Trong khi nhiều doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với sản lượng hàng tồn kho ngày càng lớn do ảnh hưởng của lạm phát, nhiều công trình ngưng trệ, thị trường tiêu thụ chậm, thì thông tin từ Bộ Công thương đang trình dự thảo dự trữ lưu thông bắt buộc đối với mặt hàng thép càng khiến tình hình thêm rối ren.
Theo dự thảo này, mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến 10% lượng thép và 3% - 5% lượng phôi thép nhập khẩu năm trước. Ngoài ra, giá mua hàng hóa đưa vào dự trữ lưu thông thực hiện theo cơ chế giá thị trường và giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%...
Theo lý giải của Bộ Công thương, để góp phần bình ổn thị trường thép, việc quy định dự trữ lưu thông bắt buộc đối với phôi thép là cần thiết. Chưa hết, mới đây Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính có văn bản đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng thép, xi măng. Trong đó, đề xuất tăng thuế xuất khẩu của mặt hàng thép xây dựng lên 1,3% - 2%, phôi thép 3%, xi măng 5,3%, clinker 5%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự thảo dự trữ lưu thông bắt buộc đối với ngành thép không phù hợp với quy luật thị trường, đi ngược lại lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi đến thời điểm hiện nay, tổng công suất sản xuất thép xây dựng của cả nước đạt gần 9 triệu tấn/năm, trong khi tổng tiêu thụ thép năm 2010 mới đạt 6,3 triệu tấn, trong khi tiêu thụ thép 5 năm gần đây chỉ chiếm 50% - 60% tổng công suất của các doanh nghiệp. Vì vậy, không có lý gì lại dự trữ thứ đang dư thừa.
Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, với sản lượng dư thừa như vậy, doanh nghiệp có thị trường để xuất khẩu là điều cần khuyến khích chứ không nên tăng thuế để hạn chế. Điều đó sẽ “bóp nghẹt” doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp thép vào chỗ đình đốn, và phải sa thải hàng loạt công nhân hay hoạt động cầm chừng.
Tương tự, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, việc xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế, để nhằm đảm bảo nguồn cung xi măng cho thị trường những năm tiếp theo khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, hàng năm sản lượng của toàn ngành vẫn phải tăng.
Tuy nhiên, do ngành xi măng có đặc thù riêng, nếu sản xuất non tải, dưới công suất thiết kế sẽ gây lãng phí rất lớn. Do vậy, có những thời điểm cung vượt cầu, doanh nghiệp phải xuất khẩu để tháo gỡ bớt khó khăn. Do đó, việc tăng thuế xuất khẩu sẽ tạo ra rào cản, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Lạc Phong