Sắm ca nô đi thăm... cá

Sắm ca nô đi thăm... cá

Giữa lúc thiên hạ chưa ngớt bàn tán ì xèo xung quanh chuyện các “vua cá” ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) rủ nhau ôm tiền bán cá mua xe hơi đời mới bạc tỷ, thì nay mấy ông vua này lại chê xe, chuyển sang sắm ca nô cao tốc để tiện… đi thăm ao nuôi cá.

Chiếc ghe tam bản vừa nổ máy định băng qua sông Hậu thì ông Tám lái đò vội lật đật giảm ga, quay mũi vào bờ. Liền theo đó, một chiếc ca nô cao tốc phóng vụt qua, sóng vỗ ầm ầm, nước văng tung tóe. Ông Tám chắt lưỡi, than: “Chút xíu nữa là nguy với nó, ca nô của mấy ông đại gia nuôi cá tra trên cồn, ngày nào cũng phóng vèo vèo dậy sóng như vậy đó”.

Chê xe hơi... sắm ca nô

Sắm ca nô đi thăm... cá ảnh 1

Ông Võ Minh Phương đang chăm sóc ca nô 85 mã lực

Nhắc chuyện sắm ca nô của mấy ông “vua cá”, ông Lê Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, nói ngay: “Phương tiện đi lại hiện đại này mới xuất hiện ở cù lao hồi năm 2006. Tới nay cả xã đã có 22 chiếc có động cơ từ 60 mã lực trở lên, trong đó có 2 chiếc máy 115 mã lực, 5 chiếc 60 mã lực, còn lại là  máy 85 mã lực. Nhiều nhất là ấp Lân Thạnh với 10 chiếc. Hiện tại còn nhiều chủ ao cũng đang muốn sắm ca nô…”.

Ông Huấn đi cùng chúng tôi đến nhà ông Võ Minh Phương, chủ 2 chiếc ca nô ở ấp Phước Lộc.  Trong con mương nhỏ bên bờ rạch chợ Tân Tây, 2 chiếc ca nô của ông Phương đang nằm trú nắng, chiếc lớn 6 chỗ ngồi, máy Yamaha 85CV chạy xăng, chiếc nhỏ máy 40CV chạy dầu diesel. Vừa lau chùi chiếc máy Yamaha bóng dợn, ông Phương cười khà khà: “Bây giờ ca nô cao tốc là số 1 ở cù lao này. Chỉ có nó mới cặp được vào các ao cá ven sông Hậu, xe hơi đời mới máy lạnh làm sao ra được bờ ao?”. Ông Phương kể: Chiếc ca nô đầu tiên ở Tân Lộc do ông Trần Phước Đời ở ấp Lân Thạnh tậu khoảng giữa năm 2006, máy diesel 40CV. Sau đó các đại gia nuôi cá ở Tân Lộc bắt đầu đua nhau sắm ca nô vì phát hiện loại phương tiện di chuyển này vừa sang trọng vừa tiện lợi để đi thăm các ao nuôi cá ven sông Hậu.

Những “đại gia ca nô” ở Tân Lộc cho biết vỏ tàu bằng composite được đặt mua ở Cà Mau, còn động cơ thì đặt mua của chi nhánh Yamaha Kiên Giang. Tuy nhiên, phần lớn ca nô ở Tân Lộc đều gắn động cơ đã qua sử dụng nên giá tương đối rẻ: chiếc 60CV giá khoảng 65 triệu đồng,  85CV giá 75 triệu, 115CV giá khoảng 140 triệu đồng. “Siêu sao” trong làng ca nô Tân Lộc là chiếc 115CV hàng nhập khẩu “đập thùng” nguyên chiếc giá hơn 10.000 USD của ông Sơn, chủ hiệu buôn Lộc Phát từ thị trấn Thốt Nốt qua cù lao mua đất nuôi cá. “Hiện nay, Tân Lộc có cả trăm chủ ao cá nên nhu cầu mua sắm ca nô làm phương tiện đi lại khá lớn. Bằng chứng là trên địa bàn Thốt Nốt đã xuất hiện 2 điểm bán ca nô ở xã Trung Kiên và xã Thới Thuận”, Phó Chủ tịch Huấn cho biết. Tuy nhìn nhận ca nô là phương tiện đi lại tối ưu nhưng các đại gia nuôi cá ai cũng ngán ca nô “uống xăng” như… uống bia. “Ca nô rẻ hơn xe máy lạnh nhưng tốn xăng kinh hồn. Chiếc 60CV chạy 100km hết 25 lít xăng, chiếc 85CV “uống” 30 lít và chiếc 115 ngốn 35 lít là giá chót. “Lúc đầu tôi sắm chiếc 115CV nhưng nuốt xăng dữ quá nên tôi bán, mua lại chiếc 85CV”, ông Phương nói.

