Sáng chế tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

Phương thức xét giải sáng chế của TPHCM so với các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật khác có nhiều điểm khác biệt - ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết như vậy.

Phương thức xét giải sáng chế của TPHCM so với các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật khác có nhiều điểm khác biệt - ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết như vậy.

Sáng chế dự thi là sáng chế đã được bảo hộ độc quyền ở trong nước hoặc nước ngoài, nhằm đảm bảo sau khi đoạt giải, chủ sở hữu sáng chế sẽ không e ngại có người đuổi theo và chia sẻ các thị trường thuộc phạm vi bảo hộ của bằng độc quyền sáng chế tương ứng, nếu sáng chế đó thật sự có khả năng sinh lợi. Người quan tâm khai thác sáng chế sẽ phải xin phép chuyển nhượng hoặc cấp “thương quyền” nếu muốn gia nhập thị trường. Điều đó giúp cho chủ sở hữu sáng chế có thể có thêm đối tác hợp tác kinh doanh nếu tự mình chưa đủ nguồn lực khai thác hết thị trường. Đây là khác biệt đầu tiên.

Kế đó, quá trình xét giải không nghiêng về việc so sánh hoặc đánh giá sáng chế so với các công nghệ tương tự, mà tập trung vào tiềm năng hoặc thực tiễn thương mại hóa của sáng chế. Cụ thể, người dự giải sẽ yêu cầu Sở KH-CN giúp mời các khách hàng tiềm năng của sáng chế và hàng hóa, dịch vụ được sản xuất từ sáng chế; các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường tiềm năng của sáng chế đến để nghe chủ sở hữu và tác giả sáng chế giới thiệu về các khía cạnh thương mại, tài chính của sáng chế. Người dự giải cũng có thể yêu cầu Sở KH-CN giúp mời các chuyên gia hoặc tổ chức công nghệ chuyên ngành đến giúp phản biện hoặc góp ý cho sáng chế của họ về mặt công nghệ. Các khách mời này sẽ là tập thể chính tham gia đánh giá sáng chế.

Ông Trịnh Minh Tâm cho biết thêm: Sự khác biệt còn nằm ở động thái sở sẽ mời một giám khảo công nghệ và một giám khảo pháp lý (là nhà chuyên môn về sở hữu trí tuệ) để chủ trì việc đánh giá. Sở cũng chủ động mời các cơ quan quản lý có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hàng hóa, dịch vụ được tạo ra từ sáng chế như cơ quan quản lý về tiêu chuẩn - chất lượng, cơ quan cấp phép lưu hành sản phẩm, cơ quan thẩm định, giám định có liên quan... để giúp kiểm chứng hoặc hỗ trợ khía cạnh tuân thủ pháp luật cho tác giả và chủ sở hữu sáng chế dự giải.

Theo ông Trịnh Minh Tâm, từ cách làm khác biệt trên, nên từ khi phát động Giải thưởng Sáng chế TPHCM vào năm 2008, lượng đơn đăng ký sáng chế của TPHCM đã bắt đầu tăng đều đặn: giai đoạn 2011-2015 đạt mức bình quân 200 đơn/năm so với 119 đơn/năm trong giai đoạn 2006-2010, gấp 1,68 lần và cao hơn so với chỉ tiêu yêu cầu 1,5 lần so với phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ KH-CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015…

Tuy nhiên, số lượng 1.004 đơn đăng ký và 131 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp cho các chủ thể tại TPHCM trong 5 năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo KH-CN của thành phố và càng chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập ở khía cạnh sở hữu trí tuệ.

TẤN BA

Tin cùng chuyên mục