Quản lý chất lượng đối với sản xuất sữa
Theo đánh giá của Euromonitor International, năm 2014 doanh thu ngành sữa Việt Nam đạt 75 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20% và năm 2015 ước đạt 92 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Thế nhưng, đi kèm với những con số đầy tiềm năng ấy là thực trạng đáng lo từ phía người tiêu dùng: phần lớn người tiêu dùng đi mua sữa bột con trẻ đều khẳng định mình đã chọn được loại sữa phù hợp, bằng chứng là con tăng trưởng, hấp thu tốt, tuy nhiên trước những câu hỏi về nguồn gốc sản phẩm đã chọn, cũng phần lớn người đi mua sữa đều mập mờ.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường mới đây của Công ty Ipsos tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM cho thấy: 80% các bà mẹ cảm thấy không hoàn toàn tự tin khi chọn mua sữa bột cho con trong những lần đầu tiên. Sản phẩm dinh dưỡng từ sữa tại Việt Nam vẫn chưa có sự minh bạch về thông tin. Người tiêu dùng rất khó khăn để đối chiếu hoặc tự kiểm tra những thông tin cần biết về sản phẩm. Trong khi đó, hàng kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên thị trường, dễ gây nhầm lẫn để chọn loại sữa tốt cho con.
Nắm được nguồn gốc sản phẩm ngay từ khâu đầu tiên là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng
Chất lượng sản phẩm sữa gây nhiều hoang mang
Mới đây, trang mạng xã hội cá nhân của một bà mẹ ở Hà Tĩnh đã chia sẻ nhiều bức xúc về chuyện mua phải sữa ngoại kém chất lượng cho con uống khiến con bị dị ứng. Chị đã liên hệ với công ty nơi mua sữa nhưng chỉ nhận được thông tin sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm và đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Cũng trong thời gian gần đây, người tiêu dùng hoang mang trước một clip dài 1 phút 33 giây được chia sẻ trên mạng xã hội về việc sản phẩm sữa pha sẵn của một nhãn hàng bị vón cục dù vẫn đang trong thời hạn được lưu hành, trước sự chứng kiến của đại diện nhãn hàng tại Hải Phòng.
Dù các cơ quan chức năng đã có những cố gắng đáng kể trong việc quản lý chất lượng sữa, thực tế vẫn còn tồn tại hàng loạt vấn đề khiến người tiêu dùng hoang mang. Chẳng hạn như tình trạng sữa không rõ nguồn gốc, sữa nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sữa xách tay từ nước ngoài về không thể nào quản lý xuể…
Còn nhớ tháng 8-2014, các bà mẹ từng một phen chấn động trước sự kiện sữa kém chất lượng “tấn công” trường mầm non. Cụ thể, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tiền Giang công bố kết quả kiểm nghiệm sản phẩm dinh dưỡng cao cấp nguyên kem và phát triển chiều cao của một công ty sữa không đạt chất lượng nhưng đã vào được không ít trường mầm non tại TPHCM và các tỉnh nhờ… chiết khấu cao.
Các bà mẹ như “chết lặng” khi biết đây là các doanh nghiệp có giấy phép đầu tư với cơ quan chức năng chứ không phải hàng giả, hàng trôi nổi. Song, công nghệ chế biến lại theo kiểu thiết bị trộn bê tông mini của ngành xây dựng. Nguyên liệu sữa cũng mua trôi nổi từ chợ Kim Biên, sau đó được đưa vào “lu” trộn với hương liệu, đường, phụ gia, đóng hộp, đóng lon và được đặt nhãn hiệu toàn tiếng nước ngoài rồi bán ra thị trường!
Hiện trạng quản lý chất lượng sản phẩm dinh dưỡng trong nước
Hiện nay, về mặt lý thuyết, các sản phẩm sữa tại Việt Nam trước khi đưa ra thị trường đều được Bộ Công thương và Bộ Y tế xem xét cấp phép. Chất lượng của các sản phẩm sữa ở Việt Nam được cơ quan quản lý kiểm soát thông qua hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam, được ban hành năm 2010 sau khi tham vấn các Bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa và cả Ủy ban Codex Việt Nam để phù hợp với cả tiêu chuẩn của Việt Nam và Quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế quản lý được chất lượng sữa vẫn còn quá nhiều kẽ hở. Đơn cử như với các sản phẩm sữa xách tay không có tem phụ hướng dẫn sử dụng, không qua kiểm soát nhưng vẫn tràn lan lưu hành. Hậu quả, trẻ uống vào gặp phải phản ứng phụ, dị ứng, ngộ độc. Còn mẹ thì không biết kêu ai vì ngay cả cơ quan quản lý cũng không thể lập biên bản, yêu cầu một đơn vị nào chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng ngay cả những sản phẩm sữa đã có nhãn mác rõ ràng hoặc thuộc thương hiệu lớn trên thị trường Việt Nam hiện nay vẫn chưa cung cấp đầy đủ những thông tin quan trọng, quyết định chất lượng sữa để người tiêu dùng tự kiểm định sản phẩm, từ nguồn gốc của nguồn sữa tươi nguyên liệu, cách thu hoạch, bảo quản và sản xuất sữa bột nguyên liệu, công thức dinh dưỡng của sản phẩm, quy trình quản lý chất lượng sản xuất thành phẩm và kiểm định chất lượng.
Rất nhiều nhãn hàng sữa danh tiếng hiện tại không ngừng khẳng định với người tiêu dùng về sự an toàn tuyệt đối, đảm bảo chất lượng từ khâu nguyên liệu đầu tiên đến khâu vận chuyển, bảo quản cuối cùng khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, tất cả những thông tin cụ thể về các quy trình này đều chưa thật sự được công bố rõ ràng. Cụ thể, khi cần đối chiếu, truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng gần như rơi vào “mê trận” khi thông tin trên website chính thức của các hãng sữa luôn dừng ở mức chung chung, không thể tìm ra thông tin chính xác.
Không tự nắm được thông tin và khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng chọn mua song lại không thật sự tin tưởng vào sản phẩm đang dùng. Đứng ở góc độ doanh nghiệp sữa, khi người tiêu dùng có yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết sản phẩm sữa, doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố trung thực và tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng những thông tin ấy. Thiết nghĩ, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh để minh bạch thông tin, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm mình đang dùng.
HOÀNG THÁI