Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong nhiều nội dung của chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm. Với người đứng đầu, phải tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp...
Công tác cán bộ luôn là yếu tố quyết định thành bại trong mọi công việc, từ lớn đến bé; nhất là đối với những cơ quan, bộ máy nhà nước và doanh nghiệp lớn.
Thời gian qua, việc bổ nhiệm cán bộ trên cơ sở “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ” đã diễn ra và kéo dài, là do cán bộ làm sai, nhưng lại được bao che, hoặc có xử lý cũng chưa nghiêm minh. Đó cũng là điều mà nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần lên tiếng, mong muốn dẹp bỏ vấn nạn này, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo các cấp, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo và cán bộ công nhân viên chức Tập đoàn VNPT hồi tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước mắc căn bệnh “sân sau và người nhà” rất nặng. Đây là căn bệnh không hề mới và xa lạ, xảy ra phổ biến không chỉ ở các doanh nghiệp mà ngay nhiều bộ, ngành cũng mắc phải. Với căn bệnh đó, hàng loạt doanh nghiệp được hình thành và luôn là “sân sau” của những cá nhân hay nhóm lợi ích, sẵn sàng chi phối, thao túng hoạt động của một hay nhiều doanh nghiệp, thậm chí là lĩnh vực nào đó. Sẽ không thể có chuyện “tìm người tài chứ không tìm người nhà”, khi lợi ích cá nhân được đặt lên cao hơn lợi ích tập thể trong bất cứ hoạt động nào. “Sân sau và người nhà”, đã là một căn bệnh trầm kha, đang làm méo mó nhiều lĩnh vực của hoạt động kinh tế của Việt Nam. Chính căn bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí của công đang hoành hành ở xã hội hiện nay. Vụ án ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, rồi những lùm xùm quanh công tác cán bộ của Bộ Công thương nhiệm kỳ vừa qua... chính là biểu hiện của căn bệnh này. Nó không chỉ làm tổn thất về kinh tế mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Vậy làm gì để tránh và chống được căn bệnh “sân sau và người nhà”? Chắc chắn phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Khi mọi đảng viên, cán bộ, người lãnh đạo toàn tâm, toàn ý vì dân, vì nước, sẽ miễn nhiễm với căn bệnh này. Nói cách khác, mọi đảng viên nếu làm đúng Điều lệ Đảng, thực hiện đúng lời thề khi vào Đảng, thì chắc chắn chuyện “sân sau, người nhà” sẽ không diễn ra. Đấu tranh chống căn bệnh này, cũng là đấu tranh chống lợi ích nhóm đang làm trì trệ sức phát triển của đất nước. Đấu tranh với “sân sau và người nhà” cũng là để làm lành mạnh, minh bạch việc quản lý, điều hành các tổ chức trong xã hội. Chỉ khi nào đẩy lùi được căn bệnh này, thì mới có thể xây dựng đất nước vững bền!
TRẦN LƯU