Cùng với câu chuyện nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam xuất sang EU bị trả lại vì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên tục nhận được cảnh báo, gần đây lại rộ lên tình trạng rau quả xuất sang EU cũng bị các nước nhập khẩu thông báo có chứa 4 loại dịch hại gây bệnh mà nước họ cấm nhập khẩu, bao gồm bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục lá và đục quả, vi khuẩn gây bệnh sẹo cam, quýt.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan kiểm soát dịch hại trên các lô hàng rau quả xuất khẩu, cho biết mặc dù đã có cảnh báo nhưng tình trạng vi phạm các quy định của EU ngày càng gia tăng. Theo thống kê, năm 2010 EU chỉ cảnh báo 29 vụ về chất lượng rau quả có nguồn gốc từ Việt Nam thì năm 2011 đã tăng lên 366 vụ. Trong đó, Pháp là nước đưa ra số vụ cảnh báo nhiều nhất (136 vụ), sau đó đến Anh (36 vụ)… Trước tình hình trên, Tổng vụ Sức khỏe và người tiêu dùng châu Âu (EU) đã ra thông báo, kể từ 15-1-2012, nếu phát hiện thêm 5 trường hợp vi phạm thì EU sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp lời nhắc nhở, chỉ trong 4 tháng đầu năm, vẫn có thêm 3 lô hàng rau quả Việt Nam bị EU cảnh báo, đồng nghĩa với việc chỉ cần thêm 2 lô hàng vi phạm nữa là thị trường EU sẽ thực sự đóng cửa đối với mọi loại rau quả Việt Nam.
Để phòng ngừa những “rủi ro” và cứu nguy cho thị trường rau quả, từ giữa tháng 5-2012, Cục Bảo vệ thực vật đã ra lệnh tạm dừng cấp phép xuất khẩu 5 loại mặt hàng rau quả như một giải pháp vừa an toàn vừa theo kiểu “chữa cháy”.
Đành rằng EU là một thị trường khó tính, coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe của người tiêu dùng. Đành rằng không phải mặt hàng rau quả nào cũng có dịch hại, doanh nghiệp nào cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng rõ ràng, đã xảy ra chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, trong bối cảnh kinh tế hội nhập hiện nay, đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu, chỉ cần một vài doanh nghiệp làm ăn cẩu thả, cơ quan kiểm dịch lơi lỏng, năng lực quản lý non kém đã làm không chỉ hàng loạt doanh nghiệp có trách nhiệm khác mà cả thị trường nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU cùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ “ăn trái đắng”.
Trong nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đều khẳng định, xu hướng chung của các nước hiện nay là tăng cường hàng rào kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và cả Việt Nam cũng đang phải làm như vậy. Đây không phải là để bảo hộ hàng hóa, nông sản trong nước mà là để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, ngăn chặn nguy cơ dịch hại lây lan vào nước sở tại, đe dọa sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2011, chúng ta cũng từng phải buộc tái xuất tới hơn 50.000 tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và chỉ 6 tháng đầu năm nay đã buộc trả về Ấn Độ tới 20.000 tấn ngô và đậu tương vì có chứa loại mọt TG nguy hiểm. Vì vậy, dễ hiểu khi có cảnh báo sẽ phải đóng cửa toàn bộ các loại rau quả Việt Nam nhập vào EU nếu phát hiện có thêm 5 lô hàng rau quả Việt Nam bị phát hiện có chứa 4 loại dịch hại kể trên. Vì vậy theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, muốn giữ thị trường phải đảm bảo sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Và thêm một câu chuyện nữa, trong khi cơ quan chức năng của chúng ta đang phải áp dụng giải pháp tình thế tạm dừng xuất khẩu hàng sang EU, các đơn hàng của EU hiện đang chuyển dần sang các doanh nghiệp Thái Lan. Bởi rau quả Thái Lan mặc dù cũng có điều kiện sản xuất tương tự nước ta nhưng lại được kiểm soát chặt chẽ hơn, ít bị phát hiện có chứa dịch hại gây bệnh. Để khôi phục lại thị phần rau quả, mở lại thị trường xuất khẩu, không còn cách nào khác là chúng ta phải xem lại toàn bộ quy trình từ trồng trọt, thu mua, sơ chế, đóng gói tới kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và xuất khẩu. Phải dứt điểm loại trừ các lô hàng vi phạm, để tránh tình trạng một vài doanh nghiệp nhỏ lẻ làm ăn cẩu thả gây ảnh hưởng tới cả hoạt động xuất khẩu. Phải thiết lập nền tảng sản xuất đảm bảo cả về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dịch hại… mới có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Văn Phúc Hậu