Da giày là ngành hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên nhiều năm nay da giày phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu (NK) từ nước ngoài, với tỷ lệ NK lên đến 70%-80%. Với xu hướng mới trong thương mại quốc tế cùng với nỗ lực phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ nội địa hóa đang gia tăng, nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước cho sản xuất XK đạt khoảng 55%. Tại nhiều doanh nghiệp (DN), tỷ lệ nội địa hóa đạt đến 80%.
Dùng nguyên phụ liệu trong nước
Ông Nguyễn Chí Trung, Tổng Giám đốc Công ty Giày Gia Định đánh giá, việc làm chủ được nguồn cung tại chỗ, giảm NK sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN trong nước. Ngoài việc gia tăng giá trị hàng hóa, lợi nhuận tốt hơn, DN cũng đỡ tốn nhiều chi phí khác nếu như phải NK nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Gia Định chủ yếu sản xuất giày thời trang nữ, XK 100%, thị trường EU chiếm khoảng 60%, 40% còn lại XK vào Mỹ và một số nước châu Á. Trong đó, tỷ lệ làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) khoảng 50%. Hiện Gia Định sử dụng 70% nguyên phụ liệu trong nước sản xuất.
Tại buổi làm việc mới đây của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân với Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), lãnh đạo Biti’s cho biết tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu ở các khâu của DN ngày một tăng lên, tuy nhiên, các loại hóa chất dùng cho sản xuất vẫn còn NK 40%. Biti’s là một trong những thương hiệu giày dép Việt Nam thành công trong cả XK và tiêu thụ nội địa.
Trong năm 2011, Biti’s sản xuất 20 triệu đôi giày, tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 65%. Sản phẩm XK đến 40 quốc gia, đặc biệt Biti’s có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc trong 15 năm qua, từ XK 1.000 - 2.000 đôi năm 1995, đến nay mức tiêu thụ đã tăng lên 2 triệu đôi.
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), ngành đã chủ động được phần lớn nguồn nguyên phụ liệu trong sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đang tăng nhỉnh hơn so với những năm trước. Mức NK nguyên phụ liệu chỉ khoảng 45% trên tổng giá trị nguyên liệu sản xuất giày và túi xách trong nước.
Trong đó, trong nước gần như chủ động hoàn toàn các loại phom giày, chỉ trừ một số DN FDI phải NK do có sự phân công lao động trong tập đoàn mẹ. Các loại đế, gót giày tuy phải còn NK vật liệu thô như hạt nhựa, các trợ chất nhưng hầu hết DN Việt Nam đã chủ động được công nghệ sản xuất đế, gót giày.
Đặc biệt, DN trong nước đã chủ động được gần 100% đối với đế cao su. Về phụ liệu trang trí cũng đã chủ động được nhưng cũng còn NK đến 40%-45%. Sản phẩm da thuộc vẫn còn phải NK với tỷ lệ cao đến 65%.
Xu hướng thương mại quốc tế
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, đánh giá, tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất da giày tại Việt Nam ngày một tăng là do xu hướng chung trên thị trường thế giới. Thay vì phải lo hết mọi khâu như trước đây, hiện nay nhà NK đều có xu hướng chuyển bớt “rủi ro” sang nhà sản xuất. Nội địa hóa vật tư sẽ làm giảm chi phí vận chuyển, tỷ lệ sai sót và trách nhiệm điều hành sẽ thấp đi.
Trước đây, nhà NK các thương hiệu lớn như Adidas, Nike, Puma… không dám dùng nguyên phụ liệu làm tại Việt Nam do họ chưa tin tưởng vì ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong những năm trước vẫn còn lạc hậu về tư duy, thiết bị, công nghệ. Thực tế, để có ý tưởng phát triển sản phẩm giày, cần phải phát triển nguyên phụ liệu trước 6 tháng. Hiểu được quy trình này, DN trong nước mới phát triển tốt nguồn nguyên phụ liệu.
Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa còn do xu hướng thương mại thế giới. Nhà NK đáp ứng đúng các quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế quan ưu đãi từ các hiệp định thương mại. Để hưởng được ưu đãi này, thay vì NK nguyên phụ liệu, các nhà NK phải chuyển sang sử dụng nguyên phụ liệu trong nước.
Trên thực tế, việc tìm nguyên phụ liệu nước ngoài dễ dàng hơn rất nhiều so với nguồn cung trong nước. Hiện nay, DN sản xuất nguyên phụ liệu da giày trong nước phần lớn là của các nhà đầu tư nước ngoài và của các tập đoàn NK giày dép.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng nội địa hóa của ngành da giày sẽ nhanh hơn các ngành khác. Vì nguyên phụ liệu cho giày dép có tính ổn định, không quá thời trang nên nguyên phụ liệu không cần thay đổi nhiều. Hiện DN Việt Nam chủ yếu NK nguyên phụ liệu cao cấp, trang trí.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày, túi xách Việt Nam đến năm 2020 đã được Bộ Công thương phê duyệt, ngành da giày đặt mục tiêu sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng sản phẩm cấp trung, giày thể thao, giày trẻ em, dép các loại. Phấn đấu đưa tỷ lệ nội địa hóa của ngành lên 65% vào năm 2015.
Trong đó, một mục tiêu quan trọng mà Lefaso đặt ra là sẽ có nhiều hơn nữa DN Việt Nam tham gia vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu vì hiện tại chiếm phần lớn vẫn là các nhà đầu tư nước ngoài. Giải quyết tốt bài toán nội địa hóa nguyên phụ liệu thì ngành da giày mới phát triển thật sự vững chắc.
MỸ HẠNH