Trước sự kiện cơ quan chức năng đánh sập hàng loạt sàn vàng ảo, dư luận thắc mắc đặt câu hỏi: Vì sao dù bị cấm nhưng các sàn vàng ảo vẫn hoạt động và lừa đảo được rất nhiều người, gây thiệt hại lớn như vậy?
Thật ra ngay từ thời điểm các sàn vàng ảo trong nước bị đóng cửa, việc lừa đảo đầu tư vàng ảo vẫn diễn ra. Vụ Quản lý ngoại hối (thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã phát đi thông cáo khẳng định: Mọi tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch vàng tài khoản hay kinh doanh ở trong nước và nước ngoài khi chưa được phép đều là hành vi vi phạm quy định của pháp luật; đây là hoạt động đầu cơ, làm giá gây lũng đoạn thị trường vàng. Thế nhưng nhiều người vẫn lao vào sàn vàng ảo để tìm lợi nhuận.
Với cách thức thuê hoặc mua máy chủ ở nước ngoài, một số công ty đầu tư tài chính đẩy mạnh hoạt động môi giới sàn vàng ảo, hoạt động trá hình bằng hình thức huy động góp vốn kinh doanh hàng hóa, nhưng thực tế không có hàng hóa gì ngoài kinh doanh vàng tài khoản. Ngoài hứa hẹn trả lãi suất cao và trả nhanh, các công ty này còn xây dựng trụ sở công ty lớn, trang thiết bị hiện đại... nhằm tạo vỏ bọc khiến khách hàng tin tưởng, rồi rầm rộ mời gọi, chiêu dụ mở tài khoản. Các sàn vàng thường đưa ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn như tặng tiền vào tài khoản bằng số tiền ký quỹ, giảm hoặc miễn phí giao dịch...
Do hoạt động ngoài vòng pháp luật, nên thực tế nhiều chiêu “cờ gian, bạc lận” đã được nhà cái tung ra, nhiều sàn vàng có thể quyết định thắng thua trong việc xử lý các giao dịch từ đặt lệnh, nhận lệnh… của khách hàng, tác động để lệnh nhanh hay chậm hơn, làm sai lệch kết quả, khiến khách hàng sẽ khó thắng, nếu thắng cũng khó lấy được tiền, vì nhà cái dùng chiêu xóa lịch sử giao dịch, mạng ngưng hoạt động, lỗi mạng… Đã có rất nhiều đơn tố cáo của khách hàng về các sàn vàng móc túi người chơi, nhưng đòi lại tiền không dễ. Thực tế mọi hoạt động giao dịch trên các sàn kinh doanh vàng đều là hành vi trái phép và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên người mạo hiểm tham gia hầu như cầm chắc lỗ.
Trong tình hình đó, Bộ Công an đã mở rộng điều tra, xử lý những sai phạm của các sàn vàng chui đang núp bóng dưới hình thức các công ty đầu tư tài chính. Nay nhiều người đã đầu tư vào sàn vàng ảo đang tỉnh ngộ nhận ra sàn vàng ảo chính là cạm bẫy thật. Điều đáng nói là cạm bẫy này cũng chẳng mới, chẳng có gì là tinh vi, vẫn dùng bẫy là những vỏ bọc thanh thế giả tạo của công ty và mồi nhử là lợi nhuận khủng. Cũng giống như đánh bạc, những người tham gia chơi đều biết là đang tham gia một hoạt động trái phép, nên dễ bị gian lận, lừa đảo, khi xảy ra tranh chấp sẽ không được luật pháp bảo vệ, nhưng vẫn liều lĩnh tham gia, vì máu mê, vì tham vọng lợi nhuận. Thậm chí có rất nhiều khách hàng sau thời gian kinh doanh trên sàn vàng ảo đều thua lỗ, nên nghi ngờ nhà cái có sự can thiệp vào phần mềm, nhưng rồi phóng lao phải theo lao, do đã lỡ cam kết không được rút vốn trước kỳ hạn.
Bài học chính từ sự kiện sập hàng loạt sàn vàng ảo là người đầu tư cần hết sức tỉnh táo, không đầu tư vào những hoạt động trái phép để tránh bị thua thiệt. Một bài học khác cũng cần xem xét là sự thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn hoạt động trái phép của các sàn vàng ảo. Trách nhiệm quản lý sàn vàng, sàn giao dịch ngoại hối thuộc Bộ Công an, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước, thế nhưng sàn vàng ảo vẫn hoạt động kéo dài suốt 5 năm qua. Hiện nay, trên cả nước vẫn còn hàng chục sàn vàng ảo đang núp bóng dưới hình thức các công ty đầu tư tài chính. Rất cần có những biện pháp quản lý hữu hiệu hơn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo khách hàng, và thông tin đầy đủ để người dân ý thức, không sa vào các phương thức đầu tư liều lĩnh trái pháp luật.
HUỲNH THANH LUÂN