
Không yên lòng để bọn trẻ đi học phải chịu cảnh mưa, gió, sáu lão nông ở xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc (TT- Huế) đã cùng nhau hiến 10.000m2 đất cho xã làm trường học.

Ông Phan Mịch - người chặt cây, hiến đất đầu tiên
Lật cuốn sổ ghi chép, Chủ tịch xã Vinh Giang Lê Như Đác giới thiệu cho chúng tôi tên sáu lão nông gồm: Huỳnh Vẫn (đội 7), Phan Mịch (đội 7), Trương Văn Được (đội 9), Phan Lực (đội 7), Nguyễn Kiến (đội 7), Nguyễn Kiên (đội 8).
Chúng tôi theo chân Chủ tịch xã đến nhà ông Phan Mịch. Ngôi nhà ngói hai gian trống hoác nằm trong cái ngõ ngoằn ngoèo, chỉ có hai ông bà già sống, vì con cái đều đã có gia thất. Ngoài 65 tuổi, vợ chồng ông Mịch vẫn bám lấy bốn sào ruộng mưu sinh nhưng khi biết Ủy ban xã quy hoạch mảnh đất trồng bạch đàn của mình vào việc xây dựng trường học, hai ông bà đã tự nguyện chặt bỏ cây, bàn giao đất cho xã mà không yêu cầu đền bù.
“Tui nghe trên đài báo có nói nhiều người hiến cả tiền trăm, tiền tỉ cho quê hương không tiếc, huống hồ chi 1.000m2 đất của vợ chồng tui. Vả lại xã sử dụng đất vào xây dựng trường học cho con em chứ làm chi mô mà mình tiếc”, ông Mịch nói.
Vinh Giang là một xã nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang nên hàng năm thường bị lũ lụt. Vì vậy xã Vinh Giang đã quy hoạch xây trường mẫu giáo bán trú có vị trí cao ráo, không bị ngập nước vào mùa mưa. “Khi được hội đồng hương Vinh Giang ở TPHCM gửi về 150 triệu đồng, cùng với nguồn lực của địa phương và sự hỗ trợ của cấp trên, xã Vinh Giang đã tiến hành xây dựng trường mẫu giáo mới. Xã chọn 10.000m2 đất trồng cây công nghiệp lâu năm của ông Mịch, ông Được, ông Lực, ông Vẫn, ông Kiến, ông Kiên đưa vào quy hoạch xây trường. Biết thế, sáu hộ dân này không những tự ý đốn cây mà còn hiến đất cho xã, không đòi hỏi đền bù cây cũng như đất đai.

Chỉ vài tháng nữa, trên mảnh đất 10.000m2 này là một ngôi trường khang trang
Trong số sáu người, ông Huỳnh Vẫn hiến diện tích đất lớn nhất. Khi ông ký vào văn bản, giao hơn 1.500m2 đất cho xã thì vợ con ông mới biết nhưng vợ ông rất vui nói: “Mình đang có hai đứa con, sáu đứa cháu đi học. Hiến đất cho xã xây trường cũng là để cho con, cháu mình có trường học, chứ mất đi đâu”. Kinh tế gia đình ông Vẫn dựa vào cây lúa là chính. Ngoài ra, gia đình ông có một hồ nuôi tôm, mấy năm rồi không thu được gì nhiều.
Tuy vậy, như bao người dân ở Vinh Giang, trong ông còn có nỗi lo lớn hơn: sợ sau khi mất đi không nhìn thấy con cháu mình được học tại một ngôi trường khang trang, không lo mưa to, gió lớn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, phó trưởng ban địa chính xã Vinh Giang cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành đo đạc phân loại đất đai, cây trồng để đền bù nhưng khi ông Mịch, ông Vẫn đi đầu trong việc chặt bỏ cây trồng, ký văn bản hiến đất cho xã xây dựng trường học, mấy hộ đó đều nhất trí hiến đất chứ không đòi hỏi xã đền bù. Có người bảo, nay mình tiếc mấy trăm mét vuông đất, làm sao thế hệ con cháu chúng ta sau này được học hành tử tế hơn”.
VÕ LAN