Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới

Các chuyên gia văn hóa phản đối
Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới

Rạng sáng nay (giờ Việt Nam), 7 kỳ quan mới của thế giới đã được công bố tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Cũng như bất kỳ cuộc bình chọn nào, kết quả này cũng gây nhiều tranh cãi...

Đêm công bố hoành tráng

Lễ công bố 7 kỳ quan thế giới mới diễn ra tại sân vận động Benfica. Dẫn chương trình là nam diễn viên người Anh Ben Kingsley và nữ diễn viên người Mỹ Hillary Swank. Trong số khách mời có Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates, cựu phi hành gia Neil Armstrong, nữ minh tinh kiêm ca sĩ Jennifer Lopez... Buổi lễ được truyền hình trực tiếp tới 170 nước, với số người xem ước tính tới 1,6 tỷ.

Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới ảnh 1

Đền Taj Mahal (Ấn Độ)

New7Wonders, một tổ chức tư nhân của Thụy Sĩ đã đứng ra tổ chức cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới. Nhưng ý tưởng tổ chức đã được nhà phiêu lưu mạo hiểm người Thụy Sĩ Bernard Weber đưa ra từ năm 1999. Danh sách đề cử đầu tiên có 200 địa điểm, sau đó rút lại còn 21 địa điểm vào đầu năm 2006.

Danh sách 21 địa điểm lọt vào chung kết do công chúng bầu chọn và được ban tổ chức, gồm nhiều kiến trúc sư và các nhà khảo cổ, đứng đầu là cựu Chủ tịch UNESCO Federico Mayor, quyết định. Việc bầu chọn được tiến hành qua Internet và qua điện thoại. Theo New7Wonders, đến 0g ngày 7-7 (thời điểm kết thúc bầu chọn) đã có hơn 100 triệu phiếu bầu. Phát biểu tại lễ công bố 7 kỳ quan thế giới mới, diễn viên Hilary Swank nói: “Chưa bao giờ trong lịch sử lại có nhiều người tham gia vào một quyết định toàn cầu như vậy”.

Ban tổ chức cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới nói, đây là cơ hội nâng tầm “sân chơi văn hóa” toàn cầu và thừa nhận những thành tựu xã hội ngoài châu Âu và Trung Đông.

7 kỳ quan thế giới trước đây đã được các học giả Hy Lạp lựa chọn cách đây hơn 2.000 năm và tất cả đều ở khu vực Địa Trung Hải. Trong số 7 kỳ quan thế giới cổ, hiện chỉ còn kim tự tháp Giza là đứng vững nhưng không được đưa vào danh sách bầu chọn.

Nhiều địa danh nổi bật trong suốt cuộc bình chọn nhưng cuối cùng đã không có trong danh sách 7 kỳ quan thế giới mới, như đền Acropolis (Hy Lạp), tháp Eiffel ở Paris (Pháp), các tượng hình nhân trên đảo Phục sinh (Chile), bãi đá Stonehenge (Anh)...

Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới ảnh 2
Tượng Chúa Cứu thế (Brazil)
Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới ảnh 3
Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)
Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới ảnh 4
Thành phố cổ Petra (Jordan)
Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới ảnh 5
Tàn tích của người Maya tại Chichen Itza (Mexico)
Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới ảnh 6
Đấu trường Colosseum ở Rome (Italia)
Sáng 8-7, công bố 7 kỳ quan thế giới mới ảnh 7
Khu định cư Machu Pichu (Peru)

Các chuyên gia văn hóa phản đối

Cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới đã không nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO). Mới đây, một thông báo của UNESCO khẳng định: “Danh sách 7 kỳ quan thế giới mới là kết quả bầu chọn do một tổ chức tư nhân tiến hành, vì thế sẽ không thể đóng góp gì có ý nghĩa cho việc bảo tồn các di sản thế giới đã được UNESCO lựa chọn”. UNESCO cho rằng, danh sách đưa ra ngay từ lúc đề cử đã có nhiều hạn chế.

Ngay từ đầu cuộc bình chọn, các quan chức Ai Cập đã giận dữ cho rằng, họ không cần phải tái khẳng định kim tự tháp của họ là kỳ quan thế giới vì nó đã được công nhận từ hàng ngàn năm nay. Do đó, New7Wonders phải chấp nhận rằng thế giới có 8 kỳ quan, trong đó 7 kỳ quan mới được lựa chọn và “kỳ quan lớn” là kim tự tháp Ai Cập.

Ngoài ra, nhiều người than phiền website bầu chọn bị quá tải nên họ khó lòng bầu chọn, ngoài ra việc bầu chọn bằng điện thoại đường dài quá tốn tiền. Chưa hết, ban tổ chức cũng không thể ngăn được việc một người bầu chọn... hàng trăm lần.

HUY QUỐC (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục