HLV Võ Đình Tân của CLB Khánh Hòa vừa có một đúc kết rất thẳng thắn, rằng các cầu thủ nước ngoài khi mới sang Việt Nam đều là những cầu thủ chuyên nghiệp, xứng đáng là hình mẫu cho cầu thủ nội. Thế nhưng, chỉ cần đá 3-4 mùa tại Việt Nam, họ thậm chí còn tệ hơn cầu thủ Việt cả về phong cách thi đấu lẫn văn hóa sân cỏ. Theo ông Tân, nguồn gốc của căn bệnh bạo lực và phi thể thao trên sân cỏ Việt Nam đến từ môi trường làm bóng đá nghiệp dư của chúng ta.
Đi liền với những vụ việc nổi cộm về trọng tài và bạo lực sân cỏ nổi lên trong 5 vòng đấu khai màn V-League 2017 là sự sụt giảm đáng báo động về lượng khán giả. Trung bình chỉ có 5.000 người/trận ở 5 vòng đầu tiên, tức là kém hơn gần phân nửa so với cùng thời gian của các năm 2015, 2016. Thông thường, lượng khán giả ở giai đoạn đầu mùa bóng bao giờ cũng cao hơn tổng bình quân toàn giải, vì vậy, nếu không có gì thay đổi thì mùa giải 2017 sẽ chỉ có trung bình 3.500 người/trận, một con số thấp kỷ lục, mang ý nghĩa rất buồn. Điều đó khẳng định, sau hơn 15 năm khoác áo chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam chỉ đi xuống từ thành tích đội tuyển quốc gia cho đến sân cỏ nội địa.
Nhiều chuyên gia lâu năm như Trịnh Minh Huế, Vũ Mạnh Hải… đã chán nản mô tả: Sân cỏ ngày càng buồn hơn. Đầu tiên đó là sự đìu hiu trên những khán đài vốn có sức chứa trên 1 vạn chỗ ngồi ở các sân bóng Việt Nam. Không có khán giả, cầu thủ thi đấu cũng chẳng có động lực. Trong bối cảnh mà ý nghĩa lớn nhất của một mùa bóng tại Việt Nam chỉ gói gọn trong cuộc đua vô địch thì càng về sau, giải càng phát sinh nhiều trận đấu vô nghĩa, khán giả lại càng không muốn đến sân. Kế tiếp, các thông tin liên quan đến V-League hiện nay trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội đa phần đều là tiêu cực. 2-3 thập niên trước, bóng đá bao cấp chỉ loanh quanh nói chuyện “trụ hạng”, “mua - bán điểm số”… thì đến bóng đá đỉnh cao, cũng vẫn bàn tán nhau về chuyện “trọng tài”, “bạo lực”… Hình ảnh bóng đá đẹp, các ngôi sao về tài năng lẫn nhân cách ngày càng hiếm đi. Và cuối cùng, theo các chuyên gia, bóng đá Việt Nam hiện không còn khả năng sản sinh ra những cầu thủ giàu kỹ thuật, những đội bóng có cá tính trong thi đấu, nhưng lại dư thừa những sai lầm về chuyên môn, các quyết định yếu kém của trọng tài, các nhà điều hành. Khán giả đến sân hiện nay cũng chẳng khác gì 20-30 năm trước, vẫn phải đội mưa, đội nắng ngồi trên các bậc thềm xem xong rồi về, hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động bên lề để tương tác giữa đội bóng và các CĐV trung thành. Từ đó mới dẫn đến một nghịch lý: Nếu đội tuyển quốc gia thi đấu ở sân Thống Nhất thì không còn chỗ trống, nhưng khi các CLB TPHCM hay Sài Gòn FC ra sân thì lại “thiếu chỗ ngồi, thừa chỗ nằm”…
Bóng đá vốn dĩ là một trò chơi và là một loại hình giải trí hấp dẫn bậc nhất thế giới, là địa hạt thu hút nhiều nhất các nguồn tiền tiếp thị, quảng cáo… nhưng ở Việt Nam, sân cỏ lại “buồn hiu”, là một minh chứng cho sự lãng phí nguồn lực xã hội, về lâu về dài còn dung dưỡng cho các cái xấu thường nằm bên ngoài sân bóng, vốn dĩ là không gian nuôi dưỡng tinh thần thể thao.
“Sân cỏ buồn” là một khái niệm mới nhưng lại đáng được quan tâm bởi các nhà quản lý. Cứ mỗi khi nói đến chuyện “chấn hưng” bóng đá, người ta lại bàn đến công tác đào tạo, hô hào chống tiêu cực, hứa hẹn ngăn ngừa bạo lực, nâng cao chất lượng trọng tài… Đó là điều phải làm nhưng quá nặng về lý thuyết. Đợi đến khi bắt tay vào làm có khi sân cỏ chẳng còn khán giả nữa. Vì thế, tại sao không đặt ra mục tiêu dễ hơn, đó là làm sao cho sân cỏ vui hơn bằng những biện pháp khả thi như tăng ý nghĩa cho các trận đấu bằng quyền lợi vật chất để cầu thủ có động lực, buộc các CLB phải xây dựng và có trách nhiệm với Hội CĐV, trừng phạt mạnh tay trước hành vi bạo lực, bổ sung án phạt tài chính mạnh với các cầu thủ có hành vi phi thể thao…
Nói cho cùng, một trận đấu được tổ chức mà không biết làm sao để đem lại niềm vui cho người xem thì tổ chức để làm gì?
VIỆT QUANG