Trước thực trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không phát triển hoặc phá sản do không tìm được những giải pháp phát triển bền vững, yêu cầu đổi mới sản phẩm được xem là bước đi quan trọng để các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.
Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Hồng Long, điều phối viên khu vực dự án SPIN (sản phẩm bền vững), cho biết, phần lớn các doanh nghiệp nhận ra rằng không quá khó để đổi mới sản phẩm bền vững mà vẫn đảm bảo được năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp được nâng cao năng lực và tạo động lực để hành động, bắt tay vào quá trình còn mới mẻ này bằng những kiến thức và công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và tận dụng được nguồn thải vào việc tạo ra nguyên vật liệu cho sản xuất. Và điều quan trọng hơn là người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm sạch. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợp, giảng viên Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam cũng cho biết, đổi mới “xanh” là tạo ra một mô hình kinh doanh cạnh tranh hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh thái tự nhiên.
Đổi mới “xanh” đòi hỏi phải có một sự kết hợp giữa việc cải tiến phát triển sản phẩm mới (hàng hóa, dịch vụ), quy trình sản xuất, cơ cấu tổ chức hay giải pháp tiếp thị với việc giảm thiểu tác động có hại đến môi trường bằng cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên. Không dừng lại ở đó, việc đổi mới sản phẩm sẽ giúp các doanh nghiệp đón đầu xu thế các quy chuẩn. Các quy định và tiêu chuẩn ngày càng trở nên nghiêm ngặt (cả hai khía cạnh về sử dụng tài nguyên và kiểm soát quy trình sản xuất kinh doanh). Bằng việc áp dụng chiến lược đổi mới “xanh”, các công ty sẽ đổi mới bằng việc dùng đúng nguyên vật liệu, công nghệ và quy trình sản xuất kinh doanh hiệu quả và kiểm nghiệm các giải pháp mới đem đến cho người đi trước lợi thế to lớn. Chiến lược đổi mới “xanh” cũng mang lại ảnh hưởng tích cực về uy tín cho công ty và mang lại cơ hội ảnh hưởng lên các quy chuẩn mới trong tương lai.
Lợi ích được nhân đôi
Theo TS Fredric William Swierczek, Giám đốc Viện Công nghệ châu Á, khi các công ty thực hiện đổi mới sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như công ty không chỉ tạo thêm giá trị từ các sản phẩm và dịch vụ mà còn gia tăng cơ sở khách hàng bằng cách thâm nhập vào những thị trường mới. Nhu cầu của các thị trường chưa khai phá mà ở đó có nhu cầu nhưng hiện tại chưa có giải pháp. Loại khách hàng mới mà trước kia chưa tiếp cận được hay chưa phải là mục tiêu của công ty trước kia. Ông dẫn chứng, kết quả của việc phân tích chu kỳ sản phẩm của Công ty Coca-Cola đối với 3 nhãn hàng dẫn đầu đã chỉ ra rằng đóng gói là một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng đóng góp vào việc tăng lượng khí thải. Công ty đã đưa ra một loạt các sáng kiến nhằm giảm từ 25% - 50% trọng lượng sản phẩm. Việc này giúp họ tiết kiệm 180 triệu USD trong vòng 2 năm. Công ty đóng gói ‘PlantBottle’ của Coca-Cola đã thực hiện một phần dự án này, giúp giảm được 100.000 tấn khí carbon kể từ năm 2009; hay Chương trình Năng lượng sản xuất và khí thải carbon của Công ty Nike giúp các nhà thầu phụ giảm 6% lượng khí thải carbon từ năm 2008 đến 2011, mặc dù sản lượng tăng 20%.
Một câu hỏi cơ bản của các công ty đổi mới “xanh” là làm thế nào mang lại giá trị “xanh” cho khách hàng theo cách vừa mang lại lợi nhuận tốt nhất vừa sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất và có trách nhiệm xã hội cao nhất. Các chuyên gia đã đồng tình rằng, “Thiết kế xanh” chính là giải pháp hữu hiệu nhất để đáp ứng yêu cầu này. “Thiết kế xanh” là kết hợp với việc xem xét khía cạnh môi trường vào công tác thiết kế và phát triển sản phẩm nhằm cải thiện chất lượng qua toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Hầu hết các tác động về môi trường có thể tránh được triệt để ở giai đoạn thiết kế sản phẩm. Chủ động xem xét các yếu tố bền vững ngay từ đầu sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ, thiết kế sẽ cho biết loại nguyên liệu nào sử dụng và phương pháp sản xuất nào được áp dụng. Nó cũng ảnh hưởng đến việc tái sử dụng, tái chế hay hủy bỏ.
Có thể thấy rằng, bên cạnh các hoạt động liên quan đến công nghệ môi trường như xử lý nước thải, lọc khói bụi, tái chế phế liệu... xu hướng đổi mới sản phẩm cũng đang là xu thế chung trên thị trường thế giới. Lựa chọn đi theo xu hướng này sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều khách hàng, cũng như thị trường xuất khẩu rộng hơn, thậm chí có thể thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Với một mô hình vừa giúp kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động, vừa mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh thì rất cần sự quan tâm thích đáng của doanh nghiệp trong nước.
MINH HẢI