... Dòng chảy đó đầy sắc hương, tỏa ngát và càng đậm đà hơn khi hòa vào dòng chảy của 54 dân tộc anh em. Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch bà con Khmer vùng Nam bộ lần thứ V (Tịnh Biên - An Giang) là dịp để tôn vinh tinh thần đó, bản sắc đó.
Dòng chảy của bản sắc
“Đậm đà sắc màu, bản sắc văn hóa, đa dạng hình thức thể hiện, công phu hoành tráng cả phần lễ và hội”, anh bạn sống ở Hà Nội ngỡ ngàng khi được chứng kiến ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) bà con Khmer Nam bộ lần thứ V tại Tịnh Biên - An Giang.
Đêm khai mạc ấn tượng bởi chương trình nghệ thuật đặc sắc, kết cấu chặt chẽ, đậm đà tính dân tộc. Các phong tục, tập quán, trang phục, lễ hội CholChnămthmay, Sen Dota, Ok Ombook… đều được sân khấu hóa mượt mà, đầy sắc màu, đi vào lòng khán giả. Đua bò Bảy Núi-An Giang và đua ghe ngo là hai lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, là điểm nhấn, không thể thiếu, góp phần đưa ngày hội VH-TT-DL lần thứ V thêm tưng bừng, sôi động; phản ánh niềm vui chiến thắng và cả yếu tố tâm linh về một vụ mùa bội thu trong năm tới.
Bản sắc đó còn thể hiện rõ nét trong suốt những ngày diễn ra lễ hội bởi tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng vang khắp vùng Bảy Núi, ở điệu Ramvong dịu dàng, trong những động tác Robam, dù kê truyền thống, nghệ thuật ẩm thực và cả từng bước uyển chuyển của thiếu nữ Khmer với ca om trên đầu... Khách phương xa thật sự thích thú trước những họa tiết hoa văn tinh tế, đặc trưng dân tộc Khmer được thể hiện ngay từ cổng chào Khu công nghiệp Xuân Tô, nơi diễn ra các hoạt động chính; trong các gian hàng, khu triển lãm…
Đảng – Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về kinh tế - văn hóa – xã hội (Chương trình 134 và 135…) với mục tiêu nhất quán: không ngừng nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người dân các dân tộc, trong đó có bà con Khmer. Ngày hội VH-TT-DL vùng đồng bào Khmer cũng là hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếng trống khai mạc của Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu và màn pháo hoa rực sáng vùng Bảy Núi huyền thoại chính là thông điệp: bản sắc đó sẽ luôn được gìn giữ, phát huy trong xu thế hội nhập hôm nay.
Nồng ấm tình đoàn kết
Hơn 1.000 diễn viên chuyên và không chuyên của 12 tỉnh - thành trong khu vực và miền Đông Nam bộ về tham gia không chỉ nói lên lực hút và quy mô ngày hội VH-TT-DL. “Vĩnh Long bừng sáng” là chương trình nghệ thuật dàn dựng công phu với hơn 30 diễn viên, nghệ nhân dân tộc Khmer. 7 tiết mục ca múa nhạc dân gian Khmer (múa vườn hoa tiên nữ, niềm vui phum sóc, trình diễn trang phục lễ hội, lễ cưới, trang phục đời thường, dâng hoa đi chùa, hòa tấu ngũ âm và hát múa Vĩnh Long hôm nay) phản ánh những đổi thay, phát triển vượt bậc trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer địa phương.
Hậu Giang đã chuẩn bị rất sớm từ khi Bộ VH-TT-DL và đơn vị đăng cai ra thông báo tổ chức sự kiện này với hơn 200 thành viên. Mục tiêu quan trọng của Hậu Giang là cùng với các tỉnh, thành bạn tạo nên một ngày hội VH-TT-DL vùng Khmer Nam bộ thật đặc sắc và thành công về mọi mặt...
Hàng chục ngàn người tụ về trong ngày hội minh chứng lễ hội của người Khmer trở thành lễ hội chung, niềm vui chung của bà con người Kinh, người Hoa, người Chăm cùng sinh sống trên một vùng đất. Văn hóa Khmer Nam bộ trong quá trình cộng cư vừa đậm đà bản sắc vừa giao thoa, phát triển với văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em. Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam” bằng các hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ và các sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu là nét mới và là dịp bà con Khmer Nam bộ hiểu rõ hơn nữa về văn hóa của cộng đồng 54 anh em sinh sống trên khắp dải đất Việt Nam.
