Phiên họp thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc chiều 16-8. Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư; đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp
Đồng ý sử dụng 77 tỷ đồng đền bù cho người dân
Cho ý kiến về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư, UBTVQH đề nghị Chính phủ và các cơ quan, địa phương rút kinh nghiệm nghiêm khắc về việc không thực hiện đúng các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ.
Theo tờ trình của Chính phủ, do không thực hiện được chủ trương “đất đổi đất” trong đền bù giải phóng mặt bằng về di dân tái định cư (vì quỹ đất lâm nghiệp ở các lâm trường, tổ chức của tỉnh Thừa Thiên - Huế có hạn), nay đề xuất sử dụng 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần đền bù để đền bù cho các hộ gia đình nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài (10 năm) của người dân.
Phát biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thẳng thắn phê bình: “Chỉ 77 tỷ đồng nhưng đây lại là quyết định rất khó khăn. Quản lý ngân sách phải minh bạch, nói đâu cũng là ngân sách thôi nên đưa khoản này vào khoản kia là ngụy biện”.
Đồng ý thu hồi 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ cho người dân giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Việc quyết 77 tỷ đồng hôm nay đặt nền móng cho sự minh bạch, trân trọng lẫn nhau. Chính phủ báo cáo Quốc hội thì Quốc hội trân trọng lắng nghe, thảo luận, tạo điều kiện, nhưng Chính phủ báo cáo cũng phải rõ ràng, thuyết phục để Quốc hội quyết định theo luật pháp”.
Chia sẻ quan điểm cần phải đền bù cho người dân, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ vẫn còn những băn khoăn. “Không thể trả lời một cách đơn giản rằng hết đất rồi nên trả bằng tiền. Không giải quyết triệt để thì mai kia dân có thể vẫn tiếp tục khiếu kiện vì không có nhà ở, nghề nghiệp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu vấn đề.
Khép lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, UBTVQH quyết định sẽ thu hồi hơn 77 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng cơ bản của dự án để bổ sung cho hợp phần đền bù định canh, định cư cho dân vùng dự án như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc, không để xảy ra tình trạng tương tự; làm sao để đầu tư công hiệu quả, đi vào nề nếp.
Yêu cầu báo cáo toàn cảnh vụ việc Formosa
Thảo luận về nội dung, chương trình kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 tới), các ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo chất lượng và thời gian trình các dự thảo luật. Bên cạnh đó, cần bố trí đủ thời lượng cho phần thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong kỳ họp thứ hai, dự kiến Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-10-2016 và bế mạc ngày 18-11-2016. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 14 dự án luật. Bên cạnh các nội dung theo thông lệ, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Góp ý về nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ hai tới đây, Quốc hội khóa XIV sẽ lần đầu tiên quyết định cả kế hoạch 5 năm, đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch năm 2017; thực hiện việc phân bổ ngân sách theo quy định mới (1 năm dự toán, 2 năm dự báo). Do đó, cần dành thời lượng thỏa đáng và áp dụng cách thức thảo luận hợp lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý về một số nội dung đang được toàn xã hội quan tâm như dự án Luật Sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh; việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp… Tỏ ra lo lắng về tiến độ xây dựng và chất lượng của một số dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị UBTVQH ủng hộ các ủy ban của Quốc hội, kiên quyết từ chối thẩm tra những dự thảo luật không đảm bảo về thời gian trình, chất lượng dự thảo. “Vừa qua, Bộ luật Hình sự sửa đổi phải hoãn thi hành cũng có phần do chúng ta cứ nể nang, dễ dãi với việc này”, bà Lê Thị Nga phát biểu.
Có cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều dự án luật hiện nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau; cần được cân nhắc thận trọng, trong đó có dự án Luật về Hội.
Về các vấn đề yêu cầu Chính phủ báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề cập đến các “dự án ngàn tỷ” không đưa vào sử dụng được, không phát huy hiệu quả và đề nghị Chính phủ cập nhật tình hình. Dự án bauxite Tây Nguyên; tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; toàn cảnh vụ việc Formosa; thực trạng đầu tư công/nợ công; tình hình phòng chống tham nhũng… cũng là những vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH đặc biệt quan tâm, yêu cầu báo cáo.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với các nội dung yêu cầu Chính phủ báo cáo đồng thời cho biết Quốc hội phải giám sát chặt chẽ tình hình khắc phục hậu quả vụ việc Formosa và quy hoạch phát triển công nghiệp của 4 tỉnh ven biển miền Trung; cũng như việc có bao nhiêu dự án ngàn tỷ đang bị “đắp chiếu”; mỗi ngày thua lỗ bao nhiêu, trách nhiệm thế nào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, tại kỳ họp tới, Quốc hội khóa XIV sẽ thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, ra mắt ngay trong ngày khai mạc kỳ họp, cũng chính là Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.
Chưa điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 Theo báo cáo của Chính phủ về đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, tại Nghị quyết số 101/2015/QH13, Quốc hội đã thông qua 50.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài (bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài) trong nguồn ngân sách trung ương năm 2016. Trong quá trình triển khai, tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án rất khác nhau. Có nhiều dự án giải ngân nhanh hoặc đã giải ngân hết số vốn kế hoạch. Ngược lại nhiều trường hợp giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân. Trước thực tế này, Chính phủ trình UBTVQH giao Thủ tướng Chính phủ chủ động bổ sung số vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016 mà Quốc hội chưa phân bổ chi tiết cho các dự án của các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa được giao kế hoạch hoặc đã giải ngân hết kế hoạch năm 2016. Đồng thời, cắt giảm 78,5 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài của 3 địa phương không có nhu cầu sử dụng để bổ sung cho các bộ, ngành trung ương và địa phương khác và điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương trong tổng mức 50.000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt. |
ANH THƯ