Sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào Luật

Ngày 27-1, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11. Chiều tối cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã họp báo thường kỳ tháng 11. Người phát ngôn-Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã trả lời báo chí một số vấn đề dư luận quan tâm.
Sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào Luật

(SGGPO).- Ngày 27-1, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11. Chiều tối cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã họp báo thường kỳ tháng 11. Người phát ngôn-Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã trả lời báo chí một số vấn đề dư luận quan tâm.

* Phóng viên: Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thực hiện việc khoán xe công. Xin hỏi Chính phủ đã có kế hoạch gì để thực hiện, lộ trình ra sao?

* Ông Nguyễn Văn Nên: Tại Nghị quyết số 93/2015/QH13, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện việc khoán xe công.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính theo dõi, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), trong đó cơ chế quản lý xe ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới, hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng có đủ điều kiện nhận khoán mà không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào Dự án Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cơ chế quản lý xe ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới

* Quốc hội đã đồng ý cho phép phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Quốc tế để đảo nợ. Xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã bàn cụ thể về vấn đề này như thế nào, dự kiến lúc nào phát hành, phát hành một lần hay nhiều lần?

* Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng về phương án phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ.

Việc xác định thời điểm phát hành, lộ trình phát hành sẽ được tính toán, cân nhắc trên cơ sở đánh giá điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế, bảo đảm lợi ích cao nhất.

* Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối hoạt động vận tải tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) trong 2 năm tới. Tuy nhiên, các hiệp hội taxi, hiệp hội vận tải tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn liên tục có công văn gửi các cơ quan quản lý đề xuất cấm Uber, GrabTaxi kinh doanh vì lý do kinh doanh taxi trá hình. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trước những đề xuất này?

* Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đầu tư, kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh vận tải nói riêng, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT cho thí điểm trong 2 năm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vậntải hành khách trên 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà); đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố nêu trên hướng dẫn việc triển khai thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thí điểm.

Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận cá nhân, đơn vị chưa đủ điều kiện kinh doanh vận tải nhưng sử dụng các phần mềm ứng dụng để hoạt động kinh doanh. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại 5 địa phương nêu trên.

* Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 trong đó có phương án tăng 5% lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-5-2016; để có nguồn tăng lương là 11.000 tỷ đồng, Quốc hội yêu cầu cắt giảm 30% tiền chi hội nghị, công tác, dự án chưa thật cấp bách. Xin cho biết Chính phủ có kế hoạch như thế nào để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội?

* Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, sắp tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2016 trong đó sẽ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm, thực hiện rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, cắt giảm 30% kinh phí hội nghị, hội thảo, đoàn ra khảo sát, đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài … sắp xếp các nhiệm vụ chi, chủ động bố trí dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 được giao để điều chỉnh tiền lương năm 2016. Đối với một số địa phương ngân sách khó khăn thì ngân sách Trung ương hỗ trợ để bảo đảm nguồn điều chỉnh tiền lương.

* Báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Một số ý kiến cho rằng, khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ.

Xin cho biết Chính phủ có chỉ đạo như thế nào để xử lý tình trạng nợ của DNNN? Khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Việt Nam hay không?


* Đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỉ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.

Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ của mình; bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và bảo đảm khả năng trả nợ; xây dựng kế hoạch, cân đối dòng tiền, bảo đảm nguồn trả nợ; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng cam kết, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; lãnh đạo doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng trả nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời Nghị định cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo quản lý nợ đối với DNNN.

Hiện nay, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1 % là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.

Việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường. Việc Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN vay vốn đều thực hiện chặt chẽ theo quy định về việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Chính phủ.

Việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhất là trong các giai đoạn nguồn vốn trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển. Các DNNN có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.

Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ.

Phan Thảo ghi

Tin cùng chuyên mục