bồ Đào Nha vào đội hình. Trong 18 tháng cầm quân, có đến 50 cầu thủ đã được Santos sử dụng. Ông trao cơ hội cho Sanches mới 18 tuổi, gọi lại Carvalho ở tuổi 38, để Fonte được khoác áo quốc gia lần đầu tiên ở tuổi 30, đưa Nani lên đá tiền đạo và đương nhiên nếu Ronaldo muốn làm gì, ông cũng sẽ cho phép, miễn sao Bồ Đào Nha dưới thời của ông đã có 13 trận bất bại liên tiếp.
Nếu để chọn nhà vô địch chỉ bằng những phép so sánh, Santos không có cơ hội trước Deschamps. Nhưng nếu Pháp trao cho Bồ Đào Nha một nửa cơ hội trên sân cỏ, họ có thể chẳng còn cơ hội nào để sửa chữa sai lầm. Deschamps có nhiều giải pháp cho một trận đấu nhưng Santos, một tay thợ điện luôn đối đầu với nguy hiểm chết người thì ngược lại, mỗi rủi ro đều phải đưa về mức tối đa cho một hiệu quả tối đa. Sự khác nhau giữa 2 con người ấy có thể cũng sẽ được thể hiện trên sân cỏ, trong trận đấu mà người ta chỉ nhớ đến kẻ chiến thắng sau cùng.
Đăng Linh