SEA Games kém sức hút

Lần đầu tiên, bầu không khí SEA Games yên ắng dù chỉ còn chưa đầy 3 tuần lễ nữa, đại hội thể thao lớn nhất khu vực sẽ khai mạc. Có nhiều lý do, trong đó việc nước chủ nhà Singapore tổ chức SEA Games 28 vào tháng 6 chứ không theo thông lệ vào cuối năm đã làm rút ngắn quá trình chuẩn bị của các môn thể thao.

Đa số các bộ môn thi đấu đều lấy thành tích của đại hội TDTT toàn quốc cuối năm 2014 để làm cơ sở tuyển chọn VĐV. Từ đầu năm 2015 đến nay, không có nhiều giải đấu vô địch quốc gia ở các môn diễn ra nên sự quan tâm của người hâm mộ cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính khiến SEA Games kém sức hút với người yêu thể thao Việt Nam. Hiện nay, mối quan tâm chỉ đổ dồn vào đội tuyển bóng đá U.23 sau khi đội bóng trẻ này chơi thành công tại vòng loại U.23 châu Á và nhất là có sự tham gia của các tuyển thủ U.19 vốn đã làm sống lại bầu không khí cuồng nhiệt suốt năm 2014. Điều này cho thấy, đang có khoảng cách ngày càng xa giữa bóng đá và các môn khác, giữa mảng đỉnh cao và phong trào thể dục trong đời sống xã hội.

Người dân luôn quan tâm đến bóng đá. Người ta có thể chơi bóng từ sáng tới tối tại các sân cỏ nhân tạo mọc lên như nấm sau mưa, được xem V-League đá hàng tuần, được giới truyền thông cung cấp thông tin hàng ngày về hoạt động của các CLB chuyên nghiệp thuộc sở hữu của những doanh nghiệp lớn. Thế nhưng, đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 28 gồm 28/36 môn thi đấu thì chỉ có 4 môn tham gia theo ngân sách xã hội hóa là golf, bóng rổ, bowling và bơi nghệ thuật.

Các môn này “bỏ tiền túi” dự SEA Games chủ yếu vì muốn quảng bá cho môn chơi của mình trong cộng đồng, trong khi phân nửa số môn dự SEA Games bằng ngân sách nhà nước gần như không phát triển được mảng phong trào, chủ yếu được tập trung dài hạn suốt năm phục vụ cho hoạt động thành tích. Ngay như môn điền kinh, tưởng là rất gần với TDTT cộng đồng thì mỗi năm cũng chỉ diễn ra một lần giải vô địch quốc gia, một giải quốc tế có chất lượng thấp, mức độ quảng bá là con số 0. Các môn vốn có sức hút rất lớn trước đây như bóng bàn, bóng chuyền thì nay, ngay cả việc thành lập đội tuyển quốc gia cũng lộn xộn, tranh cãi nhiều chỉ vì thiếu các giải đấu cọ xát thường xuyên nhằm tuyển chọn chính xác hơn. Phong trào đi xuống thì đỉnh cao khó mà phát triển, nói gì đến chuyện thu hút người quan tâm.

Về lý thuyết, phong trào mạnh thì đỉnh cao mới tốt và ngược lại, nếu thi đấu có thành tích thì sẽ cổ vũ cho hoạt động tập luyện thể dục, thể thao của người dân, kích thích phong trào phát triển. Tuy nhiên, hiện nay thể thao Việt Nam chỉ tập trung cho việc thi đấu đỉnh cao, mối liên hệ giữa thành tích quốc tế và phát triển phong trào hầu như không có. Đơn cử như trường hợp của môn cầu lông vốn rất phù hợp với mọi địa bàn dân cư thì nay, các giải thi đấu nội địa luôn trong tình trạng thừa VĐV - vắng người xem.

Ngân sách phân bổ cho thể thao mỗi năm một ít dần vì theo chiến lược xã hội hóa thì dần dần Nhà nước sẽ không còn bao cấp nữa mà chỉ dùng ngân sách cho hoạt động phát triển phong trào. Thế nhưng hiện nay, đa phần số tiền ấy chỉ dùng để đầu tư cho các VĐV đỉnh cao thi đấu quốc tế, trong khi các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong thể thao ngày càng kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng và hầu như không đóng góp được gì cho đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 28. Vì thế, chuyện người dân không quan tâm đến SEA Games 28 cũng là lẽ thường tình.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục