Sân chơi cho thiếu nhi - Chưa thỏa niềm vui!

Với 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM, nếu có đầy đủ 24 trung tâm văn hóa và 24 nhà thiếu nhi hoạt động hiệu quả (chưa kể các khu vui chơi được hình thành từ các công viên, siêu thị, thư viện…) thì chắc chắn sân chơi dành cho thiếu nhi sẽ rất phong phú. Tuy nhiên, thực tế hiện nay dường như sân chơi dành cho thiếu nhi trên địa bàn thành phố chưa thỏa niềm vui cho các em nhỏ.
Sân chơi cho thiếu nhi - Chưa thỏa niềm vui!

Với 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM, nếu có đầy đủ 24 trung tâm văn hóa và 24 nhà thiếu nhi hoạt động hiệu quả (chưa kể các khu vui chơi được hình thành từ các công viên, siêu thị, thư viện…) thì chắc chắn sân chơi dành cho thiếu nhi sẽ rất phong phú. Tuy nhiên, thực tế hiện nay dường như sân chơi dành cho thiếu nhi trên địa bàn thành phố chưa thỏa niềm vui cho các em nhỏ.

  • Niềm vui chưa trọn...

Khi nhắc đến sân chơi dành cho thiếu nhi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vai trò của các nhà thiếu nhi. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống nhà thiếu nhi các quận huyện chưa phát triển một cách đồng bộ nên trẻ em luôn trong tình trạng thiếu sân chơi.

Theo ông Tạ Minh Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, lâu nay trẻ em ở đây rất thiếu sân chơi. Thậm chí, trên địa bàn quê hương 18 thôn vườn trầu đến nay vẫn chưa có nhà thiếu nhi để các em nhỏ lui tới học năng khiếu hoặc sinh hoạt, giải trí. Tình trạng thiếu thốn này nếu càng kéo dài thì càng thiệt thòi cho các em.

Sân chơi thử độ thông minh của các bé ở Nhà Thiếu nhi TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Sân chơi thử độ thông minh của các bé ở Nhà Thiếu nhi TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Cùng cảnh ngộ với Hóc Môn còn có quận Bình Tân. Với những địa phương chưa có được những cơ ngơi phục vụ tốt cho thiếu nhi như Hóc Môn, Bình Tân thì việc thiếu sân chơi bổ ích cho các em nhỏ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng hiện có một số nơi, khi có được những điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của thiếu nhi thì lại sử dụng sai mục đích hoặc để xuống cấp, lãng phí. Trong số này có thể kể đến Nhà Thiếu nhi quận 12 ở số 100 đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Hiệp Thành. Cơ sở này được xây dựng khá khang trang, nếu như được khai thác, sử dụng tốt sẽ là một sân chơi rất lý tưởng. Thế nhưng, hiện nay ngoài việc bố trí những phòng chức năng làm phòng học năng khiếu cho các em nhỏ thì nơi đây cho đối tác mở lớp học mầm non và tổ chức tiệc cưới!?

Khu vui chơi thiếu nhi ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh càng tệ hơn. Được biết, khu vui chơi này có diện tích 642m², được đầu tư xây dựng vào năm 2004 với kinh phí gần 140 triệu đồng và được Thành đoàn TPHCM hỗ trợ trang bị các trò chơi như đu quay, cầu tuột… Thế nhưng hiện nay khu này chẳng có trò chơi nào để thiếu nhi vui chơi, bởi tất cả đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Khi đặt vấn đề này với ông Trần Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, thì được lý giải: khi xây dựng công trình này do không tính toán đến người trông coi cũng như mái che cho các trò chơi và kinh phí bảo quản nên sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp. Khi được hỏi, vậy hiện nay trẻ em ở đây vui chơi thế nào thì ông Vinh cho biết: “Xã có sân bóng đá khoảng 3.000m² cho các em… đá bóng!”. Ở Bình Chánh, công trình văn hóa với nhiều trò chơi dành cho thiếu nhi trong khuôn viên di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò thuộc xã Tân Nhựt cũng đang rơi vào tình trạng… hoang tàn! Theo người dân nơi đây cho biết, đây là sân chơi duy nhất của trẻ em ở khu vực này nhưng đã hư hỏng từ nhiều năm nay nên các em có muốn vui chơi cũng chẳng biết tìm đâu. Điều đáng nói là cách khu vực trò chơi này vài chục mét có Trường Tiểu học Lê Minh Xuân 2 – nơi tập trung rất đông học sinh. Sau giờ tan học nếu có được sân chơi này thì thật đáng quý, nhưng tiếc thay!

  • Sẽ có đột phá?

Trước thực tế trẻ em thành phố đang thiếu những sân chơi, UBND TPHCM đã đề ra phương hướng thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015 với những hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá mới nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của thiếu nhi. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm các công trình văn hóa, thể thao cho thiếu nhi và công trình phúc lợi khác mà thiếu nhi cũng được thụ hưởng như: Nhà Thiếu nhi thành phố (cơ sở 2), Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, bảo tàng, nhà hát xiếc – rối. Đặc biệt, trong năm 2011, thành phố sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 10 khu vui chơi cho trẻ em ở các địa điểm: quận 6 (trong Công viên Phú Lâm cũ), quận 10 (trong Công viên Lê Thị Riêng), huyện Nhà Bè (trong Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên), huyện Bình Chánh (trong Công viên Văn hóa xã Bình Chánh), huyện Cần Giờ (trong Công viên thị trấn Cần Thạnh), Công viên Tao Đàn, Công viên 23 – 9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Gia Định, Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề thiếu niên thành phố. Ngoài ra, thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới 3 nhà thiếu nhi tại quận Tân Phú, huyện Hóc Môn và Bình Chánh.

Thiếu sân chơi, trẻ em tận dụng vỉa hè làm chỗ đá bóng. Ảnh: AN DUNG

Thiếu sân chơi, trẻ em tận dụng vỉa hè làm chỗ đá bóng. Ảnh: AN DUNG

Có thể nói, đây là những tín hiệu vui cho người dân thành phố. Qua chủ trương xây dựng những công trình văn hóa phục vụ thiếu nhi kể trên, phần nào cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đối với những mầm non tương lai. Tuy nhiên, điều mà nhiều người mong đợi là từ chủ trương như vậy sẽ sớm được hiện thực hóa, đưa vào cuộc sống như thế nào? Đồng thời, trước mắt, khi chưa xây dựng những công trình văn hóa này, thành phố nên tiến hành rà soát lại hệ thống các công trình văn hóa hiện hữu phục vụ thiếu nhi để kịp thời chấn chỉnh những yếu kém, hạn chế. Đặc biệt, với những công trình văn hóa hiện hữu phục vụ thiếu nhi đã xuống cấp, bỏ hoang, lãng phí cần sớm có giải pháp sửa chữa, nâng cấp, tạo dựng lại những sân chơi thật sự bổ ích, lành mạnh cho thiếu nhi. Nếu không, sẽ dễ rơi vào tình trạng như bấy lâu nay, có “sanh” mà thiếu “dưỡng” thì việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa phục vụ thiếu nhi tốn kém hàng trăm triệu đồng và thậm chí bạc tỷ cũng trở nên vô nghĩa!

ĐỖ HẠNH – HỮU VIỆT

Tin cùng chuyên mục