
Một chú vịt Donald múa may, tung tẩy giữa đám đông khiến bọn trẻ cười thích thú; một đôi cánh trắng rung rinh trên vai cô tiên áo trắng đang phát poster giữa khu vui chơi; một chàng phục vụ đeo kính trắng, lưng áo thấm mồ hôi trong nhà hàng… Đó là một số chân dung trong bức tranh đa dạng về những sinh viên làm thêm kiếm sống.
Noel và Tết là mùa làm thêm nhộn nhịp của sinh viên. Đây là mùa vui nhất và cũng buồn nhất của các sinh viên xa nhà.
Làm thêm, việc gì cũng có!
Sinh viên có hàng trăm lý do để đi làm thêm. Có người vì gia đình khó khăn, cần tìm nguồn kinh phí để nuôi việc học tập. Cũng có sinh viên đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm thực tế cho công việc sau này. Không ít người đi làm thêm vì không muốn… cuộc sống mãi “thanh bạch”!

Hóa trang thành những chú vịt trong một khu
vui chơi
Đi làm thêm cũng là “mốt” trong giới sinh viên, bởi có những sinh viên nhà giàu vẫn đi làm thêm để chứng tỏ bản lĩnh thanh niên với bạn bè… Và, có hàng trăm lý do để sinh viên đi làm thêm thì cũng có hàng trăm công việc để cho các sinh viên chọn lựa.
Đối với Ngọc Dương, sinh viên năm thứ ba ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, khi cậu bước chân lên thành phố vào giảng đường đại học là bắt đầu những tháng ngày làm thêm kiếm sống. Quê tận vùng Tháp Mười (Đồng Tháp), mang tiếng là dân miệt vườn nhưng gia đình không có một tấc ruộng vườn làm của.
Mẹ Dương bán cá ngoài chợ nuôi cả nhà vì người cha thương binh chỉ đủ sức khỏe làm… việc nhà. Với Dương, tiền làm thêm trở thành “kinh phí chính” trong việc tự nuôi sống và lo chi phí học tập tại thành phố đắt đỏ này.
Mùa thi, sau khi phục vụ tại quán cơm đến 23g, Dương phải ra tiệm net gần nhà để làm bài nộp cho sáng mai. Có lần, khi trả máy lấy xe đạp ra về, cậu mới biết đã sang một ngày mới và chỉ kịp về nhà trọ thay áo quần, vệ sinh cá nhân là đi học ngay.
Làm thêm như Dương được giới sinh viên gọi là “đánh lẻ”. Để cuộc mưu sinh ổn định và ít bị hà hiếp từ chủ, các sinh viên ĐH Nông Lâm TPHCM chọn phương thức làm thêm theo kiểu “tập đoàn”.
Một nhóm sinh viên của trường làm thành một ê kíp chuyên đảm nhiệm việc phục vụ cho các lễ cưới tại khu du lịch Suối Tiên. “Tập đoàn” chia việc nhau rất cụ thể - vài người chuyên đảm nhận việc tìm “mối làm ăn”, người thì đảm nhiệm khâu đón tiếp, trang trí, nhóm thì chuyên việc phục vụ bàn ăn trong tiệc cưới…
Đặc biệt họ còn có một nhóm văn nghệ khá chuyên nghiệp với hơn chục sinh viên cả nam lẫn nữ đủ để nhận một “show” đám cưới với “quy trình khép kín”: từ MC đến hát, múa, đón khách dẫn bàn, phục vụ bàn tiệc.
Trước khi xuất quân, cả nhóm dành ra khoảng 2 giờ đồng hồ để phân nhiệm vụ và tập dượt lại cho ăn ý nhau. Nguyễn Tường Duy (SV ngành Công nghệ thực phẩm) đã 3 năm “đi múa quạt” tâm sự: “Ban đầu ra múa cũng… ngượng lắm, còn bây giờ thì đã nhuyễn rồi!”.
Hòa (SV ĐH Mở TPHCM) lại được bạn bè “nhận dạng” với vai “vịt nhí nhảnh” (biểu tượng của Vinagame). Dưới cái nóng gay gắt của khu vui chơi trên đường Nguyễn Du, quận 1, Hòa nhảy nhót, múa may, huyên thuyên nói chuyện với các bạn nhỏ.
Thỉnh thoảng Hòa thò cái đầu ướt nhẹp mồ hôi với đôi môi khô khốc ra xin ngụm nước và nhờ bạn bè “quạt quạt hộ mấy cái, ngộp quá”. Ngay sau đó, cậu lại phải chui vào “lò bát quái” để mua vui cho người, kiếm sống.
“Cực thì có cực nhưng vui, với lại có tiền nữa. Mỗi ngày chỉ làm chừng 5 tiếng cũng được hơn trăm rồi, ráng làm hết mùa hot này để dành tiền đóng học phí năm sau”, Hòa cười tâm sự với gương mặt phờ phạc.
Khéo tay, lại có kinh nghiệm trang trí thiệp từ thời còn học phổ thông nên Minh Thư (SV năm 1 ngành Quản trị - Cao đẳng Nguyễn Tất Thành) và nhóm bạn học “chọn nghề” làm thiệp bán trong mùa Giáng sinh.
Nhóm bạn 7 người tranh thủ những giờ giải lao tụ tập làm rồi lại lang thang bỏ mối thiệp ở các khu công viên, các cửa tiệm nhỏ. “Tiền lời không nhiều, nhóm mình làm cho vui thôi với lại tìm thêm kinh nghiệm sống cho mai sau”, Thư nói thế.
Tết này con không về…
“Mùa làm thêm” cuối năm thuờng trùng với kỳ thi cuối khóa nên các sinh viên phải tính toán thời gian sao cho không mất việc mà vẫn đảm bảo chuyện học hành, thi cử.
Huỳnh Thanh Phong, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thực phẩm của ĐH Nông Lâm TPHCM, dù bài vở thi tốt nghiệp ngập đầu nhưng cậu không thể nghỉ vì một người nghỉ là ảnh hưởng đến cả “ê kíp” làm việc.
Thế là cứ hết một tiết mục, Phong lại “ù” ra chiếc ghế đá dưới chân cột đèn đường để tranh thủ học bài thi. Cũng có những sinh viên do ham làm thêm, không tính toán thời gian hợp lý đã bị “treo môn”.
Như Duy, trong nhóm múa, thú nhận: “ Đi làm bận quá nên mình chọn những môn quan trọng để học, còn những môn thường thường thì… cúp cua. Nhưng đến năm sau, mình phải sắp xếp ưu tiên việc học hơn thôi, kẻo mẹ buồn”.
Đêm giao thừa, các ký túc xá vắng hoe và lặng lẽ. Các sinh viên ngã vật ra giường, nằm bất động hồi lâu, vì mệt sau ca làm thêm cuối năm cũng có nhưng chủ yếu là vì nỗi nhớ nhà ùa vào đầy căn phòng trống chông chênh.
Nhớ nhà, nhớ mẹ đến nao lòng, Dương gọi điện về nhà hàng xóm xin gặp mẹ. Nói bâng quơ vài câu thăm hỏi gia đình và khi nói xong câu “Mẹ ơi! Tết này con lại không về được rồi mẹ ạ” thì cậu cúp vội máy, vì sợ mẹ biết cậu sắp khóc.
Gần tết, lúc bạn bè thu gom đồ đạc để về quê ăn tết cũng là lúc các sinh viên ở lại thành phố chọn công việc làm bù đầu. “Khi làm việc nhiều thì bớt nhớ nhà. Nhưng đến những ngày cận tết, nhìn cả nhà người ta tung tăng đi mua sắm đồ tết thì chỉ muốn khóc, muốn vứt bỏ tất cả để về với mẹ”.
Nghĩ thế thôi, các sinh viên nghèo hiếu học đều hiểu rằng, họ đang chịu đựng hôm nay để có những ngày mai tươi sáng ….
LÊ SƠN