Sân chơi văn hóa

Cứ 2 năm một lần, công viên Lê Văn Tám ở trung tâm TPHCM lại trở thành tâm điểm thu hút mọi người đi hành hương đến với sách. Sách cũ, sách vừa gửi lưu chiểu, sách hiếm, sách đại hạ giá, sách bìa cứng, sách bìa mềm, sách điện tử…, cả thế giới sách tề tựu tại đây giống như thỏi nam châm hút hồn và có cảm giác dường như tình người đang lấn át những toan tính vụn vặt của đời thường. Có người thở dài thì thầm: Giá như năm nào cũng có hội sách quy mô vậy thì chắc là sẽ bớt đi nhiều vụ tội phạm hình sự. Và ước gì con số thống kê mỗi người Việt chỉ đọc chưa được một cuốn sách trong năm không phải là con số thật để chúng ta không phải trăn trở khi thế giới công bố con số người Việt đứng tốp đầu các nước tiêu thụ bia rượu nhiều nhất với mức 3 tỷ lít bia/năm. Giá mà ngược lại thì cuộc sống sẽ ấm áp biết bao nhiêu.

Sinh thời, GS-TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, một học giả hàng đầu trong văn hóa học, nhất là mảng nghiên cứu về văn hóa dân tộc Mường, trong chuyến tham quan Tây Bắc đã thổ lộ cùng người viết rằng ông chỉ mong chúng ta có một sân chơi văn hóa đúng nghĩa và chỉ mong có nhiều người “ăn cắp” sách từ nhà ông.

Tôi tròn mắt ngắm người đàn ông vóc dáng cao to, với mớ tóc bạc dài phất phơ, có nét gì đó phảng phất danh họa trường phái siêu thực Salvador Dali và thầm nghĩ ông già này hay thật, trộm nó vào nhà đúng là chỉ bê đi tiền mặt (nếu có), rồi thêm mấy con xe cùng với giàn máy (nếu có - mà thường thì không có), còn sách trên kệ và tranh treo tường thì nó lại không thèm đếm xỉa. Tìm hiểu kỹ hơn mới hay trong căn nhà rộng chưa tới 50m2 của mình ở Kim Mã Thượng, TP Hà Nội, GS Phạm Đức Dương đã cho lấp kín bằng hơn 6.000 cuốn sách đủ loại kim cổ, Đông Tây và mở cửa miễn phí cho sinh viên đến học tập, nghiên cứu, kể cả cùng đàm đạo với thầy. Người ta nói rằng sách là của nả duy nhất của ông. Đi Liên Xô bảo vệ luận án tiến sĩ, người người “đầu đội áp suất, chân đi bàn là” còn ông khệ nệ mang về cả tạ sách. Rồi đi Campuchia người nào cũng tay cầm chục ký cá một nắng của Biển Hồ, riêng ông chỉ mang về duy nhất kỷ vật là vài trăm cuốn sách kinh Phật… Nhớ ông, chúng ta nhớ tới một thế hệ sống theo phương châm “không có sách là không có tri thức, không có tri thức là không có chủ nghĩa cộng sản” như lời dạy của V.I. Lênin; nhớ tới một thế hệ “chói lòa, đứng dậy” với vũ khí duy nhất là những cuốn sách mở ra con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bây giờ, có lẽ nhiều bạn trẻ không thể tin tại sao có người “mọt sách” đến vậy hoặc thậm chí còn nói là “hâm” hay sao, nhưng phải biết rằng - cũng theo một cuốn sách bày bán tại hội sách TPHCM - đất nước Israel trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp mà chúng ta đang học để ứng dụng (như công nghệ tưới tiêu) - phần nhiều là nhờ những người “hâm” như thế. Tác giả của cuốn sách - một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng là người Do Thái và định cư ở Israel - đã kể rằng khi cháy nhà thì đồ vật được người Do Thái ưu tiên cứu trước là… sách và không ngoài sách.

Rất tiếc, cuộc sống thời nay có quá nhiều cám dỗ từ truyền hình, thiết bị di động thông minh… đến các trang mạng xã hội để chia sẻ, nhưng không hiểu sao chúng ta vẫn nhớ tiếng sột soạt lần giở sách, nhớ mùi mực in còn phảng phất đâu đây trong gian phòng nhỏ. Lẽ nào tất cả giờ đây đã lùi sâu trong dĩ vãng? Trong nhiều cuộc hội thảo, các học giả đã nói nhiều về sự xuống cấp “đáng báo động”của văn hóa đọc - nghĩ khi nhiều giá trị không đáng được tôn vinh thì sách vở rất nhiều còn những giá trị đáng tôn vinh thì có sách vở cũng không được động viên để đọc và sách hay cũng rất ít. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng cơ bản nhất là nền giáo dục của chúng ta lâu gần như không khuyến khích học sinh đọc sách, chỉ chăm bẫm nhồi nhét kiến thức cho nên ngoài đọc giáo trình để thi thì không còn thời gian và hứng thú trau dồi kiến thức khác. Một vị giáo sư từng thổ lộ: “Chúng ta xuất phát từ nền giáo dục còn nhiều khiếm khuyết, mà lại mất đi văn hóa đọc thì còn nguy hiểm hơn những nước khác. Pháp, Nga chẳng hạn, nền văn hóa hùng mạnh, nền giáo dục tốt, nhưng thói quen đọc sách cách đây 20 năm hơn bây giờ nhiều. Bởi phương tiện nghe nhìn lấn át sách giấy. Nếu chỉ để biết thông tin thì thông tin nghe nhìn rất tốt. Nhưng để nghiên cứu, đọc thưởng thức thì đến bây giờ người ta thừa nhận giá trị rất lớn của sách giấy”. Âu rằng ông có lý và hội sách tổ chức định kỳ như ở TPHCM cũng là cách tôn vinh văn hóa đọc, kéo người đọc gần hơn với thế giới kỳ diệu mở ra qua mỗi trang sách. Nhưng căn cơ hơn, ngoài các hội hè bán sách giảm giá, cần phải xây dựng lại hệ thống thư viện từ cơ sở để ai cũng có thể tiếp cận với sách, thậm chí lập ra những thư viện miễn phí nơi người đọc có thể mượn sách về nhà đọc mà không sợ… mất sách. Phải coi thư viện như ngôi nhà thứ hai mà bước vào ai cũng thấy ấm cúng, sảng khoái như ai đó nói rằng 3 loại giấy tờ quan trọng nhất mà xã hội trao cho con người là giấy khai sinh, chứng minh thư và… thẻ thư viện.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục