“Siết” chất cấm trong chăn nuôi: Cần giải pháp hữu hiệu

Hai tháng qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT đồng loạt kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi heo trên cả nước. Qua thanh tra 40 vụ, đã phát hiện 18 vụ vi phạm về sử dụng chất cấm, xử phạt hành chính với số tiền 2,6 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn tồn tại.
“Siết” chất cấm trong chăn nuôi: Cần giải pháp hữu hiệu

Hai tháng qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT đồng loạt kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi heo trên cả nước. Qua thanh tra 40 vụ, đã phát hiện 18 vụ vi phạm về sử dụng chất cấm, xử phạt hành chính với số tiền 2,6 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn tồn tại.

Đông Nam bộ: Sử dụng chất cấm vẫn diễn ra

Tại tỉnh Đồng Nai, nơi có đàn heo nhiều nhất cả nước với 1,6 triệu con, vào ngày 15-3 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh này đã phát hiện trang trại chăn nuôi heo của ông Phạm Văn Cấp, ngụ khu phố 7, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) có sử dụng chất cấm Salbutamol với đàn heo nái khoảng 40 con. Cùng thời điểm này, chi cục cũng phát hiện trang trại của ông Đào Đức Thành, tại phường Long Bình (TP Biên Hòa) có khoảng 400 con heo thịt được sử dụng chất cấm. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết đơn vị vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính 2 trang trại này, với số tiền 15 triệu đồng/trang trại. Ngoài số tiền bị phạt, 2 trang trại còn bị buộc không được bán đàn heo có kết quả dương tính với chất cấm, khi kiểm tra không còn chất cấm mới cho xuất bán. 

Theo ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, biện pháp quan trọng hàng đầu là ngăn chặn, xử phạt cơ sở nhập chất cấm từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời cũng phải xử lý hình sự các cơ sở chăn nuôi, nếu phát hiện đưa chất cấm vào đàn heo nuôi.

Cũng tại vùng Đông Nam bộ, vào ngày 23-3 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Bình Dương và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an thị xã Bến Cát) phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương bắt quả tang một cơ sở đang bơm nước và tiêm thuốc an thần trái phép vào heo thịt tại khu phố An Hòa (phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) do ông Trần Quốc Thái (33 tuổi, quê Bến Tre) làm chủ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận tại đây có 6 công nhân đang dùng xô nước có gắn vòi, bơm nước vào miệng heo và tiêm thuốc an thần vào cơ thể 10 con heo. Trong chuồng, chủ trại còn nhốt hơn 200 con heo đã được bơm nước và tiêm thuốc an thần đang say thuốc ngủ li bì.

Ông Trần Quốc Thái, chủ cơ sở khai nhận đã hoạt động từ tháng 9-2014, mỗi ngày có gần 300 con heo thu mua từ các hộ nuôi heo tại tỉnh Bến Tre, rồi đưa lên cơ sở này để bơm nước và tiêm thuốc an thần cho heo. Sau đó, số heo này được vận chuyển hết xuống lò mổ trên đường Nơ Trang Long (phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM) để giết thịt. Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 44 chai thuốc an thần nhãn hiệu Prozil fort đã qua sử dụng và 4 chai đang sử dụng, 1 bơm tiêm và 32 xô nước có gắn vòi dùng để bơm nước vào heo. Cơ quan chức năng khuyến cáo thuốc an thần Prozil fort là chất cấm sử dụng cho heo chuẩn bị giết mổ. Người ăn phải thịt heo mới được tiêm thuốc trong vòng một tuần có nguy cơ mắc bệnh ung thư tủy, giảm hồng cầu, mục xương…

Cán bộ kỹ thuật lấy mẫu nước tiểu đàn heo để kiểm tra có hay không hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Tây Nam bộ: Giảm, do sợ phạt

Sau một thời gian rộ lên chuyện người chăn nuôi heo ở Tiền Giang, Long An sử dụng chất cấm Salbutamol để “vỗ béo” cho heo, sau đó xuất về TPHCM tiêu thụ, khiến người tiêu dùng không chỉ ở TPHCM mà ở cả hai địa phương này cũng rất hoang mang. Sau đó, nhờ các cơ quan chức năng ở đây đồng loạt vào cuộc kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm để nuôi heo, gia súc… thì vấn nạn trên tạm thời được kiểm soát. Ông Võ Văn Phước, chủ một hộ chăn nuôi ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho biết: 5-7 tháng trước, các đại lý thức ăn, thương lái thường đưa “thuốc” cho các hộ chăn nuôi để “vỗ béo” heo. Nay không thấy nữa; có lẽ do đại lý thức ăn, thương lái và người nuôi sợ bị phạt nên không dám “làm ẩu”.

Bà Ngô Kim Hạnh, Chi cục phó Chi cục Thú y Tiền Giang, xác nhận: “Từ đầu tháng 2-2016 đến nay, trên địa bàn Tiền Giang, kiểm tra chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist tại các cơ sở giết mổ và địa điểm kinh doanh thịt heo, cơ quan chức năng chưa phát hiện chất cấm Salbutamol có trong các mẫu kiểm dịch. Chi cục đã xét nghiệm 45 mẫu nước tiểu, 9 mẫu thịt heo tại 11 cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh và 6 điểm bán thịt heo trên địa bàn TP Mỹ Tho. Kết quả là không phát hiện chất cấm Salbutamol trong các mẫu xét nghiệm này”.

Tại Long An, tình hình cũng đã có nhiều chuyển biến. Theo Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An: Sau khi nhận được thông báo trên địa bàn Long An có heo nuôi sử dụng chất cấm để “vỗ béo”, sau đó đem lên TPHCM tiêu thụ, ngành chức năng của tỉnh nhanh chóng tiến hành vào cuộc xác minh, kiểm tra trên toàn tỉnh. Chi cục Thú y tỉnh đã lấy 1.130 mẫu từ các hộ chăn nuôi, điểm trung chuyển, cơ sở giết mổ… để xét nghiệm. Kết quả chỉ có 2/498 mẫu ở cơ sở giết mổ dương tính Salbutamol, nhưng chỉ số nằm trong mức cho phép và 2/177 mẫu ở hộ chăn nuôi dương tính vượt ngưỡng cho phép với Salbutamol. Sau đó, 2 hộ chăn nuôi có mẫu vượt ngưỡng cho phép đã cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Theo ông Lê Văn Hoàng, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Long An chưa phát hiện thêm nơi nào sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành cũng không chủ quan, mà thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, điểm trung chuyển phải chấp hành tốt các quy định của nhà nước, phải nói không với các chất cấm trong chăn nuôi.

Đợi luật

Theo Bộ NN-PTNT, từ tháng 11-2015, Thanh tra Bộ NN-PTNT ráo riết phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) thành lập nhiều chuyên án kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi heo cả nước, điều tra và triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.  Còn đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, cục đang tạm dừng xem xét tất cả hồ sơ đăng ký xuất nhập khẩu Salbutamol. Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược đã phối hợp chặt chẽ với C49 kiểm tra các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, báo cáo Bộ Y tế ra quyết định đình chỉ và tước giấy phép kinh doanh của 3 đơn vị nhập khẩu Salbutamol do bán hoạt chất này không đúng mục đích, chuyển hồ sơ sang C49 điều tra, xử lý.

Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương vẫn còn lơ là, chủ quan trong việc quản lý chất cấm. Việc sử dụng chất cấm, kháng sinh phối trộn trong thức ăn của gia súc, gia cầm vẫn diễn ra, nhưng các cơ quan chức năng chưa thể giải quyết triệt để vì cơ sở sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Đội trưởng Đội thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Bộ NN-PTNT, kể từ ngày 1-7 sắp tới, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, áp dụng mức phạt rất nặng cho các đối tượng, doanh nghiệp vi phạm mới hi vọng đẩy lùi được chất cấm. Cụ thể đối tượng sản xuất, kinh doanh chất cấm có thể bị phạt 100 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt tù 1-5 năm; vận chuyển phạt 200 triệu đồng, xử tù 1-5 năm; sử dụng chất cấm bị phạt 200-500 triệu đồng, xử tù 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng có thể đến 20 năm tù.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục