
Một tháng qua, người dân vùng lũ ở Thừa Thiên-Huế đã trải qua 4 trận lũ. Số người chết lên đến 22 người, hàng trăm hộ dân không có tiền cho con em tiếp tục đến trường là nguyên nhân khiến cho nhiều học sinh phải bỏ học sau lũ...
Bỏ học “như cơm bữa”

Trong ngôi nhà rách nát của chị Thuyền (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) chuyện con chị đến trường là ước mơ còn quá xa vời
Sau lũ, ở TT-Huế có 171 phòng học bị hư móng, 112 công trình phụ bị ngập, ngâm nước lâu ngày có nguy cơ xuống cấp, 2.985 bộ bàn ghế bị hư hỏng, 110.356 cuốn sách, vở học sinh bị trôi hoặc ướt, 25.000 bản sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại tạp chí bị hư hỏng và hàng trăm thiết bị dạy học bị ướt; đồ dùng, đồ chơi ngoài trời của ngành học mầm non bị hư hỏng.
Làng Phước Lập của xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (TT-Huế) có 45 hộ dân. Lũ lụt vừa rồi đã khiến gần 50 hồ cá của người dân bị nước lũ cuốn phăng. Các hộ dân đều nghèo và đông con, nên sau lũ nhiều học sinh trong thôn phải nghỉ học.
Anh Nguyễn Cường, trưởng thôn Phước Lập cho biết: “Lũ đã khiến các hộ trong thôn bị thiệt hại nặng nề, nên họ buộc phải cho con em nghỉ học để giảm bớt gánh nặng”.
Ở phường Hương Sơ, phường nghèo nhất của thành phố Huế, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, thợ nề, buôn bán ve chai nên sau 5 trận lụt đều rơi vào cảnh điêu đứng. Ông Nguyễn Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Toàn phường có trên 500 trẻ em. Lũ rút, nhiều gia đình trở nên khó khăn hơn trước nhiều, cha mẹ không có việc làm nên trẻ em cũng không tiếp tục đi học”.
Chúng tôi về thôn Đông Hải, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (TT-Huế). Nơi đây có 190 hộ, đa số là hộ nghèo, sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên đầm phá. Sau các đợt lũ vừa rồi đã có hàng chục học sinh trong thôn bỏ học vì kinh tế gia đình điêu đứng, nhất là con em của 54 hộ dân vạn đò lên định cư từ năm 2003-2004.
Như nhà chị Văn Thị Thuyền vẫn phải sống cầm hơi bằng mì tôm vì với 8 miệng ăn nên gạo cứu trợ đã hết từ tuần trước. Có 7 đứa con, năm rồi chị phải buộc 2 đứa bỏ học để đi làm thuê.
Sau lũ, vợ chồng chị quyết định cho thêm 3 đứa bỏ học. “Còn một đứa lớp 4 và một đứa lớp 2 đang đi học nhưng chắc rồi cũng phải bỏ học vì không biết lấy chi mà ăn thì hỏi tiền mô mà cho con đi học tiếp”, chị Thuyền cho biết.
Hiện tại, Sở Giáo dục - Đào tạo chưa nắm hết số học sinh bỏ học sau lũ. Các học sinh thuộc diện 135, các em học sinh thuộc xã Bãi Ngang, nếu không đủ điều kiện học tập thì chính quyền sẽ giúp đỡ. Tuy nhiên, hiện tại ngành giáo dục đang nắm lại số lượng bao nhiêu em bỏ học để vận động các em đến trường. |
Gia đình chị Nguyễn Thị Bé cũng trong tình cảnh tương tự. Gần một tháng ngập lụt, không có ai thuê làm nên vợ chồng chị không có tiền đong gạo, cả nhà phải chịu cảnh ăn đói mặc rét.
Hai đứa con đang học lớp 3 và lớp 1 của chị phải nghỉ học. “Tui cũng muốn cho con tiếp tục đi học nhưng hoàn cảnh thế này thì lấy chi mà cho con theo học”, chị Bé thở dài.
Anh Trần Đình Ngọc, trưởng thôn Đông Hải, cho biết, chưa khi nào trẻ em bỏ học đồng loạt như sau các đợt lũ vừa rồi. “Những năm trước, số học sinh bỏ học chiếm khoảng 30% nhưng sau lũ con số đã lên đến 70%. Con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên”, anh Ngọc khẳng định.
Cơ quan chức năng nói gì?
Theo ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, hiện học sinh vùng lũ TT-Huế đang gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh đang cố gắng tìm phương hướng giải quyết thỏa đáng cho các gia đình quá khó khăn, không đủ sức nộp học phí cho con em. UBND tỉnh sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh để hạn chế tối đa tình trạng bỏ học sau lũ.
Chiều 27-11, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, sau lũ nhiều học sinh thiếu sách vở để học, chương trình học chắc chắn bị chậm.
Ngành giáo dục sẽ không cho học sinh tiểu học nghỉ giữa kỳ nữa mà tận dụng thời gian nghỉ này để dạy bù cho kịp chương trình. Khó khăn nhất vẫn là học sinh THPT, nhất là học sinh lớp 12 bởi các em đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học sắp tới.
Vì vậy, sở đã làm công văn xin Bộ Giáo dục - Đào tạo cho giảm bớt các môn phụ, cố gắng giữ lại những phần nội dung quan trọng nhất trong chương trình. “Với những học sinh này hiện không thể bắt các em học bù suốt tuần được vì các em đã phải sống chung với lũ gần một tháng nay nên không còn đủ sức để học bù”.
Hoài Xuân