Ronaldo, xin được khóc lần cuối

Nước Pháp và Paris nổi tiếng về sự thơ mộng và lãng mạn, dễ mang đến cho con người ta nhiều xúc cảm đặc biệt. Và dường như EURO 2016 cũng đã phần nào “nhiễm” điều này

Cảm xúc EURO

Nước Pháp và Paris nổi tiếng về sự thơ mộng và lãng mạn, dễ mang đến cho con người ta nhiều xúc cảm đặc biệt. Và dường như EURO 2016 cũng đã phần nào “nhiễm” điều này

Chẳng biết có phải vậy không mà Dimitri Payet đã không thể cầm được nước mắt khi anh ra sân ở cuối trận khai mạc. Sau đó 6 ngày, người ta bắt gặp một anh chàng CĐV của Xứ Wales đang cúi mặt khóc nức nỡ giữa hàng trăm cái áo đỏ đang hò hét trong trận Anh thắng Xứ Wales 2-1.

Payet khóc vì hạnh phúc, anh chàng CĐV kia khóc vì Xứ Wales thua trận… Và ở góc khác của EURO, cũng có một người đàn ông đang “thèm” được khóc.

1. Cristiano Ronaldo – người ta nói anh ích kỷ, tham vọng, kiêu ngạo và cái tôi quá to. CR7 quá nổi tiếng nên anh bị nói là “chảnh” hay “nổ trái”… Vâng! Ở Ronaldo có đủ những thứ đó. Nhưng bên trong anh, đằng sau vẻ bề ngoài đó là một tâm hồn dễ bị rung động bởi xúc cảm.

CR7 vốn rất đa cảm và là một người đàn ông “mau nước mắt”. Ronaldo rất dễ “mít ướt” trước những tình cảnh mà đáng lẽ ra người ta cần anh mạnh mẽ lên. Dẫu vậy, Ronaldo không hề tùy tiện chút nào, anh “mau nước mắt” rất đúng nơi, đúng lúc.

Cách đây 14 năm, thánh địa ánh sáng tại Lisbon đã chứng kiến chàng trai 19 tuổi Ronaldo ôm mặt khóc nức nở sau trận chung kết EURO 2004. Những giọt nước mắt tiếc nuối cứ mãi rơi, mặc cho ông thầy Scorali ra sức dỗ dành. Bốn năm sau tại Moskva, Ronaldo lại khóc. Lần này không ai dỗ dành CR7 cả, anh nằm khóc với sự vui sướng tột đỉnh sau khi Anelka đá hỏng quả sút luân lưu cuối cùng giúp M.U vô địch Champions League 2008.

Và rồi Ronaldo lại khóc. Những giọt nước mắt của người cha trẻ lại tiếp tục rơi khi CR7 cầm trên tay QBV 2013. Đứng cạnh Ronaldo, cậu nhóc Cristiano Ronaldo Jr ngơ ngác không hiểu ai đã làm bố mình khóc? Ngồi phía dưới, bà Maria Dolores dos Santos Aveiro chỉ biết khóc theo cậu con trai vì hơn ai hết, bà chính là người hiểu rất rõ nhất cảm giác của Ronaldo khi đó.

Chàng trai 19 tuổi Ronaldo khóc nức nở sau trận chung kết EURO 2004

Tất nhiên, với một người có cá tính mạnh như Ronaldo thì những lần anh khóc đều là những thời khắc lịch sử. Với một con người mà tham vọng chưa bao giờ dừng lại như Ronaldo, có lẽ trong tâm trí anh đang rất khao khát được khóc thêm một lần nữa tại Stade de France vào ngày 10-7. Đó sẽ là những giọt nước mắt CR7 khóc chiếc Cúp bạc EURO 2016 mà anh đang cầm trên tay (nếu như tuyển Bồ Đào Nha vô địch), anh khóc cho những nỗ lực của anh và đồng đội đã được đền đáp, và hơn trên hết đó là những giọt nước mắt anh khóc cho sự chờ đợi mỏi mòn của cả dân tộc Bồ Đào Nha với ngôi vô địch  châu  Âu.
Nhưng vấn đề là ai cho Ronaldo khóc? Ai sẽ cho anh được toại nguyện? Nếu muốn được khóc, có lẽ Ronaldo nên “xin phép” người Pháp, người Đức, người Tây Ban Nha, người Ý hay cả người Anh…

2. Ronaldo rất may mắn khi là một trong những cầu thủ hiện tại của Bồ Đào Nha được thi đấu cùng với thời của thế hệ vàng như là Luis Figo và Rui Costa tại EURO 2004 và World Cup 2006. Đó là những giải đấu mà cho tới bây giờ vẫn để lại cho người Bồ nhiều nuối tiếc, đặc biệt là EURO 2004. Khi đó, Bồ Đào Nha có đủ “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để hoàn tất giấc mơ vô địch một giải đấu lớn trong lịch sử, nhưng rồi họ lại gục ngã trước cửa thiên đường. Đến World Cup 2006, giải đấu lớn cuối cùng của thế hệ vàng, Ronaldo và đồng đội thi đấu rất hay nhưng rồi lại thất bại trước người Pháp tại bán kết. Từ sau giải đấu ở Đức, những Luis Figo hay Rui Costa giải nghệ, Ronaldo dường như một mình “tự bơi” trong màu áo ĐTQG. Thời gian cứ trôi, từ EURO rồi đến World Cup, thất bại lần lượt đến với người Bồ.

Và với một đội bóng thăng, trầm theo phong độ của Ronaldo thì chẳng có ai dám tin vào khả năng “làm nên chuyện” của Bồ Đào Nha tại EURO 2016.  Thậm chí, trước một đội bóng yếu nhất nhì giải như Iceland, Bồ Đào Nha còn không thể thắng thì làm sao Ronaldo có thể mơ mộng!