Chạy lụi

Thật bất ngờ là tất cả những ông đại gia ca nô ở Tân Lộc đều không có miếng giấy lận lưng khi điều khiển phương tiện giao thông thủy được xếp vào loại có độ nguy hiểm cao này: Không đăng ký, đăng kiểm, không có bằng lái… Chúng tôi hỏi chuyện học lái ca nô, ông nào cũng cười khà khà: Dễ ẹc, khi giao hàng thì nơi bán ca nô cử người đến dạy lái, sử dụng các bộ phận điều khiển, trong vòng 4-5 ngày là có thể lái. “Nếu máy móc trục trặc thì chỉ a lô một phát là có người tới kéo về sửa chữa. Nhưng chỉ dám chạy quanh quẩn từ nhà ra ao cá thôi, không dám đi đâu xa vì sợ CSGT bắt được thì chịu chết”.

Phó Chủ tịch Lê Văn Huấn cũng cho rằng, việc các ông chủ ca nô điều khiển phương tiện mà không có bằng lái, không đăng ký phương tiện là  nguy hiểm. “May mà lâu nay chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Trước thực trạng này, mới đây huyện đã yêu cầu xã lập danh sách chủ ca nô để có giải pháp quản lý chặt chẽ”, ông Huấn nói. Trong khi đó những ông chủ ca nô ở Tân Lộc cho biết, họ cũng bức xúc cảnh “chạy lụi” vì ngoài chuyện đi thăm ao cá thì chiếc ca nô còn là phương tiện giao thông tiện lợi và không nguy hiểm như đi xe gắn máy trên bờ, đặc biệt là sử dụng ca nô đi lấy tiền bán cá thì an toàn nhất. Sở dĩ mấy ông chủ ca nô ở Tân Lộc phải chấp nhận cảnh chạy lụi, trốn chui trốn nhũi CSGT vì hiện nay ở Cần Thơ không có nơi nào dạy lái và cấp bằng lái ca nô. Quá bức xúc, những tháng đầu năm 2007, mấy ông chủ ca nô Tân Lộc rủ nhau ôm hồ sơ xuống Kiên Giang, qua Đồng Tháp… xin học thi lấy bằng nhưng không nơi nào nhận. Ai cũng nói, “hễ nhà nước mở lớp dạy lái, thi lấy bằng là đăng ký học liền” vì đã quá ngán cái cảnh có tiền mua sắm tài sản mà khi mang ra sử dụng cứ lén lén lút lút như… ăn trộm. 

Mang chuyện “chạy lụi” của mấy ông ca nô Tân Lộc đến đội CSGT Công an huyện Thốt Nốt thì được thượng úy Huỳnh Ích Tân, phó đội trưởng, cho biết do đây là loại phương tiện giao thông mới xuất hiện trên địa bàn và không ai đăng ký  nên chưa quản lý được. Tuy nhiên, Ban an toàn giao thông huyện đã nhận ra sự nguy hiểm này nên đang yêu cầu các xã thống kê số lượng, sau đó hướng dẫn các chủ ca nô làm thủ tục đăng ký đăng kiểm và huyện sẽ phối hợp các ngành chức năng mở lớp học lái, thi lấy bằng cho các chủ phương tiện. 

P. Trương- A. Hùng

Tin cùng chuyên mục