
Sáng nay, hàng chục ngàn người ở Honduras và Nicaragua đã di tản tránh cơn bão Felix, dự kiến tràn vào hai nước này vào tối nay với sức gió lên đến 230 km/g.
Sẽ gây thiệt hại lớn

Cơn bão Felix khiến người dân Honduras và Nicaragua nhớ lại cơn bão khủng khiếp Mitch vào năm 1998 tràn vào các nước Trung Mỹ làm 10.000 người chết. Theo ông Marco Burgos, người đứng đầu cơ quan bảo vệ công dân Honduras, nước này đang đối mặt với mối đe dọa rất lớn đến tài sản và tính mạng. Điều quan trọng là người dân phải di tản bằng mọi giá để khỏi phải diễn ra cảnh đếm xác người như cơn bão Mitch. Trong dòng người di tản khỏi các bãi biển còn có nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là ở những khu resort trên các đảo. Nguy cơ ngập lụt và đất chuồi rất cao do cơn bão Felix gây ra, dự báo lượng mưa ở mức 300mm ở phía bắc Honduras và đông bắc Nicaragua. Cơn bão Katrina dù chỉ đạt cấp 4 khi tràn vào New Orleans (Mỹ) nhưng do mưa lớn gây ngập lụt kéo dài đã gây thiệt hại nặng.
Felix là cơn bão lớn thứ hai ở Đại Tây Dương sau bão Dean cũng được liệt vào cấp độ 5 (cấp độ cao nhất). Cơn bão Dean đã làm 27 người chết ở Caribbean và Mexico.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã cắt ngắn chuyến thăm Panama để trở về nước chỉ đạo các nỗ lực khẩn cấp. Các cơ quan của LHQ và các tổ chức phi chính phủ chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch cứu trợ. Tổ chức trợ giúp nhân đạo CARE dự báo cơn bão sẽ gây thiệt hại lớn cho Honduras, Nicaragua và Guatemala. Chương trình lương thực của LHQ (WFP) công bố đã dự trữ đủ lương thực để giúp 100.000 người cầm cự trong 5 ngày đầu tiên sau khi cơn bão tràn qua.
Hậu quả của khí hậu nóng lên
Những năm gần đây, khu vực Trung và Bắc Mỹ chứng kiến những mùa bão lớn. Năm 1998, 2001, 2004 và mùa bão này chỉ mới có 3 cơn bão thì hết 2 cơn ở cấp độ 5. Tính từ năm 1886 đến nay thì đây là mùa bão thứ 4 ở Đại Tây Dương có hai trận bão ở cấp độ 5. Tổng cộng có 31 trận bão cấp độ 5 tại Đại Tây Dương từ trước tới nay nhưng đã có 8 trận trong 5 mùa bão vừa qua. Theo các kết quả nghiên cứu gần đây, hiện tượng khí hậu ấm lên toàn cầu không làm tăng các cơn bão nhưng làm tăng sức mạnh của các cơn bão. Nguyên nhân là nước biển ấm lên thì bão càng mạnh. Hơn thế nữa, mặt nước biển tăng cao do băng tan càng làm cho các cơn bão tại nhiều vùng biển thêm nguy hiểm. Một nửa dân số thế giới hiện sống trên mặt nước biển chỉ từ 1m đến 2m, do đó các cơn bão lớn càng gây thiệt hại nặng cho nhiều người hơn. Do đó, việc cắt giảm khí thải gây nóng lên toàn cầu đang trở thành vấn đề cấp bách.
Quốc Minh (theo AFP, Reuters)