
Giá đồng USD sụt giảm xuống hết kỷ lục này đến kỷ lục khác so với nhiều đồng tiền đã khiến nhiều người từ các nước, đặc biệt là dân châu Âu, đổ tới Mỹ để... mua sắm. Điều này khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang trên bờ vực suy thoái kinh tế...
Mọi đường đều đến... siêu thị

Lũ lượt khuân hàng về
Ông John Bainbridge, từ Yorkshire (Anh), vừa xuống sân bay New York đã hỏi ngay: “Các cửa hiệu mua sắm ở đâu?”. Sau khi được chỉ dẫn, ông cùng vợ, con gái và cháu gái cùng 2 người bạn tới ngay siêu thị Bloomingdale để mua quà Giáng sinh, món hàng họ cho rằng rẻ hơn ở châu Âu rất nhiều... Bà Rachel Omahony, cũng đến từ Anh, chỉ vào chiếc túi đầy ắp hàng, nói: “Ở nhà, túi này cũng phải mất 180 bảng, ở đây chỉ mất 100 USD”. Theo thăm dò mới đây, 97% người Canada nhận thấy đồng tiền của họ mạnh hơn đồng USD và có 30% cho biết sẽ tới Mỹ mua sắm.
Khi mùa nghỉ lễ cuối năm đến gần, các chuyến bay tới Mỹ hầu như kín chỗ, nhiều người tận dụng lúc đồng USD đang tuột dốc để du lịch và mua sắm. Khi tới, họ mang theo nhiều túi đựng hàng và cả danh sách dài các thứ cần mua. Khi về, họ xách các túi đầy ắp hàng hóa, như quần áo Levi’s, giày, máy tính... Nhiều người chỉ tới Mỹ 3 ngày, thậm chí 1 ngày, chỉ để săn hàng. Nếu không tới Mỹ được, nhiều người vào các trang web bán qua mạng giao hàng tận nơi. Không chỉ người Anh, Đức và Pháp đến Mỹ “dọn hàng”, từ phía Bắc, người Canada cũng “Nam tiến” mua sắm. Xa hơn nữa còn có cả người Australia...
Tập đoàn bán lẻ Scott Krugman, trụ sở ở Chicago với 50.000 cửa hiệu trên khắp Mỹ, cho biết, doanh số bán của họ đã tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2006. Nhiều nhà bán lẻ đã nhanh chóng mở thêm các trang web bán hàng qua mạng, như “eFashion Solutions” đã tăng lên 35 nhãn hiệu với 6 loại ngôn ngữ. Mạng này cũng đã thương lượng với Bưu điện Mỹ để tính cước hợp lý cho hàng hóa của họ. Theo giám đốc điều hành mạng này, công ty của ông đã tăng 20% lượng hàng gửi ra nước ngoài và dự báo sẽ tăng 30% tới tháng 6-2008.
Không chỉ mua hàng...
Trong khi người nước ngoài đổ xô tới Mỹ mua hàng thì dân Mỹ lại giữ chặt hầu bao. Theo thống kê, trong mùa lễ Tạ ơn vừa qua, sức mua sắm của dân Mỹ giảm 3,5% so với năm 2006. Hệ thống siêu thị Wal-mart đã hạ giá sớm hơn 2 tuần so với dự kiến nhưng vẫn không tăng được mãi lực của khách hàng nội địa. Nhiều nhãn hiệu giảm giá đến 60% nhưng chỉ thu hút thêm khách hàng... nước ngoài. |
Đồng USD xuống giá cũng là cơ hội để các đại gia từ nhiều nước đến thâu tóm tài sản từ các tập đoàn Mỹ. Quỹ đầu tư Abu Dhabi của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã mua 4,9% cổ phần của Tập đoàn Citigroup vốn đang khốn đốn bởi thị trường bất động sản đóng băng ở Mỹ. Ngoài ra, Abu Dhabi còn mua 8% cổ phần của Tập đoàn linh kiện vi tính AMD. Một tập đoàn khác của UAE là Dubai cũng đã mua 9,9% Quỹ đầu tư Och-Ziff. Tập đoàn SK Telecom của Hàn Quốc cũng mua 5 tỷ USD cổ phần trong Tập đoàn điện thoại Sprint...
Nhiều chuyên gia giải thích hiện tượng này do giá đồng USD giảm càng làm cán cân thương mại của Mỹ với tất cả các nước đều bị thâm hụt và các nước châu Á có dư tích lũy để “tính chuyện lớn” với Mỹ. Tất cả có thể xuất phát từ việc người dân Mỹ đã tiêu thụ quá nhiều, kể cả dầu mỏ. Các chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ không có chính sách “thắt lưng buộc bụng”, nền kinh tế Mỹ sẽ gặp thêm khó khăn nếu đồng USD tiếp tục mất giá .
HUY QUỐC
(theo CS Monitor, Bloomberg)