Đồn biên phòng Đắk Bô còn nhiều thiếu thốn, khó khăn gian khổ. Nhưng hơn tất cả, tinh thần tự lực tự cường, đương đầu với khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn đoạn biên giới được giao.
Lên trời gần hơn xuống chợ
Từ TPHCM lên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước đóng ở Lộc Ninh chỉ 140km. Nhưng từ Lộc Ninh phải đi xuyên qua tỉnh Đắk Nông rồi quay vòng lại địa phận tỉnh Bình Phước mới đến được Đồn biên phòng Đắk Bô, quãng đường này khoảng 250km. Khởi hành từ sáng sớm nhưng quá trưa chúng tôi mới tới được đồn. Mặc dù đã được giới thiệu trước, nhưng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên lẫn xúc động khi đứng trước doanh trại của đơn vị. Đó là mấy dãy nhà tạm, vách thưng bằng gỗ, mái lợp tôn lọt thỏm giữa khu rừng già, hoàn toàn biệt lập, cách khu dân cư gần 60km.
Thiếu tá, Đồn trưởng Trịnh Xuân Toái cho biết, Đồn Đắk Bô được thành lập năm 2005 nhưng vì đóng ở trên tít 3 tầng mây nên anh em vẫn quen gọi Đồn Ba Tầng. Bởi, tính từ suối Đắk Bô dưới chân đồn, để lên được sân đồn phải vượt qua 3 tầng dốc rất cao. Nếu đi ô tô cũng mất gần 1 giờ, còn đi bộ phải mất già nửa ngày. Vừa lò dò lên được tầng dốc thứ nhất, chân vẫn đạp đất nhưng đầu đã đội mây. Càng lên cao, mây càng dày đặc. Những hôm thời tiết xấu, phải “vén” mây mà đi. Hôm chúng tôi lên đồn, gặp phải cơn mưa tầm tã. Lên đến tầng mây thứ 3, nhìn hun hút phía dưới chỉ thấy loang loáng một màu trắng đục. Cả khu rừng già hàng trăm năm tuổi đều bị mây che phủ.
Thượng tá Hoàng Văn Thành, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Bình Phước, đi cùng với tôi, bất chợt đọc câu thơ “đường lên trời thì gần, đường xuống chợ thì xa”. Tôi bỗng thấy lòng xúc động, càng thương cảm với người lính bao nhiêu tôi lại càng khâm phục các anh bấy nhiêu. Và có lên tới đây mới hiểu hơn bao giờ hết sức chịu đựng, sự hy sinh thầm lặng của những người lính biên phòng trong thời bình.
Ở đây, không có điện thắp sáng cũng không có sóng điện thoại (ĐT) di động. Để liên lạc với gia đình, các anh phải dùng ĐT di động thuê bao quốc tế. Trung tá, chính trị viên Nông Hồng Quảng, người dân tộc Tày, quê Cao Bằng, nói: “Mình gọi đi, 1 phút mất 3.000 đồng. Nhưng người ta gọi tới, mình nghe phải trả 5.000 đồng/phút”. Mang tiếng mạng ĐT quốc tế, nhưng sóng cũng rất chập chờn.
Để liên lạc với hậu phương, các anh phải ra quả đồi cách đồn 2km, mở máy ra xem có tin nhắn báo cuộc ĐT nhỡ hay không để gọi lại. Ác nỗi, cả quả đồi rộng lớn hàng trăm hécta nhưng chỉ một khoảng trống rộng cỡ… cái mâm là có sóng ĐT. Phải đứng vào đúng cái “mâm” đó mới hy vọng liên lạc được. Nhưng không phải lúc nào cũng có sóng ĐT, theo cách nói của trung tá Quảng “phải ve vuốt nó một lúc mới được”. Tôi cũng theo chân thượng úy, Phó đồn trưởng Ngô Quang Hưng ra đứng đúng “cái mâm” đó để thử cái cảm giác của mạng ĐT quốc tế. Nhưng có lẽ hôm đó thời tiết xấu nên “ve vuốt” gần 20 phút vẫn không có tí sóng nào.
Từ đồn BP này ra xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước hay sang xã Đắk-Bút-So của Đắk Nông (địa bàn gần nhất, có dân cư) khoảng 60km. Việc đi lại trong mùa mưa này vô cùng “trần ai lai khổ”. Theo Đồn trưởng Toái, mỗi lần ra xã hoặc về bộ chỉ huy họp, bao giờ cũng phải “điều” thêm một chiến sĩ theo cùng để phụ… khiêng xe. Bởi từ đồn trở ra khoảng 20km, có tới 3 cái dốc dựng đứng. Đường đất đỏ, gặp hôm trời mưa, nhiều đoạn bùn đất ngập tới nửa bánh xe. Toái kể, có hôm anh và một chiến sĩ đi từ sáng sớm, mới ra cách đồn chừng 10km, đang vượt cái dốc thứ 2, gặp mưa, lũ tràn xuống. Bùn ngập đường, tới không được lùi cũng không xong. Đành ngồi giữa rừng già cho muỗi đốt… chơi, chờ đến chiều, đường khô mới đẩy xe về lại đồn.
Trung tá Quảng, người có mặt từ khi mới thành lập đồn đến nay, kể: Khoảng một năm về trước, khi con đường biên giới chưa làm, về mùa mưa, mỗi khi có việc ra xã họp, các anh phải đi bằng xe trâu bánh gỗ (chiếc xe trâu này của mấy anh bên Vườn quốc gia Bù Gia Mập tặng nhân dịp 1 năm thành lập đồn). Lâu lâu anh em đi một lần cũng không sao, nhưng khổ nhất là chiến sĩ nuôi quân, tuần nào cũng phải cỡi xe trâu… đi chợ. Nhiều hôm mua được miếng thịt tươi ngon, về tới đồn đã có mùi.
Một vất vả nữa các anh luôn phải đối mặt đó là sốt rét. Báo cáo của quân y đơn vị cho biết, 100% CB-CS ở đồn từ một năm trở lên đều bị sốt rét. Theo cách nói tếu táo của lính trẻ, sốt rét đã trở thành “chế độ” không thể thiếu của lính biên phòng. Hôm tôi lên, gặp binh nhất Dương Chí Hào đang lò cò đi lại sau trận sốt trên 400C. Hào nói, cách đây 2 tuần em cũng bị một trận sốt nặng, chưa kịp khỏe lại sốt tiếp.
“Thực túc binh cường”
Vất vả, khó khăn, gian nan là thế nhưng từ cán bộ đến chiến sĩ của đồn ai nấy đều luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có được điều đó, theo thiếu tá, chính trị viên Phạm Văn Đảng là do đơn vị luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đoàn kết, gắn bó yêu thương nhau như người một nhà.
Theo thiếu tá Đảng, muốn anh em coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, trước hết phải có tình thương, trách nhiệm, sự gắn kết với nhau trên dưới một lòng. Và để “đồn là nhà”, đơn giản phải có vườn cây, ao cá, có heo, có gà. Xuất phát từ suy nghĩ đó nên ngay từ khi thành lập đồn đến nay các anh luôn chú trọng tới công tác tăng gia sản xuất. Hôm tôi lên, thấy trong chuồng hàng chục con heo; còn vịt, gà chạy đầy sân. Đặc biệt cá ở suối nhiều vô kể. Chỉ cần dăm ba tay lưới hoặc vài giờ lặn ngụp dưới suối là có 5 - 7kg cá để cải thiện. Sau buổi tuần tra, cánh lính trẻ thích tắm suối kết hợp mò bắt cá. Thôi thì đủ món chế biến từ cá theo kiểu của lính, từ cá kho, cá muối, cá nấu canh, cá chiên đến cá nướng. Rau cũng được trồng đủ loại, từ rau muống, rau cải, bầu bí đến đậu đũa… dư ăn. Đồn trưởng Toái nói, nếu bất ngờ có đoàn khách 20 - 30 người, đơn vị cũng không cần đi chợ. Nếu mưa gió lũ lụt bất trắc xảy ra, đơn vị vẫn tự cân đối thực phẩm đủ ăn tươi trong 10 - 15 ngày.
“Ngày trước, mỗi lần có khách phải đi chợ cách đồn gần 60km. Tiền xăng xe máy nhiều khi tốn hơn cả tiền mua thức ăn, lại mất cả nửa ngày trời. Gặp hôm trời mưa đành bó tay”, thiếu tá, Đồn trưởng Trịnh Xuân Toái nói.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đơn vị còn nhận bảo vệ 1.500ha (trong tổng số 26.000ha) rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Nói tới rừng tôi chợt nhớ, cả vùng Tây Nguyên giờ chỉ còn mỗi khu vực Bù Gia Mập còn rừng theo đúng nghĩa “đại ngàn”. Tây Nguyên xanh ngày nào, nay đã “trọc đầu”, nhưng ở khu vực này, ở xung quanh Đồn biên phòng Đắk Bô, rừng vẫn còn nguyên sinh, tầng tầng lớp lớp và cây to 2 - 3 người ôm nhiều lắm, đếm không xuể. Xung quanh đồn vẫn còn những đồi gõ đỏ, đồi cẩm lai. Đồn trưởng Toái nói, ngày trước vẫn có hiện tượng dân ta, dân Campuchia vào rừng chặt cây, lấy trộm dầu chai, nhưng từ khi có đồn biên phòng, hiện tượng trên đã giảm rất nhiều.
Đến Đồn biên phòng Đắk Bô, có lẽ đây là một trong những lần đi thực tế viết bài mà tôi không cần lấy tài liệu, số liệu và làm công việc quen thuộc của nhà báo là ghi chép. Bởi những hình ảnh, những câu chuyện tôi bắt gặp đang diễn ra hàng giờ chính là những minh chứng sống động, cụ thể nhất và cũng dễ đi sâu vào lòng người nhất. Có lẽ còn lâu lắm tôi mới quên được những câu chuyện vượt suối băng rừng, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ và cả hy sinh của người lính biên phòng để giữ yên vùng bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Thiết nghĩ, họ chính là những ngôi sao sáng trên bầu trời vùng biên.
ĐĂNG BẢY - HOÀNG THÀNH