Theo điều tra dân số mới nhất, toàn TPHCM có hơn 8 triệu dân, chưa kể lực lượng lao động từ các tỉnh thành tạm trú. Trong số đó, có hơn 1,7 triệu trẻ dưới 16 tuổi, thế nhưng, theo Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân TPHCM, cả TP hiện chỉ có Công viên Khánh Hội tại quận 4 là có một sân chơi thiếu nhi đúng nghĩa. Quả là con số đáng giật mình.
Thời đại nào cũng thế, trẻ em cần phải có chỗ vui chơi, nhưng việc đáp ứng nhu cầu giải trí của các em dường như lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Tình trạng thiếu sân chơi đúng nghĩa của nhà nước dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều điểm vui chơi thiếu nhi do tư nhân tổ chức. Đi đến đâu, chỉ cần có một khoảng đất trống là có thể thấy vài bộ thú nhún điện, dăm ba trò chơi tàu hỏa điện, xe điện đụng… Thậm chí, nhiều nhà thiếu nhi cũng dành một góc cho tư nhân thuê để tổ chức khu vui chơi cho thiếu nhi. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư những sân chơi cao cấp dành cho những trẻ em gia đình khá giả với các công trình chuyên dụng đắt tiền, những không gian trang bị máy lạnh, nhà hàng, phòng tổ chức tiệc sinh nhật…
Nhận thấy nhu cầu rất lớn về sân chơi thiếu nhi trong nhân dân, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã xem đây như một cơ hội quảng bá hình ảnh, từ đó xuất hiện thêm một mô hình sân chơi thiếu nhi khác. Đó là những sân chơi do các mạnh thường quân, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tài trợ, những sân chơi này đều được lắp đặt trang thiết bị tương đối hiện đại, thường đặt ở các công viên, trẻ em được vui chơi miễn phí.
Việc xuất hiện tràn lan và tự phát với đủ loại phương tiện giải trí dẫn đến những mối lo ngại về tính an toàn. Tại nhiều siêu thị, khu vui chơi dành cho trẻ em đặt cạnh khu vui chơi của thanh niên với những tiếng la hét, tiếng súng, tiếng đánh nhau từ những trò chơi mạnh bạo dành cho tuổi trưởng thành. Các khu vui chơi ở công viên cũng gặp khó khăn riêng. Tiêu biểu như khu vui chơi thiếu nhi tại Công viên Tao Đàn do Tập đoàn Lever Việt Nam tài trợ thường xuất hiện một số phần tử xấu quấy phá, đánh nhau khiến phụ huynh lo ngại khi đưa con đến đây. Thế là với lý do an toàn cho trẻ em, chính quyền địa phương đã ra quyết định đóng cửa các khu vui chơi thiếu nhi tại các công viên Tao Đàn, Gia Định, Thảo Cầm viên…
Lý do có vẻ hợp lý, an toàn cho các em luôn được ưu tiên hàng đầu nhưng trước mắt thiếu sân chơi cho các em. Mặc dù TP đã dự kiến xây dựng 10 khu vui chơi tại các quận huyện nhưng không lẽ các em cứ phải đợi hàng loạt thủ tục, đấu thầu, triển khai dự án xây khu vui chơi? Đó là chưa kể 10 khu vui chơi liệu có đáp ứng được nhu cầu của 1,7 triệu thanh thiếu niên? Có lẽ là không đủ, để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em trong một TP lớn như TPHCM không chỉ trông chờ vào 10 khu vui chơi kia mà cần sự hỗ trợ của cả xã hội và trong đó nhà nước đóng vai trò đảm bảo trật tự, an toàn.
Không đủ những sân chơi đúng nghĩa với những không gian xanh, các em đành xây dựng một thế giới mộng mơ trong bốn bức tường và ngắm nhìn bầu trời qua ô cửa sổ nhỏ bé. Những cái sân chơi thiếu nhi dù của tư nhân hoạt động lâu nay hay những dự án sắp đến của nhà nước không phải nỗi lo hiện tại của các em. Đó là nỗi lo của những bậc phụ huynh mỗi cuối tuần không biết đưa con đi đâu chơi, của những nhà quản lý tìm đâu chỗ xây dựng khu vui chơi cho thiếu nhi, của những nhà giáo dục về tâm lý của thế hệ trẻ em bị gò bó trong không gian chật chội đô thị nơi thiếu đi những sân chơi… Sân chơi thiếu nhi nhưng lại là những nỗi lo cấp thiết của người lớn.
Tường Vy