
* Nghị định thư Kyoto không còn hiệu quả

Mô hình “trái đất đang kêu cứu” trên đường phố Bali
Sáng nay, tại Bali (Indonesia), Hội nghị Khí hậu toàn cầu đã khai mạc với sự tham gia của khoảng 12.000 đại biểu, đến từ hơn 190 quốc gia và hơn 1.000 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh khắp thế giới. Hội nghị diễn ra đến ngày 14-12, nhằm đặt nền móng đầu tiên cho một Nghị định thư mới, thay thế Nghị định thư Kyoto hiện không còn hiệu quả trong việc ngăn chặn trái đất ấm dần lên.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức của thời đại. Trong báo cáo vừa được Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon công bố cách đây 10 ngày, kết luận, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra môi trường là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu làm tan băng, khoảng 20%-30% các loài động thực vật có nguy cơ diệt chủng nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,5-2,5oC, sản lượng các ngành nông nghiệp phụ thuộc vào mưa có thể giảm còn một nửa và châu Phi sẽ phải đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng tồi tệ... Bản báo cáo nói trên được coi là “ảm đạm nhất” từ trước tới nay với lời cảnh báo rằng, tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu là “bất ngờ và không thể đảo ngược”, đồng thời không loại trừ bất cứ quốc gia nào.
Vì vậy, cộng đồng quốc tế không thể để Hội nghị Bali kết thúc mà không có được bước đột phá nào, bởi hiện tượng trái đất ấm lên đang “gieo những mầm họa cho nhân loại”, nói như Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.
HẠNH CHI (theo AFP, Reuters)