Sách cho người trẻ và người trẻ đọc sách

Xuất bản và phát hành sách hiện nay rõ ràng đang chịu sự chi phối của tính chất “thị trường”. Người đọc với nhiều nhu cầu, sở thích, khả năng… có thể tìm mua, tìm đọc những thể loại sách khác nhau và các nhà xuất bản, công ty làm sách chính là để đáp ứng nhu cầu đó.

Xuất bản và phát hành sách hiện nay rõ ràng đang chịu sự chi phối của tính chất “thị trường”. Người đọc với nhiều nhu cầu, sở thích, khả năng… có thể tìm mua, tìm đọc những thể loại sách khác nhau và các nhà xuất bản, công ty làm sách chính là để đáp ứng nhu cầu đó.

Nếu để phát triển theo đúng quy luật thị trường thì từng đơn vị sẽ xác định “phân khúc khách hàng” của mình, họ sẽ toàn quyền lựa chọn sản phẩm mang đến cho khách hàng và nhờ vậy họ sẽ có trách nhiệm với khách hàng, với chính mình.

Nhìn nhận một cách khách quan thì hiện nay thị trường sách khá lành mạnh, bởi nhiều công ty, nhà xuất bản có trách nhiệm với sản phẩm của mình và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Mặt khác, người đọc nói chung và người đọc trẻ nói riêng đều biết lựa chọn và họ có nhiều sự lựa chọn. Quan trọng là “người lớn” chúng ta nhìn nhận việc đọc của người trẻ và cùng đọc sách với người trẻ như thế nào!

Ở Hội sách TPHCM cuối tháng 3-2014 kết thúc sau 1 tuần, người đến xem, mua nườm nượp giữa cái nắng không kém phần gay gắt. Ở Hà Nội, hội sách cũng được tổ chức vào tháng 5-2014 giữa những ngày đường ướt nhà ẩm, người xem, người mua vừa đủ tạo ra không khí chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất. Cả hai nơi, dù mua bán nhiều hay ít, người trẻ cũng là thành phần chính: độc giả trẻ, nhà văn trẻ, chủ đề sách trẻ, sách bestseller cũng của người viết trẻ… có cảm giác bây giờ là “thời sách trẻ”.

“Thời sách trẻ” cho ta biết giới trẻ viết gì và đọc gì, tức là những điều người trẻ muốn chia sẻ và quan tâm. Nó cũng đặt cho chúng ta những câu hỏi: Vì sao người trẻ chưa hay không có nhu cầu khác ngoài những gì đã viết, đã đọc? “Sách trẻ” - người trẻ viết cho người trẻ đọc - đã có từ lâu, nhưng “thời sách trẻ” như hiện nay liệu có tồn tại lâu không hay chỉ là trào lưu nhất thời?

Những cuốn sách bán chạy trong khoảng 1 năm nay của những tác giả trẻ, có thể nói phần nhiều là tác phẩm từ Mạng ảo bước ra Đời thực. Thế giới “Sách trẻ” cũng giống như thế giới mạng. Có cuốn sách như một mẩu status (viết ngắn trên mạng xã hội) buông ra tức thời, người đọc cảm nhận ngay niềm vui nỗi buồn hay sự bức xúc bực mình của người viết... Nó tác động tức thời và người đọc có thể bày tỏ thái độ như like hay comment trên facebook. Có cuốn sách lại như một note (ghi chú) mà người viết dày công suy nghĩ đắn đo khi đặt bút, người đọc có thể chưa vội like hay comment. Họ phải ngẫm nghĩ, phải đọc đi đọc lại rồi có khi bị thôi thúc tự mình cần viết ra một note mới. Tác giả cũng vậy. Có người viết bất cứ gì cũng có hàng trăm like cộng hàng chục comment, nhưng có người thì không vậy, họ chỉ cần một nhóm bạn thân chia sẻ và trao đổi. Có người nổi tiếng từ những status hóm hỉnh mà sâu sắc thì cũng có người nổi tiếng từ những note “sến rện” chuyện tình đầy ắp cảm xúc mà ai cũng có một thời như thế.

Cũng giống như trên các mạng xã hội... nhiều cuốn sách như những status “trôi về ngày cũ” đi vào lãng quên. “Độc giả cũ có nhu cầu mới” để rồi những cuốn sách mới, tác giả mới lại xuất hiện. “Văn học mạng” với đặc trưng là sự tương tác của nó với bạn đọc giúp tác phẩm hoàn thành nhanh hơn và... bám sát thị hiếu người đọc hơn, một thời gần như bị coi là “vô giá trị” nay đang phát triển cùng với internet, nhất là ở những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội.

Thị trường sách đã chuyên nghiệp hóa từ người viết rồi nhà xuất bản và đến nhà phát hành thì sách cũng là một loại sản phẩm của thị trường này. Sách bestseller (bán chạy nhất) hay longseller (thời gian được duy trì bày bán lâu) đều cần cho người đọc, chúng có giá trị khác nhau vì đáp ứng nhu cầu, sở thích khác nhau của từng “phân khúc” độc giả. Ngay từng người cũng có thể thích cả hai, lúc này lúc khác. Tại sao nhạc trẻ, nhạc truyền thống và nhạc thính phòng cùng tồn tại như một điều hiển nhiên mà sách giải trí lại phải chịu cái nhìn “hạ cố” khi nó tồn tại cùng những kiệt tác văn chương hay sách tri thức khoa học? Trong xã hội người tiêu dùng “thường thường bậc trung” thường đông hơn người tiêu dùng cao cấp, nhu cầu về sản phẩm vật chất hay sản phẩm tinh thần cũng vậy.

“Văn hóa đọc” (tạm dùng khái niệm này, vốn là “lời nói” đã đi vào “văn bản”) được nhìn nhận từ hai khía cạnh: đọc bao nhiêu? (số lượng người đọc và số lượng sách đọc); và đọc thế nào? (đọc gì và đọc để làm gì?). Có nhiều sách để đọc và biết chọn sách để đọc luôn đi đôi với nhau. “Lượng” có chuyển thành “chất” hay không còn tùy thuộc vào chất lượng sách và cả chất lượng người đọc. Tuy nhiên, hiện nay nếu tác giả, tác phẩm nào bán chạy thì được nhà sản xuất (và đầu tư) lập tức đặt hàng để “đáp ứng nhu cầu độc giả”. Thị trường sách cũng có những sản phẩm “mốt” rồi nhanh chóng hết “mốt”, cũng có sản phẩm bán được đều đều nhưng chưa hẳn có giá trị “tuyệt vời”. Cho nên, để tạo nên những tuyệt tác không chỉ cần tài năng, bản lĩnh của nhà văn mà còn cần sự kiên nhẫn “chờ đợi” của nhà sản xuất và sự đòi hỏi ngày càng “khó tính” của người đọc nữa.

Trong khi chờ đợi những tuyệt tác thì chúng ta vẫn cần đọc. Thích “sách trẻ” hay “sách già” có gì khác nhau đâu, bởi vì ai đọc sách mà chẳng được sống thêm những cuộc đời mới.

TS NGUYỄN THỊ HẬU
Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Tin cùng chuyên mục