Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 500 vụ tai nạn giao thông (TNGT), va quẹt xe liên quan đến người nước ngoài, trong đó số vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng chiếm hơn 50%. Đáng lo ngại hơn là số vụ TNGT do người nước ngoài gây ra ngày càng nhiều, năm sau luôn cao hơn năm trước. Vụ TNGT xảy ra trên đường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cách nay vài tháng, do Zheng Zhi Wen (34 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) điều khiển ô tô phóng nhanh, lấn trái vào làn đường ngược chiều, tông chết 2 thanh niên đang lưu thông trên xe máy, là một điển hình.
Trong khi các cơ quan chức năng chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để kéo giảm TNGT do người nước ngoài gây ra thì hiện nay ở các tỉnh thành, địa phương phát triển về du lịch, thu hút đông người nước ngoài đến lưu trú, làm việc, dã ngoại như Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long, Đà Nẵng, Cần Thơ…, tình trạng người nước ngoài điều khiển ô tô, mô tô không có giấy phép lái xe, không đội nón bảo hiểm, phóng nhanh, lấn tuyến, chở vượt số người quy định, lưu thông vào đường ngược chiều… xuất hiện nhan nhản. Chỉ riêng tại TPHCM, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TP) cho biết, trung bình mỗi tháng đơn vị này xử phạt trên dưới 100 người nước ngoài vi phạm, tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn nhiều so với số trường hợp vi phạm trong thực tế.
Pháp luật Việt Nam quy định rõ, bất cứ người dân quốc tịch nào, khi đến sinh sống, làm việc, sinh hoạt ở Việt Nam đều phải tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật của nước sở tại. Đối với lĩnh vực giao thông, luật giao thông cũng quy định rõ các điều khoản xử lý đối với người vi phạm. Dẫu vậy, vi phạm vẫn diễn ra tràn lan, TNGT do người nước ngoài gây ra vẫn gia tăng hàng năm. Vì sao? Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng này. Nguyên nhân đầu tiên có thể thấy rõ, do bất đồng về ngôn ngữ, không ít CSGT ngại trực tiếp xử lý người nước ngoài phạm luật trong lưu thông, hoặc cố tình né tránh xử lý đối với đối tượng vi phạm này vì quy trình, thủ tục phức tạp.
Đối với các trường hợp người nước ngoài thiếu ý thức, thường xuyên vi phạm, cố tình vi phạm, cơ quan chức năng vẫn chỉ xử lý hành chính, không có chế tài mạnh hơn như trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, khiến các đối tượng này lờn luật, tái phạm. Một số nơi, việc xử lý người nước ngoài vi phạm luật giao thông còn thiếu quyết liệt, làm theo kiểu “té nước theo mưa”, chỉ đẩy mạnh mỗi khi có TNGT xảy ra, sau đó lại buông lơi! Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật Việt Nam cho người nước ngoài hiện nay gần như bỏ ngỏ, khiến họ không nắm được luật, dẫn đến vi phạm.
Một số điều luật hiện còn chưa quy định chặt chẽ việc xử lý đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh, cho thuê phương tiện khi người nước ngoài không đủ điều kiện điều khiển (không có giấy phép lái xe, không nắm luật, không có nón bảo hiểm…). Việc rà soát, vận động người nước ngoài thi giấy phép lái xe sau lưu trú 3 tháng ở Việt Nam theo quy định vẫn chưa được chính quyền, ngành chức năng các địa phương quan tâm, thực hiện. Thực tế trên cho thấy, công tác quản lý nhà nước, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đối với người nước ngoài cần được chính quyền các cấp, ngành chức năng thực hiện quyết liệt, linh động và chặt chẽ hơn.
TUẤN VŨ