
Tuần qua, cuộc khẩu chiến giữa Teheran và Washington đã lên tới cực điểm, khiến người ta lo ngại sắp xảy ra một cuộc tấn công quân sự chống Iran. Liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận, thử vũ khí mới, Iran tuyên bố tiếp tục chương trình hạt nhân của mình. Phía Mỹ, ngoài việc triển khai tàu sân bay thứ hai trong vùng Vịnh, Tổng thống Mỹ Bush ra lệnh cho quân đội Mỹ tấn công bất cứ người Iran nào bị nghi là dính líu tới các cuộc nổi dậy ở Iraq.
- Chiến lược lập lờ của Iran

Mỹ củng cố lực lượng và tăng cường quân sự tại Trung Đông một phần nhằm răn đe Iran.
Chính sách của Tổng thống Iran Ahmadinejad duy trì sự lập lờ giữa thách thức và những lời tuyên bố thiện chí. Nhà thương lượng về vấn đề hạt nhân của Iran, Ali Larijani, đã thông báo rằng nước ông sẵn sàng lại tiếp tục các cuộc thương lượng để “giải quyết” vấn đề hạt nhân và “không làm nghiêm trọng thêm tình hình trong khu vực”. Tổng thống Ahmadinejad thì lại bác bỏ yêu cầu ngừng các hoạt động làm giàu urani mà LHQ yêu cầu.
Trong khi đó, lãnh tụ tinh thần của Iran, Giáo chủ Ali Khamenei, khẳng định rằng Iran sẽ giáng trả bằng cách đánh vào các lợi ích của Mỹ trên thế giới nếu Mỹ tấn công Iran.
Từ lời nói chuyển sang hành động, Iran đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận không quân - hải quân với việc thử nghiệm các tàu chiến có trọng tải lớn ở khắp vùng Vịnh, cũng như một loại tên lửa đất đối biển có tầm bắn 350km có thể mang một đầu đạn nặng 500kg, bay ở độ thấp để tránh bị rađa phát hiện. Một viên chỉ huy của đội cận vệ Iran cảnh báo: “Mỹ nên biết rằng nếu họ đối đầu với chế độ Hồi giáo Iran, họ sẽ không có an ninh trong khu vực cũng như ở chính nước Mỹ”.
Trong khi củng cố lực lượng chuẩn bị cho chiến tranh, Iran một mặt tăng cường quan hệ với thế giới, đặc biệt khu vực Mỹ Latin – sân sau của Mỹ. Iran tuyên bố sẽ mở lại sứ quán tại Chile, Colombia, Ecuador, Nicaragoa, Urugoay và sẽ mở sứ quán mới tại Bolivia.
- Khả năng tấn công Iran: chưa rõ ràng
Iran hiện bị Mỹ liệt vào “trục xấu xa” và bị đổ trách nhiệm đã gây ra các vụ tàn sát ở Iraq, cuộc khủng hoảng Lebanon, gây ra tình trạng tồi tệ về các điều kiện trong các vùng lãnh thổ Arab bị chiếm đóng, gây ra tình trạng gia tăng bạo lực về tôn giáo trong khu vực và phổ biến hạt nhân trên toàn thế giới.
Iran cũng bị tố cáo là kẻ phá hoại tiến trình hòa bình Trung Đông và xúi giục người Palestine, người Syria và Phong trào Hezbollah nhấn chìm khu vực trong những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Iran còn bị tố cáo là có các kế hoạch xuất khẩu cuộc cách mạng Hồi giáo và tuyên truyền chủ nghĩa Shiite.
Với hàng loạt “tội” như thế, phương Tây hẳn có những cái cớ rất rõ ràng để tấn công Iran. Hiện nay, tất cả kịch bản đều có thể xảy ra: tấn công bằng quân sự, một loạt những sự trừng phạt mới, hoặc có thể là giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
Theo các nhà quan sát, quan hệ Iran và Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng. Mỹ quyết tâm bằng mọi cách buộc Iran phải ngừng chương trình hạt nhân, nhất là vì vùng Vịnh là một khu vực chiến lược trong đó Washington không bao giờ muốn Teheran mở rộng ảnh hưởng của mình.
Vậy liệu cuộc chiến tranh ở Iran có xảy ra? Theo các chuyên gia, điều này hiện khó có thể vì một loạt nguyên nhân. Trước tiên, Iran không phải là Iraq hay Afghanistan vì Iran mạnh hơn nhiều. Quân đội Mỹ đang ở những nơi vừa tầm với các tên lửa của Iran: ở Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Irắc...
Cuộc chiến tại Iran sẽ gây ra những sự xáo trộn trong toàn khu vực. Iran – một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, thậm chí có thể sử dụng vũ khí dầu lửa và như vậy sẽ gây ra những chấn động không thể cứu vãn được đối với nền kinh tế thế giới.
Bất chấp những răn đe từ phương Tây, Iran đang có những bước đi tìm kiếm hợp tác với Nga và Trung Quốc trong vấn đề dầu lửa, hạt nhân và quân sự. Lý do thứ hai là Mỹ khó mà huy động được thế giới ủng hộ cuộc chiến chống Iran như Mỹ đã làm ở Iraq. Nếu tiến hành tấn công Iran, Mỹ sẽ chỉ có duy nhất một đồng minh, đó là Israel.
Tuy nhiên, phương Tây sẽ không đứng nhìn để mặc Iran vùng vẫy. Hàng loạt dự án hợp tác của Iran với IAEA đã bị Mỹ cản trở. Hiện Ngân hàng Sepah hàng đầu của Iran bị nhắm trong các mục tiêu trừng phạt. Nguồn tin ngoại giao cho biết, Ngân hàng Sepah có thể sẽ nằm trong danh mục bị cấm vận của LHQ, sau khi Mỹ thuyết phục các nước châu Âu hãy theo gương Mỹ, có các biện pháp chống Sepah để loại ngân hàng này khỏi các thị trường tiền tệ quốc tế .
Đức Anh (tổng hợp)