Sàng lọc bằng chất lượng đào tạo

Trong xu hướng “ngành ngành kêu cứu, người người kêu cứu” rộ lên thời gian gần đây, đáng chú ý là một trong những lãnh vực tưởng chừng ít bị tác động của hội chứng “đóng băng” do khủng hoảng kinh tế như giáo dục đại học - cao đẳng ngoài công lập cũng phải thống thiết kêu gọi Thủ tướng và lãnh đạo Bộ GD-ĐT ra tay “rã đông”. Tín hiệu cấp cứu được phát đi sau một mùa tuyển sinh quá bết bát, đến mức có người còn nói tới nguy cơ tan rã chung của cả hệ thống sau 20 năm tồn tại và phát triển.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có thảm cảnh “chết lâm sàng” như vậy và ai chịu trách nhiệm việc này? Các trường ngoài công lập nhất mực đổ lỗi cho Bộ GD-ĐT đã có những chính sách bất hợp lý như phân biệt “công-tư” và phương thức tuyển sinh chỉ làm lợi cho trường công lập, còn về phần mình, Bộ chủ quản khăng khăng mình đúng - qua phát biểu của Thứ trưởng Bùi Văn Ga “Bộ GD-ĐT luôn tạo điều kiện giúp đỡ các trường hết sức, nhưng không có nghĩa là hy sinh chất lượng”.

Và sự thật ở đâu đó giữa 2 lằn ranh mỏng manh. Thứ nhất, sự lạm phát các trường ĐH-CĐ kể cả công và tư đã ở mức báo động. Nếu như vào năm 2005, nước ta chỉ có chưa tới 50 trường ĐH thì đến nay trong vòng chưa tới chục năm đã phình ra tới 412 trường ĐH-CĐ. Có cảm giác là Bộ GD-ĐT quá dễ dãi cấp phép cho nâng cấp “lên đời” và vô tư mở trường mới.

Với lập luận mang tính “khoa học” kiểu như nhìn ra thế giới mới thấy mình “nhỏ bé” về lượng trường, Bộ này đã sắp xếp cho gần như mỗi tỉnh 1 trường ĐH, cá biệt có tỉnh nghèo như tỉnh Vĩnh Long cũng sẽ có 5 trường ĐH công lập bên cạnh 1 trường ĐH ngoài công lập là ĐH Cửu Long.

Có nghĩa là chỉ đi quanh quẩn vài cây số là chúng ta sẽ bắt gặp biển trường “university” mời chào. Và như vậy thì lấy đâu ra người học? Trường ngoài công lập than vãn tôi chết dần, chết mòn vì ông công lập vét sạch nguồn tuyển từ đại học đến cả hệ cao đẳng và có kéo dài thời gian xét tuyển thì cũng chỉ làm béo bở mấy ông “công” thôi, trong khi trường công lập phản pháo tôi mà cấm giảng viên của tôi đi “dạy sô” thì các ông có mà đóng cửa trường, có mà chết luôn. Ai đúng, ai sai và chẳng lẽ ai cũng đúng?

Thực tế cho thấy ngoài một số trường ngoài công lập có “thương hiệu” thu hút được người học, một bộ phận không nhỏ hệ này có chất lượng đào tạo hết sức đáng lo. Nguyên do chủ yếu là chất lượng đội ngũ khoảng 3.000 giảng viên quá khiêm tốn với “cấu hình” gồm các giảng viên về hưu, giảng viên các trường khác chạy sô, sinh viên mới ra trường có nguyện vọng làm cán bộ giảng dạy ở các trường công lập nhưng không đạt yêu cầu và kể cả giáo viên được nâng cấp lên bậc đại học, cao đẳng cùng sự đổi tên trường. Đấy là điều không thể phủ nhận. Nó giống như một món ngon thì ai cũng muốn ăn và sẵn sàng móc hầu bao trả tiền dù có đắt đến mấy.

Thứ hai, về công tác tuyển sinh đang gây nhiều tranh cãi, các trường ngoài công lập bức xức về phương thức “ba chung” và cung cách xét tuyển “không giống ai”. Họ đề xuất phải được tự chủ tuyển sinh theo như Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ năm 2013 mà thực chất là mở tung cửa đầu vào và siết chặt đầu ra. Điều này cũng có lý nhưng liệu chúng ta có áp dụng ngay được không? Thành thật mà nói là… chưa được. Và Bộ GD-ĐT cũng trăn trở khi vẫn áp dụng cách tuyển sinh “ba chung” cho tới năm 2015 vì không còn giải pháp hữu hiệu hơn.

Tất nhiên ai cũng hiểu chất lượng giáo dục không thể đánh giá qua một hai kỳ thi và không thi có khi lại tốt hơn có thi, nhưng chẳng lẽ đèn sách học 12 năm phổ thông mà thi chỉ có 5 điểm/3 môn mà vẫn nghiễm nhiên có chỗ trên giảng đường? Câu trả lời là không có gì ngoài chất lượng đào tạo và điều này cần được quán triệt nghiêm túc. Nếu chúng ta cứ cho mở trường dạng “tay không bắt giặc” thì tức là đang mắc tội với đất nước, với các thế hệ tương lai.

Thật sự đau lòng khi một giảng viên kể ông được mời đứng lớp ở một trường ngoài công lập nhưng khi ông hỏi dạy theo giáo trình nào, yêu cầu hay tiêu chí ra sao thì được trả lời giáo trình do thầy soạn, đứng lớp và thầy tự tổ chức thi và lấy điểm cho học sinh. Khoán gọn toàn bộ. Và thế thì còn đâu uy tín của giáo dục Việt Nam khi mong ước trước đây của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “thày ra thày, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp…” vẫn mãi ở ngoài tầm với…

Và chúng ta cứ mãi day dứt cách nào giải cứu hệ thống trường ĐH-CĐ ngoài công lập? Cái khó là hệ này đang phải tự bơi không có sự trợ giúp nào từ tiền bạc, cơ sở vật chất, đất đai từ phía nhà nước, song cũng không thể áp dụng như cách bơm tiền từ ngân sách nhà nước, từ tiền thuế người dân để cứu bất động sản. Chỉ có tự cứu bằng thương hiệu, bằng chất lượng đào tạo và tái cơ cấu lại tổ chức thì mới trụ vững trong sự sàng lọc của cơ chế thị trường.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục