Siết quy trình bổ nhiệm cán bộ

Những ngày vừa qua, dư luận chưa kịp lắng xuống với thông tin Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi, làm Vụ phó Vụ Kinh tế trong khi ông Hoàng có rất ít thời gian công tác thực tế tại đơn vị, thì mới đây, cũng tại BCĐ TNB, báo chí phát hiện một trường hợp lên chức nhanh không kém ông Vũ Minh Hoàng. Đó là trường hợp ông Nguyễn Tiến Khoa, chỉ sau 20 tháng (từ tháng 10-2013 đến tháng 5-2015) từ khi được tuyển dụng đã trở thành vụ phó. Từ tháng 6-2016 đến nay, kể từ sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh và những “lùm xùm”về công tác cán bộ tại Bộ Công thương thời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc bổ nhiệm cán bộ ở BCĐ TNB đặt ra vấn đề về công tác bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua.

Về vụ bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, theo nguyên Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ TNB Nguyễn Phong Quang, là “để có cái hàm làm việc với đối tác”. Thế nhưng, ông Hoàng giữ chức vụ phó chỉ có 32 ngày, sau đó lại chuyển về UBND TP Cần Thơ. Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Khoa, từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 8 Thăng Long - Tổng Công ty Thăng Long (trụ sở ở Hà Nội), xin về BCĐ TNB chưa đầy 2 năm thì đã phát triển rất nhanh, từ chuyên viên lên phó phòng rồi vụ phó, sau đó lại chuyển công tác ngược ra Trung ương MTTQ Việt Nam.

Về các trường hợp này, ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khóa VII nhận định: “Anh Vũ Minh Hoàng chưa có thời gian làm việc thực tế tại BCĐ TNB, được bổ nhiệm chức vụ lớn là “có vấn đề”. Ở vùng Tây Nam bộ không thiếu cán bộ giỏi. Trọng dụng nhân tài nhưng phải làm đúng quy trình, đánh giá đàng hoàng. Vụ trưởng tương đương với thường vụ tỉnh ủy, còn vụ phó thì tương đương tỉnh ủy viên. Muốn lên vụ trưởng, vụ phó là khó lắm, không phải dễ”. Ông Lê Phước Thọ dẫn chứng về trường hợp một cán bộ có thâm niên 10 năm làm thư ký cho ông (khi chưa nghỉ hưu) ở Ban Nông nghiệp và Ban Tổ chức Trung ương thì mới được làm vụ trưởng. “Muốn làm vụ phó, vụ trưởng cần có thời gian làm việc lâu dài, thử thách. Qua việc bổ nhiệm ở BCĐ TNB, tôi nghĩ Ban Tổ chức Trung ương sẽ vào cuộc để kiểm tra làm rõ”, ông Lê Phước Thọ chia sẻ.

Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Cụ thể là xây dựng, ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp. Với tinh thần thực hiện nghiêm túc, nhất quán, đúng nguyên tắc các khâu trong công tác cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương đã có một số văn bản chỉ đạo công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện thiếu chặt chẽ trong đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.  

Trong khi việc xử lý những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh và công tác cán bộ ở Bộ Công thương đến nay vẫn chưa dứt điểm thì xảy ra câu chuyện bổ nhiệm cán bộ ở BCĐ TNB như trên. Dù chưa có kết luận chính thức về vụ việc, nhưng qua thông tin báo chí nêu, người ta nhận thấy có sự dễ dãi, “cho qua”, chưa kể là lợi ích nhóm hay “chạy hàm” trong việc tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ ở một số đơn vị trong thời gian qua. Nếu các cấp, các ngành không thực thi đầy đủ, nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, không siết chặt công tác cán bộ, thì hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn, mà trường hợp Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục