Săn chình biển

Săn chình biển

Chình biển trong dân gian thường gọi là “thuồng luồng”. Loài cá không vảy giống như con lươn nhưng lớn hơn, bây giờ đang là món đặc sản trong nhiều nhà hàng cao cấp, vì thịt ngon, bổ, nên tại nhiều vùng biển, người ta đi săn chình biển ráo riết. Nghề săn chình biển khá mất công, nguy hiểm và thú vị với những huyền thoại xoay quanh loài “linh ngư” này.

Những câu chuyện về “thuồng luồng”

Cá chình giống như con lươn, không có vảy nhưng có vây rộng, bơi lội uyển chuyển và cực kỳ khỏe mạnh, sống dai. Chúng thường sống trong các hang, ghềnh đá – nơi có sóng biển đánh vào. “Cá tính” của chúng là rất hăng, ham mồi, di chuyển nhiều nên thịt rất chắc. Hồi nhỏ, tôi nghe nội tôi kể về loài thuồng luồng biển và khi lớn lên tôi mới biết chúng chính là loại cá chình.

Con chình biển dài 1m vừa săn được. Ảnh: Châu Phong
Con chình biển dài 1m vừa săn được. Ảnh: Châu Phong

Ngày xưa, ở một số vùng biển miền Trung, cho dù là huyền thoại nhưng khi nhắc đến loài thuồng luồng biển, ngư dân ai cũng có chút gì đó sờ sợ, vì có nhiều câu chuyện kể lại loài vật này đã gây bao tai ương cho người đi biển như thuồng luồng quật chết người, làm đắm ghe, rồi có chuyện “tình yêu” giữa thuồng luồng và người con gái bên bờ biển nọ… luôn luôn là những câu chuyện ly kỳ mà người đời truyền khẩu, nên nhiều người xem đó là vật linh, có người còn thờ cúng.

Còn chình biển bây giờ được các nhà hàng ưa chuộng, vì nó là thứ đặc sản ngon, hiếm và đang được thương lái thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc… 1kg thịt chình sống bán tại chỗ giá 50 ngàn đồng, đem vào TPHCM bán hơn 100 ngàn đồng, còn chế biến ra các món ăn thì đắt hơn gấp nhiều lần. Vì thế mà hiện nay, tại các vùng biển đã hình thành nhiều nhóm săn chình biển.

Đời săn chình biển thu nhập đủ sống nhưng lắm khó khăn và cũng gặp những chuyện ly kỳ không kém về huyền thoại của loài cá này. Hôm ra đảo Phú Quý (Bình Thuận), gặp ông Năm Huỳnh – một thợ săn cá chình nổi tiếng ở đảo Phú Quý. Bên ly rượu, ông kể cho tôi nghe một chuyện săn chình mà cho đến bây giờ ông không thể quên. “Hôm đó, tôi cùng người con trai chọn một ghềnh đá tương đối xa bờ để săn. Đang ngồi câu thì thấy có một con vật lạ, dài, theo con sóng bơi vào. Tôi không tin vào mắt mình, đó là con chình biển dài gần 3m có vẻ không sợ người mà còn nhô đầu lên khỏi mặt nước “ra oai”. Tôi kịp la lên cho thằng con trai đang ngồi săn cách đó không xa để hai cha con cùng vọt lên tảng đá cao để tránh. Thấy con chình to quá, biết không thể thắng được sức mạnh của nó, hai cha con tôi đành bỏ cuộc. Hơn 40 năm đi biển và cả chục năm làm nghề săn chình tôi chưa bao giờ gặp con chình nào to như thế”.

Anh Hải – một thợ săn chình ở mũi Đại Lãnh (Phú Yên), cho biết: “Bây giờ do bị săn bắt nhiều nên cá chình lớn không còn nhiều, chứ hồi kia, tôi đã từng săn được rất nhiều chình lớn. Có con to bằng bắp vế của người lớn, vác lên vai, nhưng đầu và đuôi của nó còn chấm đất”. Cũng theo anh Hải, cách đây chừng 10 năm, chỉ cần ra ghềnh một buổi, “bèo” nhất cũng săn được 5 – 7 con, nặng từ 3 – 7 kg/con. Lúc đó, thịt chình ít người ăn, mặc dù thịt của chúng ngon, bổ dưỡng nhưng dân biển “chê” vì làm mất công. Còn bây giờ thì chình bị săn bắt ráo riết nên hiếm dần. Vì vậy không phải lúc nào đi săn cũng được, có hôm ngồi săn cả buổi trời chẳng được con nào.

“Săn” chứ không phải “câu”

Giới bắt chình biển không dùng từ “đi câu” mà gọi “đi săn” chình. Vì bắt chình không dùng cần câu mà dùng dụng cụ giống kiểu đi săn bắt thú hơn. Quy trình câu cá chình khá lạ. Thợ săn dùng một một khúc gỗ nhỏ tròn, dài chừng 30cm, cột dây câu ở giữa khúc gỗ này. Dây câu dùng loại dây thắng của xe đạp, dài chừng 1m, gắn lưỡi câu. Lưỡi câu cũng phải dùng loại lưỡi câu lớn mới chịu đựng được sức giằng co của chình khi dính câu. Sau đó dùng một loại cá nhỏ còn sống móc vào lưỡi câu. Thợ săn còn dùng thêm một cây gỗ khác dài chừng 1m, trên đầu có gắn một mấu sắt thật nhọn để làm công cụ hỗ trợ.

Chình thường sống trong các hang, hốc, ghềnh đá nên người câu phải ngồi trên tảng đá, lấy mồi câu mài vào đá nơi tiếp mặt nước cho ra máu để tạo mùi tanh. Khi đánh mùi, chình sẽ từ từ bơi ra tìm mồi. Lúc này người săn lơi mồi cho cách xa mình ra để chình làm quen, đớp mồi và cũng để đảm bảo an toàn cho người săn. Cứ để cho chình nuốt mồi đến khi cảm thấy có thể giật câu được thì giật mạnh để lưỡi câu móc vào miệng chình. Lúc này chình lồng lộn rất dữ dội, người săn tiếp tục dùng cây gậy có mấu sắt yểm trợ, kéo lên, rồi dùng cây hay đá đập mạnh vào lưng cho chình tê dại.

Săn chình biển rất nguy hiểm, nếu không khéo sẽ bị chình cắn liền. Đã có người bị chình cắn đứt tay, chân rất nặng. Anh Quân, trưởng nhóm săn chình ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) kể lại, cách đây một năm, người bạn câu của anh khi thấy con chình dài chừng 1m vừa ló đầu ra khỏi hang. Thấy anh, nó thụt vào trong hang. Anh  quyết bắt nó nên chọn ngồi trên một tảng đá xăm xắp mặt nước trước miệng hang, lấy mồi dụ chình ra. Chừng 10 phút, anh nghe một cái “phập” vào chân mình. Ngón chân út và áp út đứt rất sâu, máu me đầm đìa. Thì ra trong lúc đang ngồi nhử con chình thì một con khác gần đó mà anh không để ý đã “bén mồi” trước, nhào ra “thịt” anh. Cũng theo anh Quân, người dân biển rất sợ chình cắn, vì trong răng của chúng có chất độc chống đông máu, nên khi người bị chình cắn máu cứ chảy suốt, không cầm được, nếu không cấp cứu thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Nghe đâu trong y học, người ta lấy nọc của chình biển để nghiên cứu sản xuất ra loại thuốc chống đông máu.

CHÂU PHONG

Tin cùng chuyên mục