Sáng nay, tại Ấn Độ: Tẩy chay bầu cử do ô nhiễm

Ô nhiễm ngày càng trầm trọng
Sáng nay, tại Ấn Độ: Tẩy chay bầu cử do ô nhiễm

Hôm nay 13-4, là ngày tổ chức bầu cử lại hội đồng địa phương bang Uttar Pradesh ở Bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, hàng ngàn cư dân tại các làng ở bang này lại quyết định tẩy chay bỏ phiếu. Nguyên nhân nào làm họ có quyết định đó?

Ô nhiễm ngày càng trầm trọng

Sáng nay, tại Ấn Độ: Tẩy chay bầu cử do ô nhiễm ảnh 1
Trẻ em ở vùng ô nhiễm bị bệnh ngày càng nhiều

“Nhìn đi!”, Anirul, 20 tuổi, ở làng Bhanera Kemchend, vừa nói vừa chỉ vào vòi nước. Trong ống chảy ra thứ nước vàng đục, ô nhiễm. “Tất cả các đường ống trong làng đều như vậy. Sự việc kéo dài đã hàng năm nay nhưng mọi quan chức đều làm ngơ. Phần lớn dân làng đều bị nhiễm bệnh. Chúng tôi tốn tiền cho thuốc men còn hơn cho lương thực”.

Làng Bhanera Kemchend không may nằm ở hạ lưu, nơi có một nhà máy đường khổng lồ, lớn gấp đôi một nhà máy rượu. Mọi chất thải từ nhà máy đều đổ ra con sông Hindon cạnh đó, rồi nước sông ô nhiễm lan rộng, ảnh hưởng gần 400 ngôi làng dọc sông. Thậm chí các nhánh sông cũng bị ô nhiễm nặng, đến mức hầu như không còn loài nào sống được dưới nước đó. Anirul nói, “người dân lâu nay đã quên mất Hindon là một con sông mà cứ nghĩ nó là cái cống khổng lồ”.

Không chỉ có một nhà máy đường đó, dọc 260km dòng sông là hàng chục nhà máy đường, rượu, sữa, lò mổ... thi nhau đổ chất thải xuống sông không thương tiếc. Người dân càng phẫn nộ hơn bởi theo nguyên tắc, các công ty, từ tư nhân đến nhà nước, đều có trang bị các hệ thống xử lý nước thải, là hình thức bắt buộc để có giấy phép sản xuất. Nhưng trên thực tế, để tiết kiệm, các công ty không bao giờ cho các hệ thống này hoạt động. Họ chỉ cho chạy máy mỗi năm chừng... một lần, khi có các đoàn kiểm tra. Ai cũng biết điều này nhưng do có sự thỏa hiệp giữa các nhà sản xuất với các thanh tra, liên quan cả đến chính trị, nên chẳng ai dám nói ra.

Tẩy chay bầu cử để báo động

Sông Hindon không phải trường hợp duy nhất. Phần lớn các nguồn nước ở Ấn Độ đều bị ô nhiễm vì các nhà máy công nghiệp, chưa kể chất thải thành phố và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.

Không chịu được sự bất công đó, Rajendra Singh, nhà hoạt động vì nguồn nước sạch thuộc phong trào Jal Biradari, quyết định “xốc dậy” các nông dân dũng cảm, đấu tranh chống chính quyền quan liêu và các nhà công nghiệp. Tuy nhiên, các cuộc tuần hành, đơn yêu cầu đều bị dập tắt, bác bỏ, thậm chí còn bị đe dọa. Trong khi người dân chỉ mong muốn chính phủ biết rằng, trẻ em ở các làng đang dần bị hủy hoại bởi hàng chục căn bệnh khác nhau. Người dân khắp nơi mắc các bệnh như ho lao, dị ứng, đường ruột, ung thư... cũng vì phải dùng nguồn nước ô nhiễm. Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới cũng mới tuyên bố bệnh bại liệt đã tái xuất hiện ở Ấn Độ.

Người dân thừa nhận, có thể quyết định tẩy chay bầu cử không ảnh hưởng lắm đến cơ cấu chính trị, nhưng đây cũng là một cách huy động sự ủng hộ và đánh động cho các phương tiện truyền thông.

VIỆT KHUÊ (theo Libération)

Tin cùng chuyên mục