Tuổi 31, Ronaldo vẫn chạy, sút và khao khát ghi bàn như tuổi đôi mươi. Đây là thời điểm mà anh vẫn còn khả năng “làm nên chuyện” cùng Bồ Đào Nha. Ai cũng biết, với phong độ hiện tại, CR7 vẫn có thể tham dự thêm một kỳ EURO nữa, nhưng liệu cái tuổi 35 có cho phép Ronaldo thực hiện ước mơ. Với Ronaldo, bây giờ hoặc không bao giờ. EURO 2016 sẽ là cơ hội cuối cùng để anh hoàn tất giấc mơ còn dang dở. Và tất nhiên, đó cũng là cơ hội khả thi nhất để anh được khóc thêm một lần nữa.

VĨNH HY (Ninh Thuận)


Chiến thắng phục hận

Là một Tifosi lâu năm, tôi cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn khi chứng kiến khoảnh khắc Eder tung hoành ngang dọc giữa 5, 7 chiếc bóng áo vàng và tung ra cú dứt điểm sát thủ đánh bại thủ môn Andreas Isaksson của Thụy Điển. Italia thắng 1-0 và giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp, nhưng với tôi hay đông đảo những người yêu mến đội bóng Thiên thanh, chiến thắng này còn mang một ý nghĩa sáng ngời hơn. Đó là một chiến thắng của sự phục hận, của những nụ cười được nhoẻn rất tươi trên những đôi môi đẹp xinh như để bù đắp cho nỗi đau, cho giọt nước mắt chảy ngược nhói tim trên những gương mặt thất thần hồi 12 năm về trước.

Eder mừng bàn thắng vào lưới Thụy Điển.

 Ngày 22-6, ở EURO 2004 trên đất Bồ Đào Nha, lượt trận cuối cùng của bảng C chứng kiến một màn bi hài kịch đúng nghĩa. Khi đó, Thụy Điển và Đan Mạch đang có cùng 4 điểm trên bảng xếp hạng, Azzurri chỉ có 2 điểm sau 2 trận hòa với tỷ số 0-0 trước Đan Mạch và 1-1 trước Thụy Điển. Italia sẽ có 5 điểm nếu đánh bại Bulgaria, đội bóng yếu nhất bảng, và thực tế, Azzurri đã đánh bại đối thủ nhờ màn lội ngược dòng đẳng cấp với 2 bàn thắng không thể nào quên của Perrotta và đặc biệt là của Antonio Cassano với cú sút tung nóc lưới khung thành Bulgaria ở phút thứ 90+4. Bàn thắng ấy giúp Italia ngược dòng thắng 2-1 sau khi để thua trước từ cú dứt điểm trên chấm phạt đền của Petrov, làm sống lại cơ hội và hy vọng vượt qua vòng đấu bảng.

Nhưng ở trận đấu diễn ra phía song song, ơ kìa, kịch hài đang diễn ra. Trước trận đấu, người người, nhà nhà đã tính đến tình huống này, rằng nếu kết quả trận đấu giữa Thụy Điển và Đan Mạch có thắng thua, hay thậm chí hòa 0-0 hay 1-1, Azzurri sẽ giành được 1 trong 2 tấm vé của bảng C. Nếu trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 2-2 hoặc hơn, 2 đại biểu Bắc Âu sẽ cùng dắt tay nhau vào vòng đấu loại trực tiếp. Thực tế rất bất mãn. Cả 2 cùng chơi đôi công kiểu cầm chừng và khi đội này ghi bàn, ở thời điểm đó, tôi cũng chẳng thể nhớ cụ thể ai ghi bàn trước, ai gỡ hòa, rồi ai nâng tỷ số lên thành 2-1 và ai gỡ hòa 2-2, thì đội kia lại vùng lên đáp trả. Cuối cùng, điều mà người ta lo sợ đã thành sự thật. Thụy Điển hòa Đan Mạch 2-2, nghĩa là Azzurri, Thụy Điển và Đan Mạch cùng 5 điểm, nhưng 2 đội bóng Bắc Âu có hiệu số đối đầu trực tiếp giữa 2 bên vượt hơn.

Vậy đó, bàn thắng ngoạn mục của Cassano đã trở nên vô ích. Màn ăn mừng như điên như khùng, không chỉ của cầu thủ ở trên sân D. Afonso Henriques mà còn của các Tifosi ở đất nước Việt Nam xa xôi đã bị dội gáo nước lạnh bởi những kẻ tráo trở đến từ Bắc Âu, bởi những kẻ không hề biết fair-play và phớt lờ dư luận quốc tế. Kể từ thời điểm đó, với tôi, bóng đá Đan Mạch, Thụy Điển rất đáng ghét, và Zlatan Ibrahimovic cho dù được thế giới xưng tụng là tài năng đến mức nào, với tôi vẫn là một kẻ hành xử không fair-play. Từ trận đấu đó, tôi nghiệm ra rằng, bóng đá là một cuộc chơi mà bất kỳ ở đâu, người ta cũng có thể ăn gian chứ không chỉ ở vùng trũng Đông Nam Á chỉ bởi vì người ta quá sợ tuyển Ý kỳ EURO đó.

Hôm qua, Thụy Điển đã gục ngã trước những đôi chân không biết mệt mỏi của Azzurri. Đan Mạch, hãy chờ đó. Nhưng trước hết, chúng tôi phải đi hết đoạn đường của EURO 2016 cái đã…

BÌNH MILAN

Tin cùng chuyên mục