“…Tinh thần của ngày hội đã lan tỏa đến các vùng miền, đặc biệt là nơi biên cương của Tổ quốc, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam hài hòa trong phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng…”, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn nhận định. Niềm vui ngày hội của bà con Khmer Bảy Núi, của người nông dân Nam bộ càng được nhân hơn bởi một năm làm ăn thắng lợi, bội thu, trúng mùa được giá.
“Cả bà con bên kia biên giới cũng sang tham dự lễ hội nữa, đông lắm…”, anh Châu Nhanh ở Tri Tôn nói vậy. Lần đầu tiên, Tịnh Biên và cả vùng Bảy Núi chập chùng đồi núi này là tâm điểm của ngày hội VH-TT-DL Khmer Nam bộ. Cả vùng biên rạo rực, bao trùm không khí lễ hội. Tiếng vọng của cụm từ “Samaki” cùng điệu Ramvong nhịp nhàng trong lễ hội với sự góp mặt của cả hai vị lãnh đạo hai tỉnh giáp ranh, Takeo và Kandal (Campuchia) cho thấy sự nồng ấm của tình đoàn kết đã vượt biên giới quốc gia, sẽ bay xa mãi, trên khắp vùng biên này.
Và những điều còn lại
Bảy Núi vào hội. Gần 1,4 triệu người Khmer Nam bộ vào hội. Văn hóa Khmer đã hòa vào dòng chảy chung của dân tộc; góp phần làm phong phú, đa dạng, độc đáo văn hóa Việt Nam và trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam.
Hội thảo “Hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa khu vực III” trong khuôn khổ ngày hội VH-TT-DL lần thứ V cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực, việc bảo tồn, phát huy văn hóa Khmer trong xu thế hội nhập cũng như bảo tồn văn hóa Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều điều ở phía trước.
Một bộ phận trong lớp trẻ phai nhạt với nhạc truyền thống, trang phục truyền thống; Robam, dù kê đang mai một; một số nghề truyền thống chỉ còn trong ký ức người cao tuổi… Văn hóa là nét đặc trưng, tạo nên bản sắc của mỗi dân tộc; là động lực để phát triển nên không chỉ cần sự tích cực của Nhà nước mà còn ở từng người dân, trên từng lĩnh vực của mình.
Ông Thạch Muni, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Tôn giáo (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) khẳng định: “Đồng bào Khmer luôn mong muốn giữ gìn được bản sắc văn hóa và phát huy bản sắc đó nhưng không bị hòa tan khi hội nhập”.
“Chính người dân phải biết giữ gìn, phát huy. Giữ gìn được mới phát huy được”, ông Lý Sóc Kha, Phó ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Là nhà quản lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp nhận định, càng hội nhập, giao lưu thì mỗi dân tộc càng phải tự biết bảo tồn, phát huy nét văn hóa riêng. Ngày hội VH-TT-DL chính là “sân chơi”, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ. Sân chơi đó cần được duy trì, phải được đầu tư để kỳ sau tốt hơn, hiệu quả hơn kỳ trước.
Với kinh nghiệm khi làm Bí thư huyện ủy Tri Tôn thuộc vùng Bảy Núi, ông Hiệp chia sẻ thêm: Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Khmer cần đặc biệt chú trọng đến vai trò của chùa và các vị sư sãi, Acha. Chùa trong Phật giáo Tiểu thừa của người Khmer giữ vị trí trọng yếu trong đời sống tinh thần, là trung tâm tín ngưỡng, giáo dục, học tập, sinh hoạt cộng đồng… và cũng là nơi tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng – Nhà nước nếu biết tranh thủ, vận động. Xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc Khmer nên gắn với chùa và các vị sư sãi bên cạnh việc phát huy tính tích cực từ những trí thức và điển hình làm ăn giỏi người Khmer.
Có một dòng chảy mặn mà bản sắc luôn hòa quyện vào sông lớn.
VŨ THỐNG NHẤT
- Thông tin liên quan:
>> Bế mạc ngày hội văn hóa Khmer Nam bộ 2011
>> Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer