Phim hoạt hình Trái bầu tiên

Sắc màu Trung Hoa của Walt Disney

Sắc màu Trung Hoa của Walt Disney

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi và dịp hè 2007, bộ phim hoạt hình nói tiếng Hoa đầu tiên của hãng phim Disney vừa được tung ra trên các màn ảnh khắp đất nước Trung Quốc. Lần này, nhân vật chính của bộ phim sẽ không phải là chuột Mickey hay vịt Donald quen thuộc mà là một… thứ rau, chính xác hơn là một trái bầu có quyền năng thần diệu! Bộ phim có tựa đề Trái bầu tiên (The magic gourd), là sản phẩm hợp tác giữa Walt Disney và Hãng phim nhà nước Trung Quốc - China Film Group.


Nhân vật chính là một trái bầu!

Sắc màu Trung Hoa của Walt Disney ảnh 1

Hình ảnh trong phim

Trái bầu tiên được xây dựng dựa trên câu chuyện nổi tiếng của nhà văn Trung Quốc Zhang Tian Yi viết cho trẻ em năm 1958: Rất tình cờ, một chú bé “sở hữu” được một trái bầu mầu nhiệm, có thể mang lại cho chú tất cả những gì mà chú muốn. Chú bé đã chỉ thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa của từ “lao động” khi mà chú không còn trái bầu tiên bên cạnh nữa…

Trái bầu là món ăn đại chúng ở châu Á. Bằng việc xây dựng một “nhân vật” hoạt hình xuất phát từ hình ảnh vốn rất thân quen với các em nhỏ, Trái bầu tiên có thể coi là bộ phim “thử nghiệm” của Walt Disney trong cuộc “tiến quân” vào thị trường điện ảnh khổng lồ dành cho thiếu nhi ở Trung Quốc.

Cách thực hiện Trái bầu tiên cũng là cách để Disney “lách” quy định hiện hành của ngành điện ảnh Trung Quốc: cho phép nhập khẩu mỗi năm chỉ 20 bộ phim nước ngoài; hơn nữa, phim hoạt hình nước ngoài không được phép chiếu trên các đài truyền hình vào “giờ vàng” dành cho thiếu nhi. Là bộ phim nói tiếng Hoa, lại là sản phẩm hợp tác với một hãng phim trong nước, Trái bầu tiên không “bị” xếp loại là phim nước ngoài.

Trong phim, những cảnh hoạt hình đan xen với các “pha” diễn xuất của diễn viên thực thụ. Phim được quay ở thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang, “thủ phủ” của ngành sản xuất các chương trình hoạt hình Trung Quốc. Hãng phim Centro Digital Pictures của Hồng Công – từng tham gia làm các bộ phim Kill bill, Vô Cực, Kungfu Hustle, Mãn thành hoàng kim giáp - đảm nhiệm việc thực hiện các hiệu ứng đặc biệt.

Khai thác kho tàng văn hóa địa phương

Người đại diện của Disney ở Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi rất ngưỡng mộ và tôn trọng nền văn hóa hàng ngàn năm của Trung Quốc”. Nhưng điều này cũng không ngăn cản Disney thực thi chiến lược làm “ngập lụt” thị trường nước này với các sản phẩm của họ: DVD, truyện tranh, các sản phẩm mang hình ảnh chuột Mickey, vịt Donald. 4.200 điểm bán các sản phẩm “ăn theo” phim hoạt hình của Disney rải khắp 25 thành phố lớn của Trung Quốc.

Một trò chơi trực tuyến với các nhân vật của Disney cũng đã được đưa vào kinh doanh. Công viên giải trí Disney Hồng Công mở cửa năm 2005… Dẫu vậy, Disney cũng nhìn nhận rằng hình ảnh các nhân vật “ngôi sao” của họ vẫn chưa thật sự phổ biến ở Trung Quốc, họ còn phải làm việc cật lực để có thể “cắm chân” được vào thị trường đầy hứa hẹn này. Việc sử dụng những câu chuyện cổ tích của nước sở tại cùng những nhân vật rất gần gũi với các em nhỏ là một trong những “chiến thuật” nhằm thực hiện mục tiêu đó.

Câu chuyện về trái bầu kỳ diệu đã từng được Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc chuyển thể thành phim hoạt hình năm 1963. Kể từ bộ phim Lion King năm 1995, cho tới nay đã có khoảng hai chục bộ phim của Walt Disney được chính thức công chiếu ở Trung Quốc. Disney hy vọng Trái bầu tiên sẽ làm nên điều kỳ diệu!

Về phía Trung Quốc, những người làm phim hoạt hình nước này cũng hy vọng rằng sự phối hợp giữa các yếu tố hợp tác quốc tế, kinh nghiệm làm phim hoạt hình của nước ngoài, chuyện phim rút ra từ nền văn hóa nước nhà… sẽ góp phần làm cho ngành hoạt hình đầy tiềm năng của Trung Quốc phát triển nhanh chóng.

Ngọc Hà ( Